Những dấu mốc quan trọng qua 28 năm xây dựng và phát triển ngành BHXH Việt Nam

GD&TĐ - Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội mà trụ cột là chính sách BHXH, BHYT.

Tại Hội nghị ASSA lần thứ 38, BHXH Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả” tại hạng mục CNTT cho ứng dụng trên điện thoại thông minh “VssID-BHXH số”.
Tại Hội nghị ASSA lần thứ 38, BHXH Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả” tại hạng mục CNTT cho ứng dụng trên điện thoại thông minh “VssID-BHXH số”.

Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Ngày 16/02/1995 (cách đây 28 năm) BHXH Việt Nam đã được thành lập, tạo nên “bước ngoặt” quan trọng trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở nước ta.

Chúng ta cùng điểm lại những “mốc son” trên chặng đường 28 năm xây dựng và phát triển của ngành BHXH Việt Nam nói riêng và của chính sách BHXH, BHYT nói chung.

1. Năm 1995: BHXH Việt Nam ra đời tạo nên “bước ngoặt” lớn trong việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH ở nước ta

Từ năm 1994, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua đã có quy định về việc hình thành quỹ BHXH tập trung, độc lập với ngân sách, tự hạch toán bằng sự đóng góp của chủ sử dụng lao động (SDLĐ) và người lao động (NLĐ), được Nhà nước bảo hộ. Theo đó, ngày 26/01/1995, Chính phủ đã có Nghị định số 12/CP ban hành Điều lệ BHXH quy định thực hiện BHXH bắt buộc đối với cán bộ, viên chức nhà nước và NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp (DN) đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự phát triển chính sách BHXH.

Ngày 16/02/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh & Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Sự ra đời của BHXH Việt Nam là dấu mốc cải cách quan trọng của Chính phủ nhằm thu gọn đầu mối tổ chức, thực hiện chính sách BHXH cho NLĐ trong mọi thành phần kinh tế.

2. Năm 2002: Hợp nhất tổ chức BHXH, BHYT tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chính sách hiệu quả, chuyên nghiệp và phù hợp với thông lệ thế giới

Chính sách BHXH, BHYT đã từng bước được hoàn thiện theo hướng mở rộng quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách.

Chính sách BHXH, BHYT đã từng bước được hoàn thiện theo hướng mở rộng quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách.

Ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Ngày 06/12/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Theo đó, BHXH Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT và quản lý quỹ BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật. Hệ thống tổ chức của BHXH Việt Nam gồm 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Đây là những văn bản quan trọng cho việc thống nhất tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở nước ta và cũng là tiền đề cho sự phát triển của ngành BHXH Việt Nam.

3. Năm 2006: Luật BHXH ra đời - Bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa các quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước về BHXH

Ngày 29/06/2006, Quốc hội thông qua Luật BHXH, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 với loại hình BHXH bắt buộc; từ ngày 01/01/2008 với loại hình BHXH tự nguyện và từ ngày 01/01/2009 với loại hình bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đây là sự kiện pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách BHXH, mở rộng người tham gia, thụ hưởng BHXH đến khu vực lao động phi chính thức, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia.

4. Năm 2008: Luật BHYT ra đời - Dấu mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT

Ngày 14/11/2008, Quốc hội thông qua Luật BHYT, có hiệu lực từ ngày 01/7/2009. Luật BHYT ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, hướng tới thực hiện BHYT toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân. Nội dung quy định của Luật BHYT đã cơ bản khắc phục vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế thông qua BHYT với mục tiêu xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

5. Năm 2012: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết lãnh đạo chuyên sâu về BHXH, BHYT

Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết khẳng định: “BHXH và BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống ASXH, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội và phát triển kinh tế- xã hội”.

Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở nước ta; thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo một cách sâu sắc toàn diện của Bộ Chính trị trong việc thống nhất chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT, thay bằng hai văn bản riêng như trước đây (Chỉ thị 15-CT/TW ngày 26/5/1997 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thực hiện chính sách BHXH và Chỉ thị 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới). Đồng thời, khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp ASXH bao gồm chính sách BHXH, BHYT.

6. Năm 2013: Chính sách BHTN được quy định tại Luật Việc làm

Ngày 16/11/2013, Quốc hội ban hành Luật Việc làm, trong đó đã chuyển các quy định về chính sách BHTN từ Luật BHXH để sửa đổi, bổ sung và chính thức thực hiện theo quy định của Luật Việc làm từ ngày 01/01/2015. Chính sách BHTN được thực hiện để: chi trả trợ cấp thất nghiệp, đóng BHYT cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề….

Như vậy, BHTN không chỉ quan trọng đối với NLĐ và DN, mà còn góp phần ổn định kinh tế - xã hội, là một trong những công cụ để thực hiện chính sách ASXH của mỗi quốc gia và quản trị thị trường lao động.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra việc hỗ trợ người lao động tại Công ty TNHH ToTo Việt Nam

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra việc hỗ trợ người lao động tại Công ty TNHH ToTo Việt Nam

7. Năm 2014: Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Luật BHXH, Luật BHYT

Ngày 13/6/2014, Quốc hội thông qua Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Đây là bước đột phá quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách BHYT ở nước ta với quy định thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, nâng cao quyền lợi của người tham gia BHYT, góp phần đảm bảo tính bền vững của Quỹ BHYT.

Ngày 20/11/2014, Quốc hội thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 thay thế Luật BHXH số 71/2006/QH11, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Theo đó, Luật BHXH tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH; bổ sung quy định về chế độ thai sản cho lao động nam; điều chỉnh mức hưởng chế độ hưu trí phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế…

8. Năm 2016: Chính phủ ban hành các Nghị định tiếp tục khẳng định vai trò, nhiệm vụ của BHXH Việt Nam và đẩy mạnh giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT

Ngày 05/01/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Theo đó, BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức, thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BHTN; quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHTN, BHYT; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHTN, BHYT.

Đến ngày 24/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 166/2016/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở hầu hết các hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH Việt Nam đã góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giao dịch với cơ quan BHXH cho người dân và đơn vị.

9. Năm 2018: Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách BHXH

Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Nghị quyết có những nội dung cải cách chính sách BHXH tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về ASXH trong các Công ước và Khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế. Đây là một văn kiện hết sức quan trọng trong việc định hướng hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách BHXH, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu BHXH toàn dân.

Tại Hội nghị ASSA lần thứ 38, BHXH Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả” tại hạng mục CNTT cho ứng dụng trên điện thoại thông minh “VssID-BHXH số”.

Tại Hội nghị ASSA lần thứ 38, BHXH Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả” tại hạng mục CNTT cho ứng dụng trên điện thoại thông minh “VssID-BHXH số”.

10. Năm 2020: Phát triển ngành BHXH Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại

Ngày 4/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Thực hiện Nghị định này, BHXH Việt Nam đã tích cực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả và kiện toàn, chuyển đổi 01 đơn vị sự nghiệp thành Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng - để giải đáp, hỗ trợ, tư vấn chế độ chính sách cho người tham gia, hướng tới sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Năm 2020 cũng là năm đặt “mốc son” cho quá trình 25 năm xây dựng và trưởng thành của BHXH Việt Nam với nhiều thành tích quan trọng, toàn diện, nhất là độ bao phủ BHXH, BHYT tăng trưởng ấn tượng; nhiều đột phá trong công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, đặc biệt là sự ra đời của ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động. Đây là một bước tiến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, tạo điều kiện cho người tham gia BHXH, BHYT tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất, từng bước thực hiện việc thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT giấy.

11. Năm 2021: BHXH Việt Nam được giao là cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; Chính phủ ban hành gói hỗ trợ từ quỹ BHTN bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay

Ngày 31/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Bảo hiểm. Theo đó, Chính phủ giao BHXH Việt Nam là cơ quan chủ quản CSDL quốc gia về Bảo hiểm - 1 trong 6 CSDL quốc gia quan trọng, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy các hoạt động nghiệp vụ trên môi trường số của Ngành nói riêng và thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số Quốc gia nói chung.

Đây cũng là năm, người dân, NLĐ và DN trong cả nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Với sự tham mưu của BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan, Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ, đặc biệt là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho NLĐ với trên 30.000 tỉ đồng từ Quỹ BHTN. Việc ban hành chính sách hỗ trợ đúng lúc NLĐ đang gặp khó khăn, vừa tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHXH trong hệ thống ASXH, vừa thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống NLĐ, nhất là những lúc khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

12. Năm 2022: Nhiều “đột phá” trong lĩnh vực chuyển đổi số BHXH, BHYT, cung cấp thêm nhiều dịch vụ, tiện ích phục vụ người dân, DN

Ngành BHXH Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện kho CSDL với thông tin của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh (KCB); Hệ thống giao dịch điện tử và Hệ thống Thông tin giám định BHYT tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến/năm… Đây là những tiền đề quan trọng thực hiện mục tiêu trở thành tổ chức ASXH hiện đại của Ngành.

Là một trong những Bộ, ngành tiên phong trong triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an kết nối, chia sẻ thông tin căn cước công dân (CCCD) trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư, là tiền đề quan trọng cho việc triển khai sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB BHYT. Đây là bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính đem lại nhiều lợi ích giúp người dân giảm tối đa thời gian, thủ tục khi đi KCB BHYT tại các cơ sở y tế, đồng thời nâng cao, cải thiện chất lượng dịch vụ KCB.

Bên cạnh đó, trong năm, BHXH Việt Nam đã triển khai, tái cấu trúc quy trình, phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp các DVC trực tuyến, DVC liên thông trên Cổng DVC quốc gia và Cổng DVC của Ngành. Với 100% TTHC được triển khai thông qua các DVC, đặc biệt là các DVC trực tuyến toàn trình được cung cấp cho các cá nhân, tổ chức đảm bảo việc kê khai đơn giản, thuận tiện, không phải cung cấp lại những thông tin mà ngành BHXH Việt Nam đang quản lý; các hồ sơ giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được thực hiện số hóa và lưu trữ điện tử nhằm phục vụ tra cứu và chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành. Đây được coi là bước đi phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, công khai minh bạch trong giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân, góp phần xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại vì sự hài lòng của người dân và DN.

Để đạt được những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực với các dấu mốc quan trọng nêu trên là nhờ vào sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành, các đơn vị, tổ chức;… Trong đó, với sự vào cuộc mạnh mẽ của của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; hầu hết các tỉnh, thành phố đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cùng với đó là tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, phấn đấu của công chức, viên chức và NLĐ toàn ngành BHXH Việt Nam để đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật là diện bao phủ BHXH, BHYT tăng trưởng ấn tượng: Số người tham gia BHXH là 17,5 triệu người, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó: Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên hơn 16 triệu người năm 2022, tăng trên 7,5 lần; Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên gần 1,5 triệu người năm 2022, tăng 250 lần); Số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần; Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số - cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân. Theo đó, quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN được ngành BHXH Việt Nam đảm bảo đầy đủ, kịp thời.

Những kết quả này là minh chứng ngành BHXH Việt Nam ngày càng phát triển, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ASXH cho Nhân dân, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.