Những 'cô Tổng' năng động, sáng tạo

GD&TĐ - Là giáo viên dạy văn hóa kiêm Tổng phụ trách Đội, khối lượng công việc nhiều nhưng các cô vẫn luôn yêu nghề, mến trò để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cô Nguyễn Thị An – Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội).
Cô Nguyễn Thị An – Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội).

Vững chuyên môn, giỏi phong trào

Công tác tại Trường THCS Trần Đăng Ninh (Hà Đông, Hà Nội) từ năm 2014 đến nay, cô Doãn Thị Dung – Tổng phụ trách Đội - là giáo viên dạy Lịch sử đạt nhiều thành tích ấn tượng. Năm học 2022 - 2023, cô xuất sắc đoạt giải Nhất cấp quận môn Lịch sử - Địa lý, phân môn Lịch sử; giải Ba tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố năm học 2023 - 2024. Cô Dung tâm sự, để có được thành tựu đó, ngoài nỗ lực của bản thân là sự đồng hành, hỗ trợ từ ban giám hiệu nhà trường, các đồng nghiệp trong tổ chuyên môn, sự tin yêu của phụ huynh, học sinh.

Với vai trò Tổng phụ trách Đội, cô Dung trực tiếp phụ trách xây dựng kế hoạch các phong trào, hoạt động Đội, tham mưu với lãnh đạo nhà trường để tổ chức cho học sinh tham gia. Ngoài các ngày lễ lớn như khai giảng, 20/11, 26/3, nhà trường đổi mới giờ Sinh hoạt dưới cờ bằng hình thức giới thiệu tấm gương sáng, câu chuyện đẹp, cuốn sách hay; xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường... Giờ ra chơi có thể cho học sinh chơi các trò chơi dân gian như: Nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, nhảy dây, kéo co… nên các em rất hứng thú, thầy cô cảm thấy vui vẻ.

Tham gia các hoạt động phong trào nên cô Dung phải đầu tư khá nhiều thời gian, công sức và sự tâm huyết bên học trò. Nhiều hôm ở lại tập cùng học sinh tới tối muộn nên công việc gia đình cũng ảnh hưởng đôi chút. Cô Dung kể, nhà có hai con học tiểu học nhưng biết công việc của mẹ vất vả nên các con rất tự giác trong học tập. Chồng cô Dung làm về xây dựng, luôn cảm thông với vợ. Vào dịp cuối tuần, cả gia đình mới có cơ hội bên nhau. Đó là những khoảnh khắc hạnh phúc quý giá của người giáo viên sau một tuần làm việc căng thẳng.

Với học sinh của trường, “cô Tổng” Doãn Thị Dung luôn là nhân vật “có uy” để có thể ổn định trật tự trong các hoạt động tập thể. Ngoài ra, cô là thành viên tham gia tổ tư vấn học đường để lắng nghe tâm sự của học trò mỗi khi có vấn đề cần chia sẻ.

Khi tiếp xúc với học sinh cá biệt, nữ giáo viên biết cách gợi mở câu chuyện theo hướng nhẹ nhàng, tâm sự như hai người bạn chứ không quát mắng, chì chiết. Mục tiêu nhằm để các em tự nhận ra cái sai của mình và dần thay đổi. Với những thắc mắc về tình bạn – tình yêu tuổi học trò, cô Dung cũng tư vấn tận tình để hướng dẫn các em có cách cư xử đúng mực, không đi quá giới hạn nhằm tạo động lực học tập cho nhau…

“Tâm huyết, trách nhiệm, vững chuyên môn, giỏi phong trào là những điều đang hội tụ ở cô Dung. Vượt qua áp lực nghề nghiệp, cô Doãn Thị Dung có cách dạy Lịch sử sáng tạo, giúp học sinh hứng thú với bài học. Vì thế, cô được đồng nghiệp quý mến, phụ huynh, học sinh tin yêu, cấp trên ghi nhận.

Toàn trường có 48 lớp và gần 2 nghìn học sinh, khối lượng công việc lớn nhưng cô Dung đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm học 2022 - 2023, cô Dung được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương về thành tích trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi”, thầy Lê Ngọc Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đăng Ninh thông tin thêm.

Cô Doãn Thị Dung (giữa) – Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Đăng Ninh. Ảnh: TG

Cô Doãn Thị Dung (giữa) – Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Đăng Ninh. Ảnh: TG

“Một vai, 2 gánh”

Là giáo viên chủ nhiệm khối 5, cô Nguyễn Thị An – Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) cũng gắn bó với nghề giáo 27 năm nay. Với khả năng nói trước đám đông cũng như tổ chức các phong trào, hoạt động cho học sinh nên cô có nhiều thế mạnh để phát huy. Nhiều người đùa cô An làm Tổng phụ trách vì đam mê, bởi ngoài lương giáo viên thì Tổng phụ trách chỉ được phụ cấp 540.000 đồng/tháng.

Cô Nguyễn Thị An còn chịu khó học hỏi, trau dồi chuyên môn và tích cực, sáng tạo trong các hoạt động. Các mô hình, công trình măng non hay xây dựng nguồn quỹ để hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn tại trường luôn có bóng dáng của cô. Ngoài ra, cô cũng nhiệt tình tham gia công tác thiện nguyện của trường, địa phương. Thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, cô An và các đồng nghiệp đã hỗ trợ đắc lực công tác phòng chống dịch bệnh.

“Cái nghiệp vận vào người nên phải cố gắng theo đến cùng. Nghề Tổng phụ trách Đội dẫu vất vả nhưng có nhiều kỷ niệm không thể quên bên học trò. Để bồi dưỡng cho học sinh về công tác Đội, tôi phải linh hoạt để không làm ảnh hưởng tới giờ học của các em. Việc thiết kế hoạt động thể dục giữa giờ cũng được thực hiện thành công. Rất may, giáo viên Âm nhạc, Thể dục hay Tin học đều hỗ trợ nhiệt tình. Tôi là người thiết kế các hoạt động và phân công nhiệm vụ cho mọi người để công việc trở nên trôi chảy”, cô An tự hào chia sẻ.

Nhận xét về đồng nghiệp, cô Lê Thị Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thường bày tỏ khâm phục trước tấm gương của “cô Tổng” Nguyễn Thị An. Công việc của giáo viên chủ nhiệm khối 5 rất nhiều, nhưng cô An vẫn cố gắng sắp xếp để vẹn cả đôi đường. Nhiều khi thấy đồng nghiệp “lăn lộn” với trường lớp, nhất là mỗi khi có sự kiện lớn chuẩn bị diễn ra lại thấy thương. Cô An lên các kế hoạch công tác Đội hàng tháng, cùng học trò luyện tập biểu diễn văn nghệ hăng say mà vẫn vui tươi, yêu đời.

Theo quy định tại Tiểu mục 1.1 Phần III Thông tư liên tịch 23/TTLN năm 1996 hướng dẫn chế độ công tác và phụ cấp trách nhiệm đối với giáo viên làm Tổng phụ trách Đội trong trường phổ thông: Giáo viên Tổng phụ trách Đội ở trường hạng I hưởng phụ cấp trách nhiệm hệ số là 0,3 - tức 540.000 đồng/tháng. Tương tự với trường hạng II là 0,2 và trường hạng III là 0,1 lương tối thiểu. Dù thu nhập hằng tháng không cao nhưng vì lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao, cô An luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ