Những điệu múa dân gian chỉ có ở Thái Bình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Là miền đất cổ, Quỳnh Phụ còn duy trì được nhiều loại hình dân vũ cổ truyền nhất ở Thái Bình.

Một trong những làn điệu đẹp nhất của múa bát dật là múa tiên.
Một trong những làn điệu đẹp nhất của múa bát dật là múa tiên.

Những làn điệu múa dân gian tại các lễ hội ở Thái Bình không chỉ tái hiện đời sống, tinh thần của người dân, mà còn mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của miền quê lúa.

Bức tranh làng quê từ những điệu múa cổ

Là miền đất cổ, Quỳnh Phụ còn duy trì được nhiều loại hình dân vũ cổ truyền nhất ở Thái Bình, có những điệu múa thu hút hàng chục, hàng trăm người tham gia biểu diễn.

Múa kéo chữ là một loại hình múa dân gian thuật hóa cách bày binh bố trận đánh giặc với các lớp múa mang tên “trận đồ bát quái”, “vây đồn”, “bổ đồn” và kéo chữ “Thái - Bình - Vạn - Tuế”, “Thiên - Hạ - Thái - Bình”… được duy trì ở hội làng Phụng Công (Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ).

Tương truyền tục múa này có từ thời nhà Trần. Khi đóng binh ở đây để chống giặc Nguyên Mông, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương và các tướng súy nhà Trần đã dùng trò chơi này để luyện binh.

Hằng năm, dân làng Phụng Công mở hội vào hai kỳ trung tuần tháng Ba và trung tuần tháng Tám. Hoạt động múa kéo chữ có sự tham gia của hàng trăm trai đinh tuyển chọn từ các giáp trong làng. Đạo cụ là gươm đao giáo mác, cờ suý, cờ sai, trống, mõ, tù và, chiêng, lệnh.

Đội hình múa kéo chữ được xếp thành hai bên tả hữu, mỗi bên 8 thập. Mỗi bên có tám tổng cờ với các chức danh tiền nhất, tiền nhị, tiền tam, tiền tứ, hậu nhất, hậu nhị, hậu tam, hậu tứ và tối thiểu 36 quân. Phục vụ cho việc chỉ huy, hiệu lệnh gồm 4 cờ sai, 1 tù và, 1 loa, 5 trống, 1 thanh la.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh (Thái Bình) cho biết, qua 5 lớp múa khung môn, bát trình, bát môn, hoa hồi, vào ốc (bố dồn) đội hình lại di chuyển thành hình vuông (khung môn) để chuẩn bị kéo chữ.

Theo lệnh của tổng loa, từ khung môn các tổng cờ dẫn quân vào các nét chữ theo thứ tự của từng chữ: “Thiên - Hạ - Thái - Bình”. Với chữ “Thiên” thì bốn cờ sai đứng ở hai đầu nét ngang trên. Với chữ “Hạ” thì cờ sai đứng tạo thành nét chấm hết ở dưới.

Với chữ “Thái” và chữ “Bình” các cờ sai đứng ở nét chấm vừa để tạo cho nét chữ thêm sắc, thêm rõ vừa để chỉ huy, điều tiết các tổng cờ cho liền các đầu mối hình thành nét chữ.

“Cao trào của điệu múa kéo chữ là khi các âm thanh sôi động của trống chiêng, tù và, pháo hoa và đèn trời xen lẫn tiếng hô Thiên - Hạ - Thái - Bình, thể hiện ước vọng hòa bình, giàu nét đẹp nhân văn cổ truyền trong tâm thức người Việt”, ông Thanh nói.

Ngoài múa kéo chữ, tại lễ hội truyền thống đền Lộng Khê, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ hiện còn lưu giữ điệu múa cổ bát dật có nguồn gốc cung đình gồm 3 trổ, 9 làn điệu, ca ngợi cảnh thái bình, ấm no, hạnh phúc.

Điệu múa có mặt ở An Khê từ hàng trăm năm trước, khi Ðại tướng quân Lê Ðô, một người con của trang Ðông Lực (nay là làng Hiệp Lực, xã An Khê), là người có công giúp Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược, được tận mắt chứng kiến điệu múa đã ghi nhớ và truyền dạy lại cho người dân quê hương mình.

Điệu múa bát dật mang phong cách múa cung đình với sự góp mặt của 64 nghệ nhân múa linh hoạt, uyển chuyển. Ban đầu vào là kéo chữ Giáp (là giáp trận), tiếp đến là bổ đồn (trước là 4 đồn, sau là 8 đồn) và thắng trận thì múa kéo hoa, múa dân gian, cuối cùng là múa tiên.

Dọc theo chiều dài lịch sử 400 năm, tại lễ hội chùa Keo (Duy Nhất, Vũ Thư), những điệu múa cổ như múa ếch vồ, múa chèo chải cạn được dàn dựng công phu như bức tranh đa dạng, độc đáo mô phỏng sự tích của thiền sư Dương Không Lộ.

Giới thiệu về hai điệu múa ếch vồ và chèo chải cạn theo bà Nguyễn Thị Hương (60 tuổi, xã Duy Nhất), điểm chung ở cả hai điệu múa là đều do 14 chân kiệu chính thực hiện xếp thành hàng đôi.

Các trai tráng phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, khuôn mặt lúc vui tươi, tự hào, lúc trang nghiêm thể hiện tấm lòng thành kính, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.

Bên cạnh đó, mỗi điệu đều có nét đặc trưng riêng biệt, ở điệu múa ếch vồ, các chân kiệu múa tay không, kết hợp giữa các tư thế đứng - ngồi tạo cảm giác giống như một buổi biểu diễn võ thuật độc đáo tái hiện lại cảnh thời trai trẻ của Đức Thánh Dương Không Lộ cùng với cha mẹ làm nghề chài lưới, đi các kênh rạch mò cá, bắt ếch mưu sinh.

Điệu múa chèo chải cạn tái hiện cảnh nhà vua cho đoàn người hộ giá chèo thuyền đến rước Đức Thánh để tưởng nhớ công đức chữa bệnh của nhà vua tới thiền sư.

Mỗi chân kiệu lại cầm trong tay một mái chèo mô phỏng hình ảnh thực tiễn của một con thuyền đang lướt đi trên sông, với hình ảnh chắc khỏe và ý chí cộng đồng gắn kết nhịp nhàng, ngầm thể hiện tinh thần mạnh mẽ và ý chí chinh phục tự nhiên của con người.

Tham gia điệu múa cổ giáo cờ, giáo quạt làng Giắng là các cô gái ở độ tuổi 15 - 18.

Tham gia điệu múa cổ giáo cờ, giáo quạt làng Giắng là các cô gái ở độ tuổi 15 - 18.

Cùng với nghệ thuật hát chèo, huyện Đông Hưng hiện còn bảo lưu nghệ thuật múa cổ giáo cờ, giáo quạt trong lễ hội làng Thượng Liệt (làng Giắng), xã Đông Tân thể hiện niềm tự hào của người dân làng Giắng.

Theo các thần tích, thần sắc, điệu múa này do công chúa Trần Thị Quý Minh, con gái vua Trần Duệ Tông sáng tạo, diễn tả tâm trạng của công chúa trước khi đi xa làm lễ tạm biệt vua cha, trong đó thể hiện ước vọng một cuộc sống ấm no cho dân chúng.

Đội múa gồm 40 - 50 người múa tất cả 36 cấp, ở một vài lớp múa có thêm ông đọc róng và ông quản trò. Khi múa, mỗi cô lèn (những cô gái trẻ chưa đến tuổi lấy chồng) sẽ cầm một lá cờ ngũ sắc nhỏ và một chiếc quạt giấy làm đạo cụ múa.

Múa giáo cờ giáo quạt là điệu múa thiêng, là nét văn hóa đặc trưng và là niềm tự hào của người dân làng Giắng. Ðiểm đặc biệt của múa giáo cờ giáo quạt là khi múa, các cô lèn sẽ di chuyển nhịp nhàng theo từng cấp múa khác nhau, kết hợp với các động tác chân và tay linh hoạt.

Các cấp múa phức tạp hơn như múa sắc ngũ phương, múa chèo đò, múa rồng… thể hiện rõ nghi thức múa cung đình thời Trần xen kẽ với những động tác dân gian tập trung diễn tả cảnh sinh hoạt thôn dã, đồng quê như chim bay, cò bay, chao tép, vạt tôm, chèo thuyền. Tạo cho điệu múa sự gần gũi, giản dị nhưng vẫn có sức lôi cuốn mạnh mẽ.

Trong các điệu múa dân gian còn phải kể đến múa ông Đùng bà Đà ở làng Quang Lang, xã Thụy Hải (Thái Thụy), múa bệt ở làng Vọng Lỗ, xã An Vũ (Quỳnh Phụ)… Ở mỗi điệu múa sẽ có truyền thuyết, câu chuyện hay tượng trưng ý nghĩa đặc biệt.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình Trịnh Thị Hoàng Yến nhận định, quá trình xây dựng và phát triển của mảnh đất và con người Thái Bình đã tạo lập, hình thành nên những giá trị truyền thống, trở thành nét tiêu biểu trong văn hóa, con người nơi đây.

“Được bắt nguồn từ đời sống, từ quá trình lao động, từ mỗi câu chuyện được gắn với thần tích, huyền thoại của vị thần được thờ ở mỗi làng, xã, nghệ thuật múa dân gian ở Thái Bình đã biến những câu chuyện trở nên tinh tế và trang nhã do những nghệ nhân biểu diễn”, bà Yến nói.

Nghệ thuật múa lân sư rồng ngày càng có nhiều người trẻ tham gia.

Nghệ thuật múa lân sư rồng ngày càng có nhiều người trẻ tham gia.

Kế thừa và phát huy giá trị truyền thống

Bà Nguyễn Hồng Vân, nguyên Giám đốc Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Thái Bình, từng làm công tác văn hóa cơ sở nhiều năm, nhận thấy ở các địa phương, công tác bảo tồn các điệu múa cổ ngày càng được chú trọng. Có làng còn xây dựng quy ước, lập đề án bảo tồn.

“Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự quan tâm của cả cộng đồng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của quê hương”, bà Vân nói.

Để kế thừa và phát huy những nét văn hóa đặc sắc, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đưa nghệ thuật múa dân gian vào trong các tiết học ngoại khóa ở một số trường phổ thông và thành lập các câu lạc bộ do các nghệ nhân của làng truyền dạy.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Đào, Trường THCS Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, việc tập luyện múa kéo chữ đã trở thành hoạt động trải nghiệm giáo dục của học sinh trong nhà trường.

120 học sinh khối lớp 7 trực tiếp tham gia hoạt động ngoại khóa chủ đề dạy học gắn liền với di sản của địa phương tại đền La Vân đã được các bậc cao niên của làng, ban quản lý di tích trực tiếp hướng dẫn.

Nhiều em học sinh có ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình đã tham gia múa kéo chữ tại lễ hội truyền thống nên rất háo hức tập luyện, biểu diễn. Mong muốn của các thầy cô nhà trường cũng như nhân dân địa phương là con em quê hương mình hiểu biết, tự hào, kế thừa phát huy những giá trị truyền thống mà cha ông để lại.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Gái (95 tuổi, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng) kể, từ trước tới nay, người dân làng Giắng có câu, hễ là con gái làng phải biết múa giáo cờ giáo quạt. Người dân coi điệu múa là niềm tự hào của quê hương mình. Họ thể hiện tình yêu quê hương thông qua việc gìn giữ và bảo tồn điệu múa cổ từ đời này qua đời khác.

Ðến nay, lớp người trẻ làng Thượng Liệt cứ đến tuổi là được dạy múa, dạy hát, được gieo những tình cảm đẹp đẽ với quê hương. Múa giáo cờ giáo quạt vì thế mà cứ sống mãi một cách bền bỉ.

Nghệ nhân Lại Thị Thiếu xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, có hơn 50 năm gìn giữ, truyền dạy điệu múa giáo cờ, giáo quạt tự hào khi câu lạc bộ múa giáo cờ, giáo quạt đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, trở thành lực lượng nòng cốt trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở địa phương.

Các thế hệ người dân làng Keo chung tay gìn giữ điệu múa sênh tiền - mõ lộn của làng.

Các thế hệ người dân làng Keo chung tay gìn giữ điệu múa sênh tiền - mõ lộn của làng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Đức, người đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Thái Bình khẳng định, múa dân gian không chỉ gắn bó mật thiết với đời sống, tinh thần của người dân, mà còn mang ý nghĩa tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng làng, giữ nước, phản ánh quá trình khai ấp lập làng và thể hiện ước vọng của người dân về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Qua các lễ hội, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, trò chơi dân gian được khôi phục, duy trì và phát huy như: Múa kỳ lân, sư tử, múa rồng, múa rối nước…

Từ các hội làng, các điệu múa dân gian cổ truyền đặc sắc đã được khôi phục lại khá nguyên vẹn như: Múa ông Đùng bà Đà, múa bát dật, múa kéo chữ, múa giáo cờ giáo quạt, múa chèo chải cạn, hát văn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ