Đó là nhận định chung của các giáo viên mầm non tại vòng chung khảo xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 4 năm học 2019-2020 được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 6/10..
Cô Phan Vũ Lan Anh - Hiệu trưởng trường MN Liên Mạc (Quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: Tại các trường mầm non, công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, tôi đã nghĩ ra giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ trong việc đón và trả trẻ tại trường.
Qua nhiều lần thử nghiệm, cô Lan Anh đã xây dựng và hoàn thiện “Phần mềm quản lý trẻ và trẻ muộn”. Phần mềm giúp đỡ cho người quản lý và giáo viên các lớp, nhân viên nhận diện đúng người được phép đón trẻ. Phần mềm đã hoàn chỉnh và hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả tốt.
Nhờ khả năng ứng dụng CNTT tốt, cô Phạm Thị Dung - Giáo viên trường MN Yên Sơn (Huyện Quốc Oai) đã mạnh dạn ứng dụng phương pháp dạy học tiến tiến Montessori- lĩnh vực thực hành cuộc sống vào kế hoạch giáo dục trẻ.
Cô Dung đã thiết kế các bài tập kỹ năng với những đồ dùng có sẵn các bài tập kỹ năng từ các đồ dùng tăng cường, lựa chọn các kỹ năng giáo dục phù hợp với khả năng của trẻ và điều kiện thực tế của nhà trường. Việc phối kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh được cô quan tâm ngay từ đầu năm học, được phụ huynh tin tưởng và ủng hộ.
Ngoài ra, cô Dung còn mạnh dạn thực hiện hoạt động tạo hình với đề tài “Vẽ tranh bằng giấy bồi”, đưa loại hình dân gian truyền thống cho trẻ; khuyến khích trẻ cùng cô chế biến các nguyên vật liệu tạo hình, tăng cường các nguồn vật liệu , phương tiện từ thiên nhiên, tận dụng các khu vực sân vườn thành không gian nghệ thuật đẹp, lôi cuốn trẻ, giúp trẻ tư duy sáng tạo.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy- Giáo viên trường MN Họa Mi (Quận Cầu Giấy) 10 năm liền được giao nhiệm vụ khối trưởng, khối phó và giáo viên chủ nhiệm lớp điểm các chuyên đề “xây dựng môi trường phát triển ngôn ngữ” và chuyên đề “ứng dụng CNTT vào công tác giáo dục”.
Nhiều năm liền, cô Thủy đã nghiên cứu, thiết kế và áp dụng có hiệu quả nhiều bài giảng điện tử, bài giảng E-learning, phần mềm giáo dục. Cô luôn lấy tiêu chí đơn giản, dễ làm, tiết kiệm từ các nguyên vật liệu thiên nhiên, nguyên vật liệu tái sử dụng.
Cô Thủy cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của CNTT, cô đã mày mò nghiên cứu và thiết kế ra các bài giảng điện tử E-learning để đưa vào dạy trẻ. Với các phần mềm chuyên dụng dạy học Adobe presenter và các phần mềm hỗ trợ như Ulead videostudio, videopad, video editor, proshow Produter, Freemake video converter… việc thiết kế bài giảng trở lên vô cùng sinh động và hấp dẫn.
Đến nay, cô Thủy đã cùng các giáo viên trường Họa Mi đóng góp hơn 300 bài giảng điện tử và bài giảng E-learning trong kho dữ liệu của nhà trường. Các bài giảng này được đưa vào lồng ghép với các chủ đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, được phân loại đưa vào các chủ đề để dạy trẻ.