Từ số tiền tài trợ này, những nhóm sinh viên đầu tiên của Chương trình Fulbright như Nguyễn Thiện Nhân, Cao Đức Phát... đã sang Mỹ học. Năm 1992, chương trình học bổng Fulbright bắt đầu đi vào hoạt động và duy trì đến ngày nay.
Sự hấp dẫn của học bổng
Mỗi năm, chương trình Fulbright cấp khoảng 20 suất học bổng toàn phần cho công dân Việt Nam đi học thạc sĩ tại các trường ĐH Hoa Kỳ. Người nhận học bổng sẽ được tài trợ toàn bộ học phí, trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, bảo hiểm y tế trong suốt quá trình học và vé máy bay khứ hồi cho một lượt đi - về giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.
Chương trình Fulbright tại Việt Nam trực thuộc Phòng Thông tin Văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, đơn vị này phối hợp đề cử tối đa 3 ứng cử viên chính thức và 2 ứng cử viên dự bị từ Việt Nam.
Chương trình này khuyến khích hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế bao gồm: Nghiên cứu về Hoa Kỳ, Văn học Mỹ, Giáo dục và quản lý giáo dục, Truyền thông, Luật, Quy hoạch đô thị, Báo chí, Quan hệ quốc tế, Công tác xã hội, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Sức khỏe cộng đồng, Thư viện, Quản lý Hành chính công, Chính sách công, Giảng dạy tiếng Anh, Giới và Phát triển, Nghiên cứu phát triển…
Ngoài ra, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam còn tìm kiếm ứng viên Việt Nam xuất sắc cho chương trình Fulbright trợ giảng tiếng Việt (FLTA). FLTA là chương trình tài trợ toàn phần, không cấp bằng, kéo dài 9 tháng và dành cho giáo viên tiếng Anh trẻ, những người hoạt động chuyên môn có liên quan (nghiên cứu về Hoa Kỳ, Văn học Mỹ, Văn hóa Mỹ…).
Chương trình tạo cơ hội cho người tham gia nâng cao kỹ năng giảng dạy, trau dồi trình độ Anh ngữ, mở rộng kiến thức về văn hóa xã hội Hoa Kỳ, song song với việc trợ giảng và củng cố cách thức dạy ngôn ngữ tiếng Việt cho sinh viên Hoa Kỳ.
Người tham gia FLTA sẽ trợ giảng tiếng Việt 20 tiếng/tuần và đăng ký ít nhất hai môn học mỗi học kỳ. Trong đó, một môn học phải nằm trong chương trình của Hoa Kỳ, môn còn lại liên quan đến việc giảng dạy tiếng Anh. Hình thức học tập là dự thính hoặc theo tín chỉ. Sau khi hoàn thành, ứng cử viên phải quay về nước làm việc ít nhất 2 năm.
Theo thông tin từ ĐH Fulbright Việt Nam, học bổng Fulbright cho phép người học trải nghiệm văn hóa và giáo dục Hoa Kỳ với tiêu chí “bốn không”: không giới hạn độ tuổi, không phụ thuộc vào GPA (điểm tốt nghiệp trung bình), không có chỉ tiêu ngành học, không hạn chế sự cạnh tranh.
Làm sao để ứng tuyển học bổng?
Trước hết, ứng cử viên phải tốt nghiệp ĐH tại Việt Nam, không giới hạn hình thức đào tạo. Họ phải có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc kể từ khi tốt nghiệp ĐH đến thời điểm nộp hồ sơ và có điểm TOEFL iBT tối thiểu là 79 điểm hoặc IELTS 6,5 còn giá trị sử dụng.
Sau đó, ứng cử viên nộp hồ sơ tại trang http://apply.iie.org/ffsp2020. Một bộ hồ sơ trực tuyến đầy đủ bao gồm hai bài luận, ba thư giới thiệu, bằng tốt nghiệp và bảng điểm ĐH, các chứng chỉ Anh ngữ theo yêu cầu, sơ yếu lý lịch (CV).
Thời gian tuyển sinh hằng năm bắt đầu từ tháng 1. Cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, quá trình phỏng vấn học bổng được khởi động. Sau khi đạt kết quả, tùy theo yêu cầu của ứng cử viên mà chương trình học bổng Fulbright sẽ nộp hồ sơ của họ vào các trường ĐH phù hợp ở Mỹ.
Quá trình phỏng vấn diễn ra từ 30 - 45 phút bằng tiếng Anh, với hội đồng gồm 2-3 chuyên gia đến từ Việt Nam và Hoa Kỳ. Thí sinh có quyền đề xuất trong hồ sơ từ 4 - 6 trường ĐH mục tiêu. Tuy nhiên, đại diện ĐH Fulbright Việt Nam cũng lưu ý rằng thí sinh phải tự cập nhật chuẩn tiếng Anh và một số kỹ năng khác nếu nộp hồ sơ vào các trường tinh hoa tốp đầu (đơn cử như ĐH Harvard).
Bên cạnh đó, học bổng Fulbright chỉ giới thiệu hồ sơ của thí sinh đến các trường ĐH Hoa Kỳ có lịch sử đào tạo chuyên ngành mà thí sinh mong muốn, đồng thời có mức học phí hằng năm nằm trong định mức chi trả của quỹ học bổng.
Phần phỏng vấn khá quan trọng để biết được thí sinh có đảm bảo các tiêu chí: (1) Xác định mục tiêu và kế hoạch tương lai, (2) Kinh nghiệm và kết quả làm việc, (3) Tố chất lãnh đạo, (4) Khả năng đóng góp cho Việt Nam, (5) Vai trò của một đại sứ văn hóa, (5) Sự chín chắn có được từ trải nghiệm công việc và cuộc sống, (6) Những đặc điểm nổi bật liên quan đến tính cách, (7) Khả năng sử dụng Anh ngữ.
Được biết, trước đây học bổng Fulbright yêu cầu đến 5 năm kinh nghiệm làm việc, tuy nhiên, “do nhận thấy xu hướng ngày càng năng động của giới trẻ”, họ đã giảm điều kiện xuống còn 2 năm. Việc yêu cầu kinh nghiệm làm việc trong hồ sơ để đảm bảo mục tiêu là thí sinh định hình được mong muốn của bản thân. Kinh nghiệm làm việc 2 năm có thể không liên tục.
Lưu ý hai bài luận và ba thư giới thiệu
Trong hai bài luận đính kèm bộ hồ sơ, một bài luận yêu cầu thí sinh trình bày về mục tiêu học tập, dự định tương lai và bài còn lại giới thiệu về bản thân trong khoảng 1.000 từ, kèm theo tuyên ngôn cá nhân, dẫn chứng về năng lực được chứng minh trong công việc, khả năng tạo cảm hứng. Thí sinh có quyền tự do lựa chọn người viết ba thư giới thiệu. Không nhất thiết người viết thư phải là thầy cô, các chuyên gia khuyến khích thí sinh nên tìm người hiểu về bản thân họ.
Ba người viết thư giới thiệu cần nhận xét về ba khía cạnh khác nhau của thí sinh. Thư giới thiệu do chính người viết nộp đúng hạn, chỉ cần một thư nộp muộn thì hồ sơ xem như bị loại.
Những fulbrighters (người đạt được học bổng Fulbright) chia sẻ kinh nghiệm rằng, trước khi viết các bài luận, bạn thử liệt kê lại các sự kiện đã diễn ra trong cuộc sống và kể lại câu chuyện làm thay đổi cuộc sống của mình. Sau đó, bạn đưa thư giới thiệu này cho nhiều người đọc càng tốt. Mỗi người đọc thư nên đến từ một lĩnh vực khác nhau và hiểu rõ về con người của bạn.
Bài luận nên ngắn gọn, súc tích, để lại dấu ấn cá nhân, khơi dậy cảm hứng, tránh viết theo lối liệt kê thông thường vì dễ gây nhàm chán. Riêng ba thư giới thiệu, những người từng làm hồ sơ học bổng Fulbright khuyến khích thí sinh lựa chọn những người vừa hiểu bản thân mình lại vừa có uy tín học thuật trong hoặc ngoài ngành, hay những người có ảnh hưởng xã hội nhất định, vì điều này giúp cho hồ sơ của bạn gia tăng tính thuyết phục.