Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet triển khai chương trình “Quang hóa trường học”, đến nay 100% trường học trên địa bàn đều có kết nối mạng Internet bằng cáp quang với băng thông tối thiểu 30Mb.
Về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành: từ năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT áp dụng quy chế quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử cho 895 trường THCS và THPT, 29 trung tâm GDNN-GDTX trên toàn Thành phố;
Ứng dụng phần mềm Quản lý kết quả giáo dục tiểu học tới 727 trường Tiểu học. Trên một triệu học sinh phổ thông Hà Nội đã được quản lý điểm, học bạ điện tử, kết nối với Cổng thông tin của Thành phố và có thể cung cấp tài khoản cho phụ huynh truy cập bất cứ lúc nào để có thể theo dõi tình hình học tập, rèn luyện của con em mình ngay từ năm học này; từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn Ngành về GD&ĐT.
Hà Nội cũng đã triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6: Tiếp tục triển khai tới 2622/2622 trường trên địa bàn Hà Nội từ cấp mầm non đến THCS.
Đặc biệt, kho học liệu điện tử ngành GD&ĐT lưu trữ hàng trăm nghìn bài giảng Elearning, sáng kiến kinh nghiệm, phần mềm giáo dục, các văn bản chỉ đạo, hình ảnh, đề thi... có chất lượng đã được tuyển chọn từ các cuộc thi để các đơn vị giáo dục và giáo viên, học sinh khai thác, sử dụng.
Định hướng các năm tiếp theo, Hà Nội triển khai phần mềm theo hướng dịch vụ công trực tuyến, hướng tới phục vụ người dân phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ GD&ĐT. Mức độ ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.
Đồng thời, phát triển thư viện của trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, hình thành cổng thông tin thư viện điện tử liên thông toàn ngành gồm các bài giảng, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển một số mô hình đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến.