Văn học thiếu nhi khởi nguồn bằng những câu chuyện truyền miệng, giống các thể loại khác của văn học. Thuở sơ khai, nhiều tác giả đã xem trẻ em là "người lớn thu nhỏ".
Khởi nguồn từ những câu chuyện kể
Cũng giống như các hình thức văn học khác, văn học thiếu nhi phát triển từ những câu chuyện kể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ đầu năm 400 trước Công nguyên, các truyện dân gian Ailen đã được kể truyền miệng.
Trong khi đó, truyện dân gian được viết sớm nhất được cho là Thuật xử thế Ấn Độ (Pachatantra) vào khoảng năm 200 sau Công nguyên. Khoảng năm 400 sau Công nguyên, phiên bản đầu tiên của Ngụ ngôn Aesop (Aesop's Fables) xuất hiện trên các cuộn giấy cói.
Ở Trung Quốc, việc kể chuyện được ưa chuộng nhất thời nhà Tống (năm 960-1279). Nhiều câu chuyện từ thời đại này hiện được sử dụng để giáo dục trong trường.
Thời điểm châu Âu trở thành trung tâm văn hóa của thế giới, các truyện viết cho thiếu nhi càng trở nên phổ biến. Chủ yếu chúng được viết bằng tiếng Latin, mang nội dung định hướng cho trẻ.
Ở thời trung cổ, rất ít tác phẩm viết cho thiếu nhi có mục đích giải trí. Chủ đề vẫn là giáo huấn và dạy đạo đức. Trẻ em được dạy đọc trên những tấm gỗ phủ giấy da có bảng chữ cái và một lời cầu nguyện đơn giản, thường là Kinh Lạy Cha (Pater Noster).
Đến thế kỷ XVII, các cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn trẻ được xuất bản nhiều.
Theo The Conversation, năm 1646, nhà thần học John Cotton viết cuốn Milk for Babes (sau này nhà xuất bản New England tái bản với tựa đề Spiritual Milk for Boston Babes năm 1656). Cuốn sách gồm 64 câu hỏi đáp về học thuyết, tôn giáo, tín ngưỡng, đạo đức và cách cư xử cho trẻ.
Năm 1671, James Janeway cũng viết cuốn A Token for Children với câu chuyện về cuộc sống của những đứa trẻ ngoan đạo.
Đến cuốn sách thiếu nhi đầu tiên trên thế giới
Những cuốn sách bỏ túi gấp lại thay vì được ghép với nhau là sản phẩm đầu tiên cho sự ra đời của sách minh họa cho trẻ. Chúng thường chứa một số hình ảnh khắc gỗ đơn giản đi kèm nội dung. Truyện kể lúc này là các câu chuyện dân gian hoặc đoạn văn về tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong khi đó, những năm 1600, khái niệm “thời thơ ấu” (childhood) phát triển. Thay vì coi là "người lớn thu nhỏ", trẻ em được xem là độc giả riêng biệt với nhu cầu và hạn chế nhất định.
Vì vậy, các nhà xuất bản trên khắp châu Âu bắt đầu in sách dành riêng cho đối tượng độc giả này. Mục đích của những cuốn sách vẫn mang tính mô phạm, mặc dù nhiều tập truyện cổ tích đã ra đời và được nhiều độc giả nhí đón nhận nồng nhiệt.
Thời điểm này, xu hướng minh họa sách thiếu nhi cũng trở nên thịnh hành. Thế kỷ XVIII đến XIX, văn học cho trẻ em ngày càng phổ biến.
Năm 1744, John Newbery xuất bản cuốn A Little Pretty Pocket-Book, kể về những trò chơi cho trẻ, truyện ngụ ngôn, kèm một số tranh vẽ minh họa.
Theo Britannica, đây được xem là tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tiên trên thế giới, thực sự mang đến niềm vui khi đọc sách cho trẻ - hướng đến mục đích giải trí qua các trang sách thiếu nhi.
Sách thiếu nhi hiện đại
Những năm 1920 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của sách thiếu nhi. Nhiều cuốn sách truyện cho trẻ em kèm hình minh họa được in hàng loạt với nhiều màu sắc thay vì đen trắng như trước đây.
Nó cũng đánh dấu ngành công nghiệp sách tranh cho trẻ em chính thức trở thành một "cá thể" mang hình hài khỏe mạnh, hoạt động thành mảng độc lập.
Trong đó, cuốn sách ảnh minh họa Millions of Cats (1928) của Wanda Gag là một trong những thành công nhất thời điểm này. Tác phẩm bán được hơn 1 triệu bản. Cuốn sách còn giành giải thưởng Newbery Honor năm 1929 và là cuốn sách ảnh lâu đời nhất của Mỹ.
Sau thành công của Millions of Cats, hàng loạt cuốn sách cho thiếu nhi khác được xuất bản ngay sau đó như The Little Engine that could (1930); Babar (1931); Madeline (1933) và Curious George (1941).
Sau này, văn học thiếu nhi càng phát triển phong phú. Một số tác giả có đóng góp quan trọng với nền văn học thiếu nhi thế giới như: Jack London, Mark Twain, Rudyard Kipling, Edgar Allan Poe, Robert Louis Stevenson và Hans Christian Andersen...
Ngày nay, với sự đa dạng và chất lượng, những cuốn sách thiếu nhi đã trở thành món ăn tinh thần cho nhiều thế hệ trẻ em.
Hàng loạt tác phẩm nổi tiếng ra đời, giúp nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ như: Hoàng Tử Bé (Antoine de Saint-Exupéry), Chuyện con mèo dạy hải âu bay (Luis SéPulveda), Peter Pan (James Matthew Barrie), Nghìn lẻ một đêm, Nhóc Nicolas (René Goscinny, Sempé)….
Tại Việt Nam, văn học thiếu nhi có những phát triển nhất định. Nhiều tác phẩm được dịch ra các thứ tiếng và nổi danh cả ở quốc tế như Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh)...