Những em bé viện K và giấc mơ cổ tích

GD&TĐ - Những ngày đầu tháng 9, khi không khí ngày khai trường đang nhộn nhịp khắp nơi, tôi lặng lẽ vào thăm những em bé ở Khoa Nhi - Bệnh viện K (Cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). 

Những em bé viện K và giấc mơ cổ tích

Kỳ 1: Những phận đời không may mắn

Thế giới của em đều gắn chặt với màu trắng của bệnh viện. Đối với những em bé nơi này, khoảnh khắc vui vẻ mặc bộ quần áo mới đến trường là khoảnh khắc dường như quá xa vời. Thay vì được cắp sách đến trường, được ở bên gia đình thân yêu, những đứa trẻ này phải đấu tranh giành lấy sự sống từng ngày.

Ước mơ được trở về trường

Căn phòng rộng chừng 20m2 tại khoa như là nơi sinh hoạt chung của đại gia đình những bệnh nhân nội trú. Nhìn những đứa trẻ thông minh, đáng yêu, đầy lạc quan nơi đây, lòng tôi thắt lại khi biết các em đều đang mang trong mình chứng bệnh hiểm nghèo: Ung thư.

Tạm dừng ước mơ đến trường với bạn bè cùng trang lứa, đều đặn từ khi nhập viện, những đứa trẻ đã phải tự mình vượt qua những cơn đau do hóa chất, xạ trị.

Mái tóc bị rụng trụi lủi để lộ gương mặt xinh xắn và thông minh, bé Lê Thị Ngọc Bích (9 tuổi) cho biết, em là học sinh Trường Tiểu học Hải Yến (Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Từ lâu, bệnh viện đã thành nhà của em.

Khi tôi hỏi: “Con có biết ngày khai giảng không?” bé nghẹn ngào: “Con nhớ ngày khai giảng lắm vì con chỉ được đi khai giảng một lần rồi nằm viện đến giờ. Con mơ ước có một chiếc cặp đi học, được hàng ngày đến trường cùng bạn bè”.

Anh Lê Văn Lực, bố cháu Ngọc Bích, cho biết, từ nhỏ đến lớn, Ngọc Bích ít khi ốm. Thế nhưng năm 6 tuổi cháu bị đau bụng kéo theo sốt. Đưa con đi bệnh viện để khám, gia đình đau đớn khi các bác sĩ cho biết em bị u buồng trứng. Cháu điều trị ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương rồi sau đó chuyển sang K mổ và trải qua vài đợt xạ trị. Hai năm rưỡi rồi anh và bé Bích sống trong bệnh viện này.

Anh tâm sự: “Năm học mới này nghĩ đến con lại thấy buồn. Cháu học khá tốt nên mỗi lần điều trị về, gia đình lại cho cháu đến trường, học 3, 4 tháng cháu lại nghỉ để đi điều trị. Từ khi cháu bị nặng, bệnh viện đã thành nhà, và ký ức về ngày khai giảng cũng nhạt nhòa trong con”.

Cạnh giường bé Ngọc Bích là trường hợp bé Hoàng Minh Thư bị bệnh ung thư xương. Trò chuyện với em, tôi cảm nhận đó là một cô bé khá thông minh và lanh lợi. Bé khoe: “Con học lớp 4 Trường Tiểu học Minh Khai (Nghệ An). Con đến đây được 1 năm rồi, sau mỗi lần về nhà con lại đến trường học”. Tôi hỏi: “Thế con có theo kịp được các bạn không?”, bé trả lời: “Con vẫn theo được” và khoe: “Bây giờ con có cô giáo mới rồi, con mới gặp cô hôm về nhà”.

“Ở lớp con thân với bạn Lâm Phương, Anh Quân. Con rất mong được khỏi bệnh để về nhà, được đến lớp, được gặp bạn bè và cô giáo mới, được chạy ra chơi đùa cùng các bạn ở sân trường”. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt em, vội quay mặt mà thấy khóe mắt cay xè. Mong ước của em thật giản dị! Nhưng sao mà quá xa vời !?....

“Con chỉ muốn được đi học”

Gương mặt khôi ngô, cùng phòng với Bích và Thư là cậu bé Trịnh Tiến Lâm. Năm nay Lâm 10 tuổi nhưng trông cậu bé nhỏ chỉ bằng trẻ lớp 1 ở thành phố. Trước khi nhập viện, Lâm học Trường Tiểu học Xuân Thành, Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Em mắc bệnh u nguyên bào thần kinh. Năm nay theo đúng tuổi bé học lớp 4 nhưng do bị đi viện nhiều nên mỗi lần hết đợt điều trị, Lâm về nhà phải học lại lớp 3.

Chị Phan Thị Hằng, mẹ Tiến Lâm không giấu được nỗi đau đớn, nức nở: Ngày bác sĩ thông báo cháu mắc bệnh u nguyên bào thần kinh, chị nghe mà như đất sụp dưới chân. Từ đó là những chuỗi ngày cùng cực, cùng con trai “chiến đấu” với căn bệnh quái ác. Để chăm con ở viện, chị Hằng phải bỏ cả việc đồng áng. Gia đình thuộc hộ nghèo, lúc đầu vào viện thì không phải vay, sau này nằm viện lâu cũng phải vay mượn. Kinh tế luôn là điều ám ảnh của các bệnh nhân ung thư trên con đường giành giật sự sống.

Chị Hằng cho biết: “Nhà có ba chị em, Lâm là con út, cháu học khá giỏi, viết chữ đẹp nhất lớp, luôn là niềm tự hào của bố mẹ và cô giáo. Học đến lớp 2 thì cháu phải vào viện điều trị. Từ đó ước mơ của con cũng quanh quẩn trong bệnh viện. Lúc đầu, bác sĩ nói là trường hợp của cháu nếu hợp thuốc cũng chỉ được 3 tháng. Thế nhưng cháu ở nơi này được 1 năm rồi. Hôm qua cháu vừa đi chạy xạ. Thương con lắm mà không biết làm cách nào?”.

Khi tôi hỏi Tiến Lâm: “Con ước mơ điều gì?”, hồn nhiên và vô tư, cậu bé cười: “Con không biết ước mơ là gì, con chỉ thích được đi học. Con nhớ cô giáo Trang, vừa qua, cô đã đến thăm con, mua quà cho con. Kết thúc năm học, cô cho con đến liên hoan cùng bạn bè, con nhớ cô và các bạn”.

Ánh mắt, nụ cười vô tư của những đứa trẻ đang chống chọi với căn bệnh ung thư làm tôi nhớ mãi. Trên những khuôn mặt non nớt, hồn nhiên, vô tư phảng phất những nỗi buồn. Ước mơ lớn nhất của các em là được ra ngoài, được về nhà vui chơi như các bạn cùng lứa tuổi khác. Ước mơ ấy bao giờ thành hiện thực, tôi vẫn mong có một phép màu nào đó như trong câu chuyện cổ tích sẽ đến với những thiên thần bé nhỏ, với những phận đời không may mắn.

(Kỳ 2: Dang dở ước mơ tới trường)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.