Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để lại cho bạn bè văn chương cùng bạn đọc một khoảng trống lớn. Những trang viết của ông mang nhiều tầng ý nghĩa, mới mẻ và dứt khoát.
Bay bổng, lãng mạn, trần trụi, sắc lẹm hòa quyện trong mỗi trang văn, mỗi hình tượng văn học mà Nguyễn Huy Thiệp tạo ra đã “đóng đinh” vào lòng bạn đọc với một phong cách sắc lạnh.
“Giải phẫu” hiện thực
Thời gian qua, nhiều người biết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn bởi bệnh tật, thuốc men triền miên. Đặc biệt, từ khi vợ ông qua đời, nhà văn gần như rơi vào trạng thái hôn mê, gia đình cũng như bạn bè tập trung giúp đỡ rất nhiều.
Xuất thân từ một thầy giáo có thâm niên gần 10 năm dạy học ở miền núi phía Bắc. Những năm 1985, Nguyễn Huy Thiệp mới chập chững bước vào văn đàn, nhưng dư luận lại lập tức xôn xao bởi lối hành văn độc đáo, phơi bày hiện thực xã hội. Giới văn chương cho rằng, sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp tạo ra sự bất ngờ đầy phong cách, khỏa lấp được những khoảng trống rỗng trên văn đàn.
Điều đầu tiên khiến người ta thích đọc Nguyễn Huy Thiệp là từ giọng văn lạ, không giống bất cứ ai từ trước tới nay. Nguyễn Huy Thiệp có biệt tài trong việc miêu tả đối thoại cũng như dựng một bầu không khí, cấu trúc, và cách bố trí xây dựng nhân vật trong tác phẩm của mình.
Điều thứ hai phải xét tới chính là ngọn bút Nguyễn Huy Thiệp dám nhìn thẳng vào những bề bộn của xã hội, vào cái ác, lẫn chiều sâu của thân phận mỗi cá nhân trong chiều dài thân phận đất nước, dân tộc và lịch sử. So với văn chương trước đó, văn của Nguyễn Huy Thiệp là một tiếng nói đầy khác biệt, lạ lẫm, bạo gan lẫn chua chát. Bạn đọc có thể thấy rõ trong Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi…
Xét riêng thể truyện ngắn, phong cách Nguyễn Huy Thiệp thống nhất trong sự biến hóa khó lường. Không chỉ riêng trữ tình dân gian, mà còn yếu tố hiện thực khắc nghiệt pha lẫn kỳ ảo. Điều này, Nguyễn Huy Thiệp khác biệt hoàn toàn với phong cách hiện thực đầy viên mãn thống nhất của Nam Cao.
Có thể nói, những trải nghiệm đầy cay đắng trong cuộc đời cùng nội lực con chữ trong suốt thời gian dạy học tại Tây Bắc, đã giúp nhà văn định hình lối viết rắn rỏi và thẳng tưng như vậy.
Nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang, khi biết tin Nguyễn Huy Thiệp qua đời, ông vẫn thảng thốt buồn và nói rằng Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc nhất trong cõi văn chương quốc ngữ nước nhà.
Nếu như Nam Cao đã phẫu thuật để bày ra trước mắt bạn đọc thân phận người Việt trước miếng ăn, cái danh và cái lợi, thì Nguyễn Huy Thiệp với lưỡi dao sắc bén và kỹ thuật điêu luyện đã giải phẫu để bày ra cả ruột gan của dân tộc này, ở nhiều chiều kích và dằng dặc lịch sử.
Bút pháp lạnh lùng, lối hành văn độc đáo, ngôn ngữ huyền ảo, văn chương truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp dứt khoát và quyết liệt đến tàn nhẫn, mổ xẻ đến tận cùng hiện thực xã hội và lịch sử.
Khí tiết sống “sạch”
Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét: Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn gần như là quan trọng số 1 từ sau Đổi mới. Chính Nguyễn Huy Thiệp đã gợi lại dũng khí cho tất cả các nhà văn, cho họ thấy thế nào là quyền năng một người viết, quyền thay đổi, quyền khám phá, phản biện xã hội, khiến ta nhìn thấy lại giá trị của nhà văn.
Tên tuổi của ông gắn liền với các truyện ngắn: Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết...
Bạn bè thân thiết với Nguyễn Huy Thiệp - nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể rằng, cái nghèo ám ảnh cả cuộc đời Nguyễn Huy Thiệp, cho đến lúc cuối đời cũng rất nghèo.
Khi bị đột quỵ lần hai, nhà văn Thọ có gọi cho họa sĩ Nguyễn Phan Bách là con trai của Nguyễn Huy Thiệp thì mới hay “tài khoản của gia đình chỉ còn đúng 9 triệu đồng”. Trong lúc đó, trong gia đình còn có hai người khác cũng đang ốm nặng, cần đến tiền thuốc và viện phí.
Nghèo khổ là thế nhưng Nguyễn Huy Thiệp lại sống rất “sạch” và đầy khí tiết. Ông không có điều tiếng gì liên can đến danh lợi tiền tài. Không chỉ có vậy, Nguyễn Huy Thiệp còn thẳng thắn chứ không vòng vo, cố tôn suý cho lý tưởng của mình.
Trong một trả lời phỏng vấn của nhà văn Thọ xoay quanh câu hỏi “có phải nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết văn để đi tìm đạo?”. Nguyễn Huy Thiệp cười mà nói “viết văn trước hết để kiếm sống”.
“May mắn của tôi cho đến giờ phút này, sách vẫn được in và tái bản liên tục. Chưa kể, thỉnh thoảng có người vì yêu quý, còn cho tôi cái này cái kia. Nhiều lúc cũng tham lắm nên nhận nhưng cũng có nhiều thứ người ta cho rất to, tôi không dám nhận. Ở đời rắc rối là thế”, Nguyễn Huy Thiệp nói.
Nói về một nhà văn, trước hết phải khám trong túi họ có gì. Trong túi Nguyễn Huy Thiệp không thiếu chữ, chỉ thiếu tiền. Túi còn lại đầy ắp khí phách và nhân bản. Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp đã không sống uổng một đời văn nhân. Dù ông đã về nơi chín suối, nhưng tên tuổi và tác phẩm sẽ còn sống mãi.
Chỉ là giờ đây, trên văn đàn Việt khuyết đi một cây bút tầm cỡ. Rồi đây, ai có thể thay thế chỗ đứng của Nguyễn Huy Thiệp?