Những điểm nhấn của kinh tế Việt Nam năm 2016

GD&TĐ - Chỉ còn một ngày nữa là bước sang năm mới 2017, nhìn lại toàn cảnh bức tranh đa sắc màu của kinh tế Việt Nam năm 2016 có thể nhận thấy, dù có nhiều gam màu trầm, nhưng về chủ đạo, kinh tế Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu cải thiện cả ở góc độ sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2016 Việt Nam đạt kỷ lục khi đón 10 triệu lượt du khách quốc tế
Năm 2016 Việt Nam đạt kỷ lục khi đón 10 triệu lượt du khách quốc tế

Dưới đây xin điểm lại những điểm nhấn đáng chú ý của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua...

Nhiều khó khăn, nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng khá

Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2016, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá.

Tăng trưởng chung GDP cả năm tăng 6,21% so với năm trước, bất chấp những khó khăn về thiên tai, các tỉnh miền Trung ảnh hưởng sự cố môi trường biển và tác động bất lợi từ kinh tế thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Đột phá số lượng doanh nghiệp thành lập mới

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2016, Việt Nam xếp thứ 82/190 quốc gia về mức độ dễ dàng kinh doanh, tăng 9 bậc so với năm ngoái.

Các tiêu chí mà WB đánh giá gồm: Thành lập doanh nghiệp, xin cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, vay vốn, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, nộp thuế, giao thương quốc tế, thực thi hợp đồng, xử lý khi mất khả năng thanh toán.

Năm 2016, Việt Nam đã cải thiện được một số tiêu chí như tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, nộp thuế và giao thương quốc tế. Trong đó, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ có sự cải thiện thứ hạng lớn nhất.

Trong những năm vừa qua, xếp hạng của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Nếu năm 2012, Việt Nam chỉ đứng 99/183 thì đến năm 2014 đã xếp 93/189 nước. Đến năm 2015, thứ hạng này tiếp tục được cải thiện lên thứ 91 và tiếp tục tăng 9 bậc lên 82 vào năm 2016. Nhờ vào đó, cả năm 2016 đã có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới - tăng 16,2% so với năm 2015.

Bứt phá mạnh mẽ của ngành sản xuất

Trong năm 2016, nhìn vào chỉ số quản trị mua hàng PMI – một chỉ số tổng hợp về tình trạng sản xuất có thể thấy Việt Nam đang có sự tăng vọt mạnh mẽ ở ngành sản xuất.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, chỉ số PMI Việt Nam luôn ở trên mức 50 điểm, vốn là định mức an toàn đối với ngành sản xuất - cao nhất trong vài năm qua. Trái ngược với tình hình khả quan ở Việt Nam, chỉ số này các nước như Thái Lan, Malaysia liên tục giảm trong nhiều tháng, dưới cả định mức an toàn.

Nông nghiệp gặp khó nhất trong vòng 6 năm qua

Theo ghi nhận, nông nghiệp đã thoát khỏi tăng trưởng âm, đạt 0,05% trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, về tổng thể, khu vực nông nghiệp vẫn đang ở trạng thái thấp nhất trong 6 năm vừa qua, chỉ đạt 6,19%. Cả năm, GDP từ nông nghiệp chỉ tăng trưởng 1,2%.

Nguyên nhân khiến cho ngành nông nghiệp gặp khó là thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, hạn hán diễn ra liên tục. Riêng đối với thủy sản, ngoài những khó khăn như rét đậm, rét hại ở những tháng đầu năm thì tình trạng ô nhiễm nguồn nước hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long thì sự cố Formosa cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự tăng trưởng của ngành trong năm qua.

Kỷ lục đón 10 triệu lượt khách quốc tế

Lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2016, tăng 25% so với năm 2015, đạt kỷ lục cả về lượng khách và mức tăng tuyệt đối trong một năm.

Đồng thời, ngành du lịch đã phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu toàn ngành đạt 400.000 tỷ đồng. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của du lịch Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu khu vực và là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Dệt may tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm

Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2016 đã không đạt mục tiêu. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 5,2%, thấp nhất trong 10 năm gần đây. Nguyên nhân được đưa ra là do tổng cầu thế giới yếu, giá sản phẩm giảm...

Khó khăn không chỉ đến với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà ngay cả các công ty lớn cũng gặp nhiều bất lợi. Các nhà nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu đều có xu hướng giảm lượng nhập khẩu ở Việt Nam và tìm đến thị trường có lao động, thuế quan rẻ hơn như: Bangladesh, Myanmar hay nước mới nổi trong ngành này là Campuchia.

Một khó khăn khác của ngành dệt may là chính sách giữ tỷ giá của đồng Việt Nam ổn định hơn so với một số ngoại tệ đã khiến hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ.

Năm 2017, theo các chuyên gia dự báo, ngành dệt may Việt Nam vẫn sẽ đối diện với những khó khăn khi lực cầu chưa được cải thiện. Tuy nhiên, mục tiêu của kim ngạch xuất khẩu của ngành đặt ra là 30,5 tỷ USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ