Liên quan đến ngày lễ này, chuyên gia phong thủy Nguyễn Ngọc Đô đã đưa ra một số lưu ý giúp các gia đình thực hiện nghi lễ truyền thống một cách trọn vẹn.
Không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Ngọc Đô cho rằng các gia đình không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày rằm tháng Chạp; nên cúng sớm nhất là từ ngày 20 tháng Chạp (tức 20 tháng 12 âm lịch – ngày 1 tháng 2 dương lịch) đến 23 tháng Chạp.
Năm nay vì lập Xuân sớm, nên ngày đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo là ngày 22 tháng Chạp.
Cấm cúng ông Công, ông Táo sau giờ Ngọ 11-13h chiều ngày 23
Trong tín ngưỡng dân gian, 12h trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này. Lễ cúng nên tiến hành trước khi hết giờ Ngọ (từ 11 giờ – 13 giờ) vì đây thời điểm các thần quy tụ để chuẩn bị chầu trời.
Khi cúng ông Công ông Táo, chỉ cần thấy hương cháy đến 2/3 là các gia đình có thể mang vàng mã ra hóa và mang cá đi phóng sinh, tiễn ông Táo về trời.
Không bao sái, rút chân nhang khi chưa cúng ông Công ông Táo
Không bao sái, rút chân nhang, dọn dẹp không gian thờ cúng và bàn thờ trước khi cúng ông Công ông Táo. Các gia đình phải cúng ông Công ông Táo xong mới được thực hiện việc bao sái và rút tỉa chân nhang.
Cấm đặt đồ lễ cúng Táo quân tùy tiện đặc biệt không đặt trên ban thờ Phật
Mâm lễ cúng Táo quân có thể đặt trên một cái bàn nhỏ, dưới ban thờ gia tiên hoặc ban thờ Táo quân trong bếp nhưng tuyệt nhiên không được để ở ban thờ Phật. Ngoài ra, có thể đặt mâm lễ Táo quân ở ngoài trời.
Lý giải điều này, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho hay: “Thờ cúng Táo Quân là tín ngưỡng thờ thánh, khác với tín ngưỡng thờ Phật. Do vậy các gia đình đặc biệt lưu ý đến chi tiết này để tránh nhầm lẫn”.
Ngoài ra, xét theo ý nghĩa tâm linh thì việc cúng lễ phải được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm trong nhà.
Không nên khấn xin tài lộc sung túc cả năm
Lễ cúng 23 tháng Chạp thực chất chỉ mang ý nghĩa là cúng ông Công ông Táo về trời đề báo cáo việc lớn nhỏ trong năm của gia đình với thiên đình.
Do đó, việc cầu xin tài lộc, sung túc là không nên. Các gia chủ chỉ nên khấn xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.
Ngoài ra cần lưu ý người thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo phải giữ thân thanh sạch. Khi hành lễ ăn mặc chỉn chu, gọn gàng kín đáo không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn… Trong lúc khấn cúng phải giữ tâm thái hoan hỉ vui vẻ để tạo ra năng lượng tích cực trong thờ cúng và tâm linh.
Cấm phóng sinh cá chép bằng cách ném xuống sông hồ
Trong ngày 23, cá chép tượng trưng cho thần linh. Do đó sau khi cúng lễ và thả cá chép, các gia đình không nên thả cá chép từ trên cao hay ném cá xuống nước vì như thế cá sẽ chết.
Khi thả cá, các bạn cũng không nên thả cá bừa bãi ra những nguồn nước ô nhiễm làm cá bị chết. Nếu phóng sinh cá chép phải chọn môi trường sạch để cá dễ dàng sống được.