Hơn lúc nào hết, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV trong giai đoạn hiện nay vừa là trách nhiệm chung của toàn xã hội, vừa là lĩnh vực giáo dục quan trọng đối với nhà trường.
Thể hiện “đẳng cấp”
Chị Thu Liên - một phụ huynh nhà ở quận Tây Hồ (Hà Nội) kể lại tình huống khi đến đón con ở một trường THCS. Dựng xe máy đứng chờ con ở cổng trường, chị thấy từng tốp HS đi ra, các em mặc đồng phục, cười nói vui vẻ, trong đó có một bé là con của bạn chị. Chị thực sự “sốc” khi nghe các nhóm HS tụ tập nói chuyện, phần lớn là văng tục, chửi thề, cười nói vô tư như không biết đến những người xung quanh…
Chị trao đổi lại với con về việc mình vừa chứng kiến, con chị khá bình thản cho biết: Các bạn ấy thân thiết nhau mới xưng hô và nói tục thoải mái như vậy. Nếu ai trong nhóm mà không hòa mình vào “cuộc chơi” sẽ bị tẩy chay, cô lập. Ở trên lớp khi trao đổi với thầy cô giáo và khi về nhà nói chuyện với bố mẹ, các bạn ấy vẫn rất lễ phép, ngoan ngoãn, nhẹ nhàng.
Nghe con nói vậy, chị Liên tức tốc gọi cho bạn, trao đổi tế nhị việc vừa nhìn thấy bọn trẻ nói chuyện với nhau toàn bằng những từ ngữ thô tục, thiếu văn hóa. Bạn chị tỏ vẻ ngạc nhiên: Không biết những HS này được dạy dỗ thế nào, chứ con mình ở nhà ngoan ngoãn, lễ phép lắm, không bao giờ thấy ăn nói chỏng lỏn, văng tục. Con lại học ở trường có chất lượng, không thể nào lại có những phát ngôn bậy bạ, thiếu văn hóa…
Câu chuyện của chị Liên không phải là cá biệt, khi trên nhiều diễn đàn khác của phụ huynh, giáo viên, nhiều bậc cha mẹ cũng than phiền về tình trạng bắt gặp, chứng kiến nhiều HS nói tục một cách vô tư, thoải mái… Thế nhưng, vẫn có không ít ý kiến cho rằng, con mình ở nhà rất ngoan, gọi dạ, bảo vâng, nói năng ý tứ chứ không lỗ mãng, bậy bạ như nhiều người vẫn thấy. Họ cho rằng, những đứa trẻ “hư hỏng” ấy là “con nhà người ta”…
Cứ thế, những đứa trẻ nhiều “khuôn mặt” đang khiến phụ huynh và thầy cô, xã hội không khỏi hoang mang. Vì đâu nên nỗi khi ở nhà, trên lớp trẻ không nói tục, văng bậy nhưng khi ra ngoài đường hoặc trên mạng xã hội, các em trở thành những con người khác?
Chưa biết “gạn đục, khơi trong”
PGS.TS Nguyễn Dục Quang - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhận định: Tuổi trẻ ngày nay phần đông là những con người năng động, có kiến thức rộng, sống có hoài bão, đã thể hiện trách nhiệm với xã hội, với chính bản thân. Nhiều bạn trẻ có nhu cầu hiểu biết rộng, mong muốn nắm bắt những thông tin mới trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, ước mơ về một tương lai đẹp đẽ cho bản thân nên quyết tâm theo đuổi đến cùng. Đó là ước mơ chính đáng của cái Tôi, vì sự phát triển của cái Tôi để tự khẳng định mình, để có thể hội nhập nhanh chóng vào một thế giới đang ngày càng sôi động.
Bên cạnh những biểu hiện của tư tưởng tích cực và lành mạnh, của hành vi ứng xử có văn hóa, hiện nay vẫn còn một bộ phận HSSV có những hành vi thiếu văn hóa, có biểu hiện vi phạm về đạo đức, có lối sống hưởng thụ, có tư tưởng sống gấp, sống không có hoài bão lí tưởng, gặp chăng hay chớ. Đối với bản thân, họ không có ý chí phấn đấu, sống buông thả, vi phạm pháp luật, tiếp thu các tư tưởng văn hóa nước ngoài không có chọn lọc, không biết “gạn đục, khơi trong”...
Theo PGS.TS Nguyễn Dục Quang: Những hiện tượng đó dễ tạo cho HSSV thói quen mất phương hướng trong cuộc sống, trong thưởng thức, cảm thụ và sáng tạo nghệ thuật, sống không tình nghĩa, không còn lí tưởng. Đây hoàn toàn là những biểu hiện của nếp sống xa lạ, sai trái, đi ngược với truyền thống văn hóa của dân tộc. Hiện tượng các bạn trẻ văng tục, chửi thề; có thái độ không đúng mực với người già; hành động thiếu văn hóa nơi công cộng... còn khá phổ biến. Các bạn coi đó như là chuyện bình thường, tất yếu xảy ra trong một xã hội đang phát triển và do đó có thái độ dửng dưng, bàng quan trước các hiện tượng không lành mạnh đang nảy sinh từng ngày trong giới trẻ.
Hiểu để uốn nắn lệch lạc
Vì sao giới trẻ hiện nay lại nói bậy ngày càng phổ biến và coi đó là việc hoàn toàn “bình thường”? Thực tế, nhà trường và hầu hết gia đình không “dạy” những ngôn ngữ lệch chuẩn này cho con em, học trò của mình.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Cẩm Lan - Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Gia đình và nhà trường không bao giờ “dạy” những dạng thức ngôn ngữ bị coi là lệch chuẩn cho con em mình, học trò mình. Tuy nhiên, ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, nó cũng sẽ mang những thuộc tính của những hiện tượng xã hội nói chung, trong đó có một thuộc tính là khuyếch tán hay lan toả. Vì vậy, tuy gia đình và nhà trường không bao giờ “dạy” thứ ngôn ngữ thiếu chuẩn mực cho con em mình nhưng chỉ cần có một vài người trong cái cộng đồng ấy (gia đình và nhà trường) sử dụng là lập tức hiện tượng này sẽ có xu hướng lan ra.
Bên cạnh đó, còn có một nguyên lý rất cơ bản trong giao tiếp ngôn ngữ, đó là nguyên lý thích nghi. Đây là một hiện tượng trong đó người sử dụng ngôn ngữ có những hành vi nhất định để điều chỉnh cách dùng của mình sao cho thích hợp với ngôn ngữ của người đối thoại để có được “tiếng nói chung” hay sự đồng điệu, chia sẻ. Sự điều chỉnh đó có thể theo hướng tích cực hoặc tiêu cực tuỳ thuộc vào đối tượng giao tiếp của người đó là ai, sử dụng ngôn ngữ như thế nào. Hai nguyên lý này (lan toả và thích nghi) hỗ trợ cho nhau và kết quả của nó là sự ảnh hưởng của những lối nói thiếu chuẩn mực giữa các cá nhân trong cộng đồng, ngay cả khi họ không được “dạy”.
PGS.TS Trịnh Cẩm Lan chia sẻ: Hiện tượng giới trẻ nói bậy ngày càng phổ biến và họ coi đó là việc hoàn toàn “bình thường” bởi rất đơn giản, ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, nó cũng có những thuộc tính xã hội. Thuộc tính ấy, về cơ bản, sẽ làm cho chúng ta cảm thấy hoàn toàn bình thường nếu chúng ta giống như tất cả mọi người và thấy lạc lõng nếu “chẳng giống ai” (tất nhiên, không phải bao giờ cũng thế). Một đứa trẻ nói tục, chửi bậy trong khi những người xung quanh thì không sẽ khiến trẻ cảm thấy lạc lõng, thậm chí bị kì thị rồi dần dần từ bỏ. Ngược lại, một đứa trẻ nói tục chửi bậy, bạn bè xung quanh cũng nói năng như vậy, lập tức trẻ sẽ cảm thấy hành vi của mình là “bình thường”, thậm chí rất “bình thường”.
Theo TS Trịnh Hòa Bình, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), một trong những giải pháp đầu tiên để giảm thiểu những suy nghĩ và hành vi lệch chuẩn của giới trẻ là sự giáo dục từ gia đình. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái trong mọi vấn đề, nhất là đạo đức, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, tạo nên một môi trường thuận lợi cho việc giáo dục xã hội hóa thế hệ trẻ. Sự gương mẫu trong cách ứng xử, lối sống, trong làm việc… của cha mẹ chính là phương pháp giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất tới con cái.
TS Văn học Đoàn Hương cho rằng, những hành vi lệch chuẩn của thanh niên, học sinh một phần xuất phát từ việc các em không đọc sách, bởi đã bị văn hóa mạng lôi cuốn. Vì thế, thầy cô, nhất là những thầy cô trẻ cũng phải ham đọc sách, truyền niềm đam mê, hứng khởi cho HS. Nếu không có thói quen đọc thì đời sống tinh thần của mỗi người trẻ sẽ chẳng thể phong phú, tâm hồn cằn cỗi dễ dẫn đến những hành vi lệch chuẩn.
Ngoài sự theo dõi, giáo dục của gia đình, nhà trường thì tổ chức Đoàn và các ngành chức năng cần vào cuộc hiệu quả hơn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới phương thức phổ biến, giáo dục bằng trực quan, vụ việc và bài học thực tiễn. Khuyến khích, truyền cảm hứng cho thanh niên, học sinh tìm hiểu pháp luật qua sân chơi tập thể; giúp học sinh, sinh viên chủ động tìm hiểu, từ đó sẽ hình thành ý thức tự giác, thói quen học tập nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, sống học tập và làm việc theo pháp luật…
Càng trong xu thế phát triển hiện nay thì chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử càng phải được quan tâm đề cao hơn nữa. Việc ứng xử có văn hóa không chỉ tạo nên nét đẹp cho từng cá nhân, mà còn phản ánh bản sắc văn hóa của một cộng đồng, một quốc gia, một dân tộc. Chỉ khi hành xử, ứng xử có văn hóa, mới giảm tối đa những yếu tố tác động đến hành vi lệch chuẩn của học sinh, hạn chế những xung đột trong môi trường học đường, giảm vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên.
Ngoài những nỗ lực của nhà trường, gia đình, thì mỗi HS cũng phải tự ý thức và rèn luyện kĩ năng sống của bản thân. Bên cạnh học các kiến thức cơ bản trong nhà trường, cá nhân học sinh cần trau dồi kiến thức ứng xử giao tiếp với bè bạn, người thân và những giao tiếp trong xã hội. Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, thông tin được đưa lên Internet ngày càng đa dạng, phong phú và khó kiểm soát, do đó các em cần phải biết sàng lọc thông tin trong quá trình tiếp nhận. - TS Trịnh Hòa Bình – Nguyên Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
Ngành GD-ĐT Tây Hồ đã tích cực triển khai tuyên truyền Quy tắc ứng xử trong trường học, coi đây là những chuẩn mực, giá trị và hành vi ứng xử văn hóa thông qua các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, làm việc, học tập… nhằm điều chỉnh cách thức ứng xử của mọi thành viên trong nhà trường theo thuần phong, mỹ tục, tạo môi trường làm việc, học tập thân thiện, hợp tác trách nhiệm, cởi mở, trung thực, văn minh trong nhà trường…
Để việc thực hiện những chuẩn mực, giá trị trong mỗi nhà trường là việc làm thường ngày, góp phần xây dựng và phát triển mỗi nhà trường, ngành GD-ĐT quận yêu cầu các nhà trường có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện, quyết tâm không để xảy ra hiện tượng vi phạm các chuẩn mực đạo đức trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Tiếp tục giảng dạy hiệu quả môn đạo đức đối với học sinh tiểu học và môn GDCD đối với học sinh. Sáng tạo cùng chung tay xây dựng nhà trường văn hóa - nhà giáo mẫu mực - học sinh thanh lịch… - Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội).
Đa số học sinh có thái độ ứng xử rất tốt; biết chào hỏi lễ phép; biết đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn; có ý thức học tập và rèn luyện.... Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng học sinh vô lễ với thầy cô giáo, nói tục, đánh cãi nhau, lười học, có những suy nghĩ, hành động, dại dột, manh động, gây hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nhân cách, đạo đức của các em, khiến cho bố mẹ, thầy cô buồn phiền.
Để xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, có văn hóa, có chất lượng theo đúng tinh thần “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”, thì việc thực hiện Quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”; “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực” rất quan trọng. Thông qua ngôn ngữ giao tiếp, người ta có thể hiểu được bản chất, trình độ học vấn và giáo dục của người nói. Do vậy, rèn luyện văn hóa ứng xử để xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại chính là thước đo giá trị, là “chìa khóa” mở ra con đường đưa đất nước phát triển đi lên, hội nhập với thế giới. - Nhà giáo Hứa Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường TH Giang Biên, quận Long Biên