Những đứa con trong bộ đội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm 1958, vài năm sau khi đình chiến chiến tranh Triều Tiên, quân tình nguyện số 23 trở về quê hương và đóng quân tại Hắc Long Giang.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau khi trở về từ Triều Tiên cùng với đoàn quân, gia đình chúng tôi sống một thời gian tại nhà trọ của quân tình nguyện trên đường Đào Viên ở thành phố Đại Liên, sau đó chuyển đến khu nội trú của Sư đoàn 67 ở Mẫu Đơn Giang.

Trụ sở chính của Sư đoàn 67 ban đầu là doanh trại của quân đội Quan Đông Nhật có cổng hướng về phía Nam, trước cổng có một vòng xuyến, người dân địa phương thường gọi là “bùng binh”. Cách bùng binh không xa về phía Đông là Trường Tiểu học Tân Hoa. Nhà tôi ở tòa nhà phía Bắc, có một vườn rau nhỏ phía trước ngôi nhà gỗ và khu rừng nhỏ ở phía Đông.

Gia đình tôi có 4 người con, tôi là con cả. Khi đến Mẫu Đơn Giang, tôi mới hơn 6 tuổi, vừa đúng tuổi phải đến trường. Thế nên, tôi đã đi học lớp 1 ở Trường Tiểu học Tân Hoa và trở thành lứa học sinh đầu tiên của trường.

Sau khi bố trở về Trung Quốc, ông ấy luôn bận rộn với công việc, hay phải đi sớm về muộn. Lâu ngày, tôi không gặp ông ấy. Khi về nhà, ông ấy mang cho tôi một số khối galen hình vuông lục giác lấp lánh rất đẹp, được tìm thấy trong khi ông đào hầm.

Tôi giữ gìn, nâng niu khối galen trong ngăn kéo của mình như thể đã tìm thấy kho báu. Bố tôi là cán bộ chính trị và là người rất ôn hòa, nhã nhặn, tốt bụng. Ông thường chơi trò chơi, vẽ tranh và làm những đồ chơi bằng gỗ cho chúng tôi.

Bố tôi rất giỏi việc làm vườn, ông hướng dẫn chúng tôi trồng rau từ việc gieo hạt, làm cỏ, đến bón phân và thu hoạch. Các loại rau trong vườn rau đều phát triển rất tốt, đến nỗi dường như chúng tôi ăn mãi không hết.

Các bậc cha chú đã trải qua thử thách của cuộc chiến trường kỳ nên họ đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục lòng yêu nước cho chúng tôi. Tôi đã từng cùng cha mẹ đến thăm hỏi thương binh và những người bị bệnh trong quân tình nguyện và Viện Điều dưỡng cựu chiến binh Mẫu Đơn Giang nằm bên bờ sông Mẫu Đơn.

Lúc đó là mùa Hè, nhiều người bị thương, mất đi tay hoặc chân ngồi trên xe lăn, trông có phần đáng sợ nhưng hình ảnh ấy để lại ấn tượng sâu sắc với tôi. Ban đầu, tôi chỉ biết rằng họ bị tàn tật khi chiến đấu nơi tiền tuyến ở Bắc Triều Tiên.

Cho đến khi xem bộ phim “Trường Tân hồ”, tôi mới biết, không chỉ chiến đấu khiến họ trở thành thương binh mà bỏng lạnh còn khiến tứ chi họ mất hoàn toàn. Khi đó, tôi nghe người lớn kể lại rằng, nhiều y tá trong viện điều dưỡng đã kết hôn với thương binh xây dựng gia đình hạnh phúc. Giờ nghĩ lại, họ là những con người thật vĩ đại và cao cả.

Bố đặc biệt đưa chúng tôi đến khu vực đóng quân trên sông Thiết Lĩnh, đến Đài tưởng niệm Hồng quân Liên Xô được bao quanh bởi những bông hoa. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cây cầu đường sắt trên sông Thiết Lĩnh.

Vào tháng 8/1945, Hồng quân Liên Xô đưa quân đến phía Đông Bắc chiến đấu với quân đội Quan Đông Nhật. Thời điểm đó, các đoàn tàu của quân Nhật trên cầu đường sắt đang lần lượt tiến hành điều động các đoàn tàu chở đầy quân và đạn dược.

Ba nữ chiến sĩ xe tăng Hồng quân Liên Xô khi hết đạn chiến đấu, đã không chút do dự lái xe tăng T34 đâm trực diện vào đoàn tàu Nhật đang lao tới. Xe tăng và đoàn tàu đâm vào nhau lăn xuống dòng Thiết Lĩnh.

Ba nữ chiến sĩ ấy đã dùng máu và mạng sống của chính mình để cắt đứt đường rút lui của quân đội Nhật và góp sức lực vào việc quét sạch tất cả lũ giặc đại gian đại ác trên toàn đất nước.

Bên dòng sông Thiết Lĩnh chảy chậm, trên bãi sông trải đầy đá cuội, bố còn kể cho chúng tôi nghe về hành động anh hùng của tám cô gái đã gieo mình xuống dòng sông. Tám nữ quân nhân xưởng sản xuất quần áo của Liên minh kháng Nhật Đông Bắc làm nhiệm vụ hỗ trợ cho việc vận chuyển quân lương.

Trong hoàn cảnh chiến đấu cạn kiệt đạn dược, lương thực và không kịp chờ cứu viện, các cô đã tay trong tay gieo mình xuống phụ lưu Mẫu Đơn Giang cuồn cuộn chảy. Câu chuyện đã cho chúng tôi thấy tinh thần không khuất phục, thà chết chứ không để bị bắt của các cô.

Năm 1959 là thời kỳ Đại Nhảy Vọt. Trước tình hình toàn dân luyện thép, sư đoàn cũng xây dựng mấy lò cao bằng đất sét ở một góc sân vận động quân doanh, ban ngày khói mù mịt, ban đêm ngọn lửa cháy sáng, thu hút lũ trẻ đến xem thường xuyên.

Ai có thể ngờ rằng, trên sân sư đoàn, một bí mật lớn đã được phát hiện trong lò luyện gang thép to lớn. Khi mọi người đang tìm thép phế liệu, người nào đó đã vô tình tìm thấy những quả đạn pháo cùng rất nhiều vỏ đạn. Sau khi thăm dò công binh, các chiến sĩ gần như lật tung tất cả các khoảng đất trống trong trại, đào lên và tìm thấy rất nhiều vỏ đạn do quân đội Quan Đông Nhật giấu trong ống cống.

Họ thu thập vỏ đạn, chất ngay ngắn thành mấy hàng dài như bức tường thành, ít nhất cũng gần nghìn viên đạn, tựa hồ bọn giặc giấu, vứt bỏ khi chạy trốn. May mắn thay, những cái vỏ này không có ngòi nổ, đã gỉ sét.

Mỗi vỏ đều có một cái vòng bằng đồng, lúc đó tôi không biết đó là vành đai đạn, nhưng tôi biết rằng đồng còn quý hơn sắt. Mỗi ngày trên đường đến trường, chúng tôi đi ngang qua những bức tường đạn này. Một ngày nọ, nhiều vỏ đạn biến mất, có lẽ vì nó đã được luyện thành thép.

Những tiếng còi lệnh đã quá quen thuộc với chúng tôi: Buổi sáng, tất cả thức dậy với tiếng chuông đánh thức inh ỏi và đi ngủ với tiếng thông báo tắt đèn kéo dài vào ban đêm. Chúng tôi ăn sáng trên thao trường trong tiếng tập luyện với khẩu hiệu “một, hai, ba, bốn” của giải phóng quân rồi cùng các bạn cuốc bộ đến trường.

Trong phong trào rầm rộ chế tạo máy thu vô tuyến tinh thể trên cả nước, chúng tôi cũng bắt đầu học cách chế ra nó. Bố mẹ rất ủng hộ tôi, họ không chỉ mua quặng sắt, tụ biến và tai nghe, mà còn đến đội liên lạc để xin đường dây điện thoại và trèo lên ống khói trên mái nhà để giúp tôi lắp đặt ăng-ten.

Bố mang từ tiểu đoàn công binh về chiếc hộp nhỏ bằng gỗ tinh xảo sơn màu đỏ, bên ngoài in dòng chữ “hộp kíp nổ”, bên trong dày đặc hàng lỗ nhỏ, dùng để đặt kíp nổ. Bố khoét rỗng, tôi cho cuộn dây, tụ biến trở, quặng vào, kích thước vừa đủ.

Tôi cài đặt bốn thiết bị đầu cuối ở bên cạnh hộp kíp nổ, kết nối ăng-ten, dây nối đất và tai nghe. Cuối cùng, máy thu vô tuyến tinh thể hoàn thiện đã hiện diện trước mắt chúng tôi. Chiếc hộp đẹp mắt của tôi đã được trưng bày ở trường! Mỗi đêm, tôi nằm trong chăn, đeo tai nghe cẩn thận tìm kiếm chương trình phát sóng từ các đài phát thanh.

Đây là công việc mà tôi không bao giờ thấy mệt mỏi, để rồi ngày hôm sau khoe với bạn bè: “Tối qua tôi nghe được một cuộc phát thanh từ một nơi nào đó…”. Vì cột ăng-ten được đặt cao và dài nên tôi có thể thu được nhiều tín hiệu radio hơn những người khác và âm thanh của tai nghe to hơn những người khác. Điều này làm tôi có phần kiêu ngạo.

Có lần, tôi rất đắc ý khi nhặt được một viên đá cỡ quả óc chó bên đường, trông giống như một loại quặng nào đó. Sau khi đập vỡ nó, tôi tìm thấy một số tinh thể có ánh kim loại sáng bóng bên trong, chọn ra những hạt sáng nhất, thay thế chúng vào quặng đang hoạt động của máy thu.

Và không ngờ hiệu quả còn tốt hơn sử dụng quặng ban đầu! Tôi thực sự vui mừng và hạnh phúc nhiều ngày sau đó, một niềm vui đơn giản của trẻ con. Cảm giác làm máy thu vô tuyến bằng quặng thực sự tuyệt vời. Các sóng vô tuyến vô hình trong không trung đi vào cuộn dây dọc theo ăng-ten, xuyên qua quặng sáng bóng có kích thước bằng hạt gạo và phát ra những bài hát và câu chuyện hay từ tai nghe.

Nó cũng không cần sử dụng điện, thật tuyệt vời! Máy thu thanh đã mãnh liệt khơi dậy sự tò mò của lũ trẻ con chúng tôi. Kể từ đó, cánh cửa khám phá thế giới khoa học mới đã dần mở ra trong trái tim tôi. Chỉ có điều đáng tiếc là trong thời kỳ đặc biệt, mẹ tôi bị bắt vì là “nghi phạm đặc biệt”.

Ngôi nhà của chúng tôi bị tịch biên, chiếc máy thu vô tuyến tinh thể yêu quý của tôi bị tịch thu làm “đài phát thanh” của mật vụ và tung tích của mẹ cũng không biết từ đó.

Trẻ con sống trong quân đội yêu thích quân đội và thứ chúng yêu thích tất nhiên là súng! Nhìn mấy khẩu 53 nhái Mosin Nagant của Liên Xô và tiểu liên 54 nhái Liên Xô trong tay các chú giải phóng quân, tôi chỉ có thể ngắm chứ không thể chơi, trong lòng cảm thấy thật ngứa ngáy.

Mỗi lần bố bắn xong mục tiêu và lau chùi khẩu súng lục, tôi lại với tay ra giúp tháo, lắp. Cảm giác nhìn thấy nhưng không được dùng thật khó chịu nên lũ trẻ trong quân doanh chúng tôi đã tự chế súng lục, súng trường, súng máy bằng gỗ mô phỏng theo súng thật.

Khi đó, quân tình nguyện vừa từ Triều Tiên trở về, mọi người đang bận xây dựng cơ sở hạ tầng, vì vậy các khúc gỗ lớn nhỏ chất đầy trên sân vận động rộng lớn. Súng tiểu liên là loại hay được chúng tôi chế tạo nhất, bởi vì dễ làm nhất. Chỉ cần dùng miếng gỗ, vài cái đinh đã có thể tạo ra khẩu súng tiểu liên sinh động như thật! (…)

Chúng tôi hứng thú với đống đạn các loại. (…) Món đồ chơi yêu thích của tôi là băng đạn tháo rời của súng máy quân đội Mỹ, là những đoạn thép cong mỏng độc lập có màu xanh lam, được liên kết với nhau rất khéo léo thông qua các hộp đạn phụ để tạo thành dây chuyền đạn.

Khi bắn, vỏ đạn văng ra ngoài, dây chuyền đạn bay tung tóe khắp mặt đất. Khi người lớn không ở nhà, chúng tôi thường tháo đi tháo lại viên đạn với băng đạn. Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, khi một ngày nọ, bố đã tìm thấy “kho vũ khí” của tôi và tịch thu.

Tôi phải giao nộp tất cả các loại đạn có cỡ nòng khác nhau trong bộ sưu tập, bao gồm cả hàng dài băng đạn súng máy! Tôi đau lòng quá! Những “đạn dược” này đều từ đống đạn trong sân nhà kho mà chúng tôi kỳ công chui qua hàng rào thép gai chọn lọc kỹ lưỡng.

Những đứa trẻ trong quân đội thích chơi trò chiến tranh và các “trận chiến” xảy ra gần như hằng ngày sau khi hoàn thành bài tập về nhà. Bọn trẻ được chia thành hai nhóm, quân giải phóng và quân giặc.

Mở đầu trận đánh, quân địch và quân ta có lúc tiến, lúc lùi khó lường, tay cầm vũ khí dài, ngắn tự tạo; bắt chước tiếng bắn, tiếng nổ của các loại vũ khí vang lên không dứt; đất đá bay tứ tung, mù mịt khắp không gian; tiếng la hét, kêu gào, lăn lê bò toài, bẩn hết người. Mặc dù biết sẽ bị đánh khi về nhà nhưng tôi vẫn rất thích trò chơi này.

Những đứa trẻ trong quân doanh đều có nền nếp và kỷ luật từ nhỏ, chúng tôi được nuôi dưỡng trong môi trường quân đội, được dạy dỗ bởi những khuôn phép và nguyên tắc của cha mẹ. Chúng tôi lớn lên trong giai điệu bài hát “Ba quy tắc kỷ luật và tám điểm chú ý”.

Chúng tôi đã thuộc lòng tất cả các loại khẩu lệnh và người lính là những người thầy của chúng tôi. Các chàng trai trong doanh trại yêu thích huấn luyện quân sự, tập luyện võ thuật và rất thành thạo việc bắn súng, ném bom, vượt chướng ngại vật…

Các bậc tiền bối đi trước chính là tấm gương, hình mẫu của chúng tôi. Hầu hết, những đứa trẻ chúng tôi đều xuất sắc, khi trưởng thành đều cống hiến tuổi trẻ của mình cho công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc bởi trách nhiệm và nghĩa vụ của người lính đã ăn sâu vào máu từ khi còn nhỏ.

Cuộc sống trong quân doanh đã tôi luyện và rèn giũa những phẩm chất quân nhân trong tôi. Tôi nhập ngũ năm 16 tuổi, trong thời đại Cách mạng Văn hóa. Tôi được tuyển chọn vào binh đoàn tín hiệu.

Binh đoàn tín hiệu không cần qua huấn luyện quân sự, những người lính được lựa chọn dựa vào lý lịch cũ trước khi gia nhập quân đội. Tôi từng là đại diện trong cuộc thi súng ngắn bắn nhanh ở khu vực pháo đài, còn có thành tích ném lựu đạn hơn 70 mét mà nhiều năm không ai phá được.

Ba năm ngắn ngủi sống ở Mẫu Đơn Giang đã mang lại cho tôi vô vàn kỷ niệm đáng nhớ: Những đứa trẻ trong trường cao đẳng sư đoàn, học sinh Trường Tiểu học Tân Hoa, thời kỳ luyện gang thép vĩ đại, các cuộc vận động yêu nước, chế tạo máy thu vô tuyến tinh thể, ăn kẹo chùa và những chiếc vé sắc màu trong thời buổi khó khăn...

(...) Sau khi bố chuyển công tác, gia đình tôi đã chuyển từ trụ sở của Sư đoàn 67 ở Mẫu Đơn Giang đến trụ sở của Sư đoàn 73 ở Cáp Nhĩ Tân. Tôi cũng chuyển đến Trường Tiểu học Bayi Cáp Nhĩ Tân, một ngôi trường dành cho con em quân nhân mới được thành lập bởi Quân đoàn 23 và trở thành một trong những học sinh đầu tiên tốt nghiệp Trường Tiểu học Bayi.

Cuộc sống học tập nơi đây đầy màu sắc, độc đáo, đoàn kết sôi nổi nhưng không kém phần căng thẳng, nghiêm túc đã mang lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm vui, ấn tượng. Vì thế, tất cả học sinh sống trong trường đều được quản lý theo phong cách quân sự bắt đầu từ lớp Một… Đó là khoảng thời gian đáng nhớ, là những ngày tháng cháy bỏng với đam mê.

Hạ An (Dịch từ tiếng Trung)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ