Những dẫn đường rạng rỡ...

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù không đặt dấu hỏi song tự thân cái tên 'Anh hùng còn chi' vẫn trở thành lời mời đầy hấp dẫn, khơi gợi độc giả cùng bước vào trang sách.

Gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp năm 1988. Ảnh tư liệu
Gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp năm 1988. Ảnh tư liệu

Dù không đặt dấu hỏi song tự thân cái tên “Anh hùng còn chi” vẫn trở thành lời mời đầy hấp dẫn, khơi gợi độc giả cùng bước vào trang sách mà lắng lại bên những dẫn đường rạng rỡ thao thiết chắt lọc từ một tài văn là Nguyễn Huy Thiệp luôn: “đau cũng hết lòng, mơ ước cũng hết lòng…”

Gieo mầm bừng thức

Cuốn sách 'Anh hùng còn chi' vừa được Nhã Nam giới thiệu đến độc giả. Ảnh: Bình Thanh

Cuốn sách 'Anh hùng còn chi' vừa được Nhã Nam giới thiệu đến độc giả. Ảnh: Bình Thanh

“Nhà văn lao động trên tác phẩm hết mình và trung thực thì chẳng phải mặc cảm gì khi nhận tiền thù lao. Khi nhận tiền thù lao, tôi hết sức lưu ý điều này, bởi nó là khóa chốt lại nhân cách nhà văn. Đấy là việc nhà văn phát ngôn cho ai, vì ai, chỗ đứng của nhà văn là chỗ nào? Một nhà văn có nhân cách là nhà văn phát ngôn cho nhân dân lao động, vì nhân dân lao động, đúng trong nhân dân lao động”.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – “Văn học là cuộc sống”

“Anh hùng còn chi” là cuốn sách tập hợp các trang di cảo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, trong đó có tác phẩm nổi tiếng như “Tướng về hưu”, “Không có vua”… song cũng chứa đựng không ít bất ngờ. Đầu tiên là 21 bài thơ rút ra từ tập bản thảo “Những vẫn thơ chua xót” (gồm 51 bài) được thầy giáo Nguyễn Huy Thiệp viết và hoàn thành trong những tháng ngày dạy học ở Sơn La.

Dẫu tên tập thơ (Những vần thơ chua xót) và nhiều bài (Cực đoan, Kết cục, Chạy trốn, Thử thách tháng Sáu…) đọc lên mang âm vị của nỗi buồn đau nhiều khi dâng lên đến cùng cực của sự cô đơn chua chát trước thực tại cuộc sống lúc bấy giờ (cuối những năm 1970) song hiện rõ trong đó luôn là những bừng thức của một tâm hồn cao đẹp không ngừng vượt qua bão giông để hướng đến ngày nắng lên.

“Những thói thường ngự trị khắp nơi nơi,

Nụ cười nhạt, cái bắt tay lạnh lẽo.

Những luân lý già nua, khô héo,

Cứ phều phào rên rỉ không thôi”

Đó là khổ thơ mở đầu bài “Cực đoan” để sau đó Nguyễn Huy Thiệp dẫn ra đủ góc cạnh sân si từ “bản tính lười nhác”, “thói vị lợi”, “trò đời mũ miện”, “nói xấu nhau”, “ruột rà ghẻ lạnh”, “tình yêu lọc lừa”… luôn hiển hiện không chỉ hôm qua mà cả hôm nay, cùng tiếng thở dài thất vọng “Đất cằn khô, cỏ mọc chen hoa…”. Tiếng thở dài ấy còn lan sang cả bài “Thử thách tháng Sáu” , sau nỗi cay đắng: “Những giờ phút trôi qua. Chua chát”, “Số phận oái oăm, lạ lùng, quỷ quyệt”, thi nhân đã giục giã:

“Ôi. Thà cứ giả dối đi. Đại hạn.

Đất cứ cằn khô đi, cỏ mọc chen hoa.”

Thậm chí ông còn muốn chia tay đầy dứt khoát cả với thơ – nơi cuối cùng nâng đỡ tâm hồn thầy giáo trẻ “Còn những gì chua xót/Chỉ là trong thơ thôi” trong những tháng ngày mang bao nỗi băn khoăn, day dứt trước dòng chảy cuộc sống:

“Thôi. Thơ ơi. Em nhé, chia tay.

Hãy khô cằn đi. Trái tim đa cảm.”

Gần 50 năm trước, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ dũng cảm vén những mảng tối của dòng đời mà ngay cả với chính bản thân ông cũng chẳng ngần ngại vạch trần:

“Ai bảo anh không giả dối, hẹp hòi

Không khờ dại và không yếu đuối,

Trán không nhăn một suy tư tội lỗi

Lòng trắng trong không một vệt đen?

Ở trong anh cũng có ươn hèn,

Cũng vụ lợi, dại rồ, ích kỷ.

Cũng có tháng ngày sống vô nghĩa lý,

Cũng hóa tầm thường khi bụng hờn ghen.”

(Tâm sự tháng Sáu, 17/6/1977)

Đó chính là nỗi “đau cũng hết lòng” của một người quá đỗi nhạy cảm trước cuộc sống và cả trong chính mình. Nhưng nỗi đau ấy chưa khi nào rơi vào đường hầm không ánh sáng mà nó được đặt trong nhịp đập trái tim “mơ ước cũng hết lòng”. Vì vậy, sau những cô đơn mang đầy trăn trở chua xót, mỏi mệt đến tê tái kia vẫn luôn là những bừng thức. Ban đầu là niềm tin, sự an ủi được neo vào “em”:

“Ôi thế gian cay đắng vô cùng.

Anh đã khóc như là trẻ nhỏ,

Trong tất cả những gì anh có.

Mong lòng tin đậu ở em thôi”.

(Cực đoan)

“Anh duỗi thẳng thân mình mỏi mệt,

Nhắm mắt lại. Thế là đêm.

Em hiện ra và cứ vỗ mãi vào anh

Cho anh thiếp đi trong nỗi

trìu mến của em như thế

vô cùng”.

(Ý nghĩ ban đêm – 6/6/1977)

Có thể thấy, điểm neo cho trái tim nhạy cảm với đời của Nguyễn Huy Thiệp chính là người vợ tào khang “Ánh sáng lòng tôi” – bà Phan Thị Như Trang. Ở bài “Cực đoan” được viết Hè 1977, ông ghi đề tặng ngay trên đầu: “Tặng Trang yêu dấu và thân thiết…” và ghi chú khi câu thơ cuối khép lại: “Đây chỉ là một nét tâm trạng, không phải là hoàn toàn ý nghĩ về cuộc sống. Dĩ nhiên, không phải lúc nào anh cũng cực đoan như thế”.

Hay ở bài “Thử thách tháng Sáu”, dù đã lựa chọn: “Thôi không cắt nghĩa nữa, vì cắt nghĩa có ích gì?/ Ta bỏ mặc lí trí lang thang trên đường vắng/ Mặt vẫn giữ như là yên lặng” nhưng thực ra: “Mà lòng đầy bão tố đấy em”… (19/6/1977)

Rồi từ những điểm neo ấy, thi nhân bừng thức về ngày mai – “Sau giông bão” (21/7/1977)– không chỉ riêng thi nhân tràn đầy hy vọng, niềm tin mà còn là những reo vui gieo đến muôn người câu thơ lấp lánh ánh ban mai:

“Bão rồi sẽ tan, anh sẽ lại về,

Trời hửng nắng, chim giăng hàng lối ấy

Những cây non hôm nào run rẩy,

Anh sẽ buộc cành, giặm gốc cho em

(…) Ai muốn trời giông bão hỡi em!

Đời bắt gặp như là quy luật

Âu coi nó như là thử thách,

Kìa em xem. Anh về đấy. Nắng lên”.

Hay đến vần thơ “Tâm sự”, thi nhân nhắn gửi: “Cứ đi đi, anh bỗng lý giải được hết vấn đề…” dù cuộc đời vẫn đặt ra không biết bao nhiêu là thử thách nhưng: “Mong em nhé, đừng bao giờ nản chí…” vì: “Một ngày kia rồi nắng sẽ lên…”. Và niềm hạnh phúc mong mỏi khi đó cũng rất đỗi bình dị, nên thơ:

“Mong được về với em, ta ở bên nhau,

Rào lại mảnh vườn, rồi gieo hạt giống.

Ăn một bữa rau cải đầu mùa với em cũng là hạnh phúc,

Ngồi hơ tay bên bếp lửa nhà mình lòng tràn ngập yêu thương”

(Hạnh phúc mong mỏi - 8/10/1977)

Bởi vậy, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp dù luôn là những gai góc của cuộc sống có khi làm nhức nhối tâm can người đọc bởi vết cứa sắc lẹm làm rỉ máu. Nhưng đó là máu độc cần được chích và bỏ đi để dòng máu thiện lành tiếp tục tuôn chảy cho những nhịp đập mạnh mẽ vì bao điều cao đẹp hướng đến con người.

Thế nên, hãy gạt bỏ những e dè hay định kiến khi đọc những vần thơ được thầy giáo Nguyễn Huy Thiệp viết từ thuở ban đầu ấy mà cùng thoải mái bước vào để cùng khóc, cùng cười với thi nhân. Cũng từ đây, hẳn rằng không ít người bất ngờ trước một Nguyễn Huy Thiệp lâu nay vốn lừng danh với truyện ngắn thì còn đó một giọng thơ riêng biệt và đầy trách nhiệm ở độ tuổi ngoài đôi mươi!

Chân dung tự họa trên gốm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được in trên sách. Ảnh: Bình Thanh

Chân dung tự họa trên gốm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được in trên sách. Ảnh: Bình Thanh

Tâm huyết chỉ lối

Ngay sau những trang thơ, “Anh hùng còn chi” giới thiệu 3 truyện ngắn: “Cô Mỵ”, “Vết trượt” và “Những bài hát”. Theo chú dẫn của người biên soạn và giới thiệu – nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn - đây là 3 tác phẩm đã được đăng trên báo Văn nghệ và Tuổi trẻ Chủ nhật song chưa được tác giả đưa vào bất cứ tuyển truyện nào của mình. Thế nên, cuốn sách tiếp tục nối nhịp cầu gặp gỡ giữa nhà văn với độc giả trẻ chưa từng được đọc những trang báo xuất bản từ cuối những năm 1980 ấy.

Cùng với đó là 2 kịch bản phim truyện “Tướng về hưu”, “Không có vua” cũng hiện diện trong này với cảm giác ban đầu tưởng là “biết rồi”. Cũng vì chúng được bắt đầu từ các truyện ngắn cùng tên, thậm chí kịch bản “Tướng về hưu” mà Nguyễn Huy Thiệp hoàn thành năm 1987 còn được đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi dàn dựng năm 1988 và giành Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX năm 1990.

Vậy nhưng, kịch bản “Tướng về hưu” ở đây vẫn có những tình tiết khác vì không được sử dụng trong phim hoặc, nhất là cái kết bị thay đổi. Còn với “Không có vua”, Nguyễn Huy Thiệp viết xong năm 2002 và “trong bản thảo dường như ông muốn nhà sản xuất Đinh Hoa và đạo diễn Đặng Nhật Minh thực hiện bộ phim này” (theo chú dẫn).

Nhất là, “Anh hùng còn chi” còn có phần tiểu luận, tạp văn bày tỏ quan điểm, góc nhìn của Nguyễn Huy Thiệp về văn chương, nghệ thuật. Trong đó, bài viết “Văn học là cuộc sống” ông gửi cho Tuổi trẻ Chủ nhật nhưng không được đăng (1989) lần này “Anh hùng còn chi” giới thiệu đầy đủ. Bản thảo do nhà báo Nguyễn Trọng Chức (nguyên Thư ký tòa soạn báo Tuổi trẻ Chủ nhật) lưu giữ hơn 30 năm.

Ông Chức đã gửi bản thảo này cùng nhiều bản thảo khác, thư từ, hình ảnh… đến họa sĩ Nguyễn Phan Bách – con trai cả của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – cùng niềm vui mừng khi điều mong đợi về những đứa con tinh thần của người bạn kết thân lâu năm trong đời làm báo “biết đâu sẽ có một ngày nào đó những trang viết ấy sẽ đến được với người đọc” của ông đến nay đã thành hiện thực.

Quả là những trang viết ấy thật quý giá khi ở đó có biết bao chia sẻ của Nguyễn Huy Thiệp đầy chân thực, tâm huyết và sâu sắc như những chỉ lối quý giá về nghề văn. Từ câu hỏi “Văn học có sức mạnh không?”, ông luận giải nhiều vấn đề về văn học.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (phải) thời mới lên Sơn La dạy học. Ảnh tư liệu

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (phải) thời mới lên Sơn La dạy học. Ảnh tư liệu

Trước tiên là quan niệm gọn ghẽ “Văn học là cuộc sống” chứ không phải là “hiện thực cuộc sống” hay “phản ánh hiện thực cuộc sống” và “chỉ nên tìm hiểu, nghiên cứu chứ đừng giải thích” thì khi đó “hình như văn học có sức mạnh thật”.

Về nhiệm vụ của văn học, Nguyễn Huy Thiệp cho rằng “văn học không có nhiệm vụ kiếm ra tiền” và điều đó làm ông “rất bực mình” trong quan sát “khi buộc văn học phải kiếm ra tiền thì nó sẽ làm những chuyện phi văn học: Nó sẽ cho ra đời những sản phẩm nhảm nhí, những “sách đen” nhằm vào những người trẻ tuổi, tóm lại là nó sẽ tấn công vào tương lai…”.

Ông còn điểm về “văn học minh họa”, “văn học cung đình” trên tinh thần lẽ đương nhiên phải tồn tại. Với khái niệm “giải phóng tư tưởng” hay cách gọi “bản lĩnh nhà văn”, ông nhấn mạnh: “Vấn đề không phải bản lĩnh thế này, thế kia mà ở nhân phẩm, ở nhân cách của con người đó”; rồi thì: “Vấn đề ở chỗ nhà văn phải viết cho hay” và “Sự thành công trong văn học phụ thuộc vào tài năng thể hiện chính xác cuộc sống…”.

Gọi lực lượng lý luận phê bình là “ngự lâm quân”, Nguyễn Huy Thiệp trăn trở khi lực lượng ấy “chưa sang trọng, chưa mạnh thì tôi tin rằng khu vực sáng tác còn rất nhiều nhảm nhí”. Còn khi nói về “nghề văn”, ông nhận định “nghề văn thực chất là nghề chỉ dành cho sự tuyệt vọng và những kẻ tuyệt vọng cùng đường… Nó là nghề của các khát vọng siêu hình hoặc các số phận kỳ lạ…”.

Ngoài ra, “Anh hùng còn chi” được khép lại với những trang in một số ký họa trên gốm, ảnh tư liệu về Nguyễn Huy Thiệp qua các chặng đường đời, với người thân, bạn bè, văn nghệ sĩ, tự họa cùng tác phẩm, sự kiện văn chương…

Theo nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn, những tác phẩm được lựa chọn, giới thiệu trong “Anh hùng còn chi” được tạm gọi là “di cảo” với mục đích cung cấp cho bạn đọc một hình dáng đầy đủ, tổng thể hơn về sự nghiệp văn chương, hành trình cuộc đời Nguyễn Huy Thiệp.

“Cuốn sách, vì thế, buộc chúng ta phải thêm lần nữa, nhận thức lại Nguyễn Huy Thiệp, nhất là sự vận động tư duy sáng tạo và cảm quan nhân sinh của ông, trong một giai đoạn khá dài, từ những năm 1970 cho đến ngày ông rời cõi tạm, năm 2021”, ông Tuấn nhấn mạnh.

“Trên con đường thiên lý vạn dặm của cuộc đời, Trường Phổ thông cấp 3 Mai Sơn có ý nghĩa đặc biệt với tôi. (....) chính ở đây, tôi đã nhận thấy được hướng đi cho cả cuộc đời về sau.

(…) Nhà văn là một danh hiệu lạ lùng, vừa hữu ích lại vừa phù phiếm. Nó không phải là danh hiệu anh ta tự đứng ra xưng danh được mà là một danh hiệu do độc giả đặt tên. Chính tôi cũng không biết rõ và không đánh giá được hết những việc tôi làm có ý nghĩa lớn lao đến đâu, tuy nhiên có lẽ nó đã góp phần làm cho ai đó trong số độc giả của tôi nhận ra ánh mắt của con cá voi sát thủ trong số phận họ, cũng giống như ngày nào ở trường Phổ thông cấp 3 Mai Sơn”.

Trích bài viết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gửi về Trường THPT Mai Sơn, Sơn La nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.