Những du học sinh của Sa hoàng Peter Đại đế

GD&TĐ - Peter Đại đế (1672 – 1725) lừng danh là Sa hoàng coi trọng việc học nhất.

Khoảng 1.000 người Nga đã tỏa ra khắp châu Âu du học với mục đích về làm giàu cho đất nước. Ảnh: Rbth.com
Khoảng 1.000 người Nga đã tỏa ra khắp châu Âu du học với mục đích về làm giàu cho đất nước. Ảnh: Rbth.com

Dưới thời của ông, quý tộc Nga có nghĩa vụ phải thành thạo từ kiến thức hàng hải đến thiên văn, nghệ thuật… Và để bồi dưỡng nhân tài, ông hạ lệnh các gia tộc phải cho con em đi du học.

Sắc lệnh du học

Peter Đại đế có tiểu sử học vấn rất ấn tượng. Thuở thiếu niên, tuy phải rời xa kinh đô Moskva vì tranh chấp vương quyền và lớn lên nơi thôn dã nhưng ông vẫn tích cực tiếp thu các kiến thức và vận dụng chúng vào trong cuộc sống. Kết quả là mới 14, 15 tuổi, ông đã thông thạo số học, hình học, quân sự và biết lái tàu cũng như sửa chữa, đóng tàu thuyền.

Năm 1697, sau khi lên ngôi chưa đầy một năm, Peter Đại đế lên đường đi vòng quanh châu Âu để tận mắt chứng kiến và học hỏi các tri thức của họ. Năm 1698, ông trở về nước và lập tức bắt tay vào cuộc đại cải cách Nga. Trong các quân sư của ông, có đến 3 người là người nước ngoài.

Chẳng bao lâu, nền kinh tế nước Nga đã thay đổi, mỗi lúc một giàu mạnh hơn, thậm chí vươn lên vị trí đế quốc hùng cường và có lực lượng hải quân siêu việt, đánh tan 2 cựu thù lâu năm là Đế quốc Ottoman và Thụy Điển, lấy lại vùng biển và các lãnh thổ bị thuộc địa.

Nhung du hoc sinh cua Sa hoang Peter Dai de 1.jpg
Peter Đại đế, người khai mở trào lưu du học ở Nga. Ảnh: Wikipedia.org

Điều đáng nể nhất ở Peter Đại đế là ngay sau khi lên ngôi vào năm 1696, ông đã ban sắc lệnh du học và năm sau, 1697 thì đích thân thực hiện làm gương. Trong suốt những năm niên thiếu và thanh niên, Peter Đại đế một mực tin tưởng kiến thức chính là chìa khóa của thành công và phát triển.

Vì thế, trong vai trò Sa hoàng đồng cai trị với hoàng huynh là Ivan V (1666 – 1696), ông luôn nhắc nhở thần dân phải chăm lo học hành để ngày càng tinh thông đa tri thức.

Thời phong kiến ở Nga, dưới hoàng gia là các gia đình quý tộc. Con em của các gia đình quý tộc được định sẵn sẽ kế thừa tước vị của cha mẹ cũng như nghĩa vụ đối với hoàng gia. Peter Đại đế yêu cầu họ phải được giáo dục từ nhỏ, khuyến khích ra nước ngoài ăn học để tiếp thu kiến thức mới mẻ, đem về vận dụng vào Nga.

Bên cạnh khuyến khích thì Peter Đại đế còn áp đặt giáo dục đối với con em các gia đình quý tộc. Cụ thể, ông cho mở trường học và hạ lệnh cho giới quý tộc phải đưa con trai vào học. Trường học của Peter Đại đế chủ yếu dạy 3 môn là số học, hình học và ngôn ngữ. Bất cứ học sinh nào không tốt nghiệp cũng không có quyền kết hôn.

Năm 1696, khi đã nắm trong tay toàn bộ quyền điều hành đất nước, Peter Đại đế ban sắc lệnh du học. Các gia tộc lớn, nhất là 6 gia tộc Golitsyn, Kurakin, Dolgoruky, Shakhovsky, Volkonsky và Trubetsky phải cử đại diện đến Anh, Ý và Hà Lan để đi học.

Những gương mặt điển hình

Việc Peter Đại đế đích thân du công châu Âu một năm đã tạo làn sóng đi du học ở Nga. Ước tính trong gần 30 năm ông trị vì, Nga có khoảng 1.000 người ra nước ngoài ăn học. Trong số họ, có những người là thân cận của Sa hoàng như Alexander

Menshikov (1673 – 1729), từng là hầu cận của Peter Đại đế khi ông còn nhỏ, làm bạn học tập, ngao du cùng với ông và sau này trở thành phó vương, cánh tay phải đắc lực nhất; Pyotr Andreyevich Tolstoy (1645 – 1729), ông tổ của đại văn hào Leo Tolstoy (1828 – 1910)… Khi du học, Pyotr đã 52 tuổi nhưng vẫn vô cùng hào hứng.

Ông đến Venice, Italia, học về hàng hải và lúc trở về thì trở thành bậc thầy chèo thuyền. Năm 1721, ông đến Constantinople (nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) làm đại sứ thường trú đầu tiên của Nga.

Trong các môn học, Peter Đại đế chú trọng nhất là hàng hải học. Ông không chỉ khuyến khích học sinh du học nên chọn ngành này, mà còn trừng phạt những ai thờ ơ với nó. Mặc dù không phải học sinh du học nào cũng cùng chí hướng với Peter Đại đế nhưng vẫn có người tốt nghiệp với trình độ cao, điển hình nhất là Ivan Neplyuev (1693 – 1773). Nơi Ivan du học là Hà Lan và ông đã tốt nghiệp Học viện Hải quân St. Peteburg, sau này chỉ huy đội chiến thuyền trong trận chiến Thổ Nhĩ Kỳ - Venetian và chiến thắng rực rỡ.

Nhung du hoc sinh cua Sa hoang Peter Dai de 3.jpg
Từ trái sang phải, Ivan Neplyuev, Yakov Yevreinov và Peter Postnikov. Ảnh: Rbth.com

Ngoài Ivan còn một du học sinh thành công với ngành hàng hải khác là Denis Kalmykov. Ông không chỉ nghiên cứu nghệ thuật hàng hải, dịch các quy định và điều lệ hàng hải từ tiếng Anh sang tiếng Nga, mà còn phát minh ra hệ thống tín hiệu bằng cờ cho tàu thuyền.

Sau hàng hải học, Peter Đại đế quan tâm y học và nghệ thuật. Nhờ du học, nước Nga dưới thời ông có bác sĩ được chứng nhận đầu tiên - Pyotr Postnikov (? – 1708). Pyotr tốt nghiệp Khoa Y Trường Đại học Padua, Italia, về nước làm việc trong phòng bào chế thuốc và kiêm thêm “nghề tay trái” là dịch kinh Koran sang tiếng Nga.

Đối với nghệ thuật, du học dưới thời Peter Đại đế sản sinh ra họa sĩ lừng danh Andrei Matveev (1666 – 1728). Ông học họa ở Hà Lan rồi chuyển sang Bỉ, tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Antwerp và trở về Nga làm việc trong nhóm họa sĩ của Văn phòng Tòa nhà St. Petersburg.

Trong giới nghệ thuật Nga, Andrei là họa sĩ đầu tiên vẽ chân dung thế tục và chân dung tự họa. Ông cũng là người đầu tiên kiên quyết đổi trang trí nhà thờ từ bích họa sang vẽ tranh, để lại nhiều bức tranh tường, trần nhà thờ đẹp.

Đặc biệt, Peter Đại đế đặc cử Ykov Yevreinov (1700 – 1772) đến Hà Lan nghiên cứu thương mại. Sau khi trở về, Ykov trở thành lãnh sự và đại diện ngoại giao Nga, người cố vấn của Ban Sản xuất và Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Tất nhiên là trong số những người chăm chỉ và giàu ý chí vẫn có những kẻ lười nhác. Cuốn sách “Acts of Peter the Great, the Wise Transformer of Russia” có nhắc đến một người tên Maxim Spaferiev đã trốn tránh việc phải đi học cũng như du học bằng cách đùn đẩy hết cho người hầu là Kalmyk làm thay. Không may cho anh ta, sau này, đích thân Sa hoàng ra đề kiểm tra và phát hiện hành vi gian dối. Ông tức giận phạt Maxim đi làm thủy thủ và ưu ái cho Kalmyk sang Anh du học.

Theo rbth

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ