Giáo dục Hà Nội phát triển mạnh quy mô, duy trì tốt chất lượng

Giáo dục Hà Nội phát triển mạnh quy mô, duy trì tốt chất lượng

Ngày 6/1, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”.

Một trong những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là phát triển mạnh mẽ về quy mô, song vẫn duy trì tốt chất lượng.

Đây là nền tảng vững chắc để ngành Giáo dục Hà Nội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nên những chủ nhân tương lai đủ đức, tài, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, ngành Giáo dục Thủ đô đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đóng góp một lực lượng trí thức không nhỏ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện tại, toàn thành phố có hơn 2.700 trường học, 2 triệu học sinh và 155.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Ngành Giáo dục Hà Nội đã hoàn thành tốt các mục tiêu của Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Dù đứng trước nhiều khó khăn, song những năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả việc nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện có chiều hướng tiến bộ, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt kết quả xuất sắc.

Học sinh Thủ đô tiếp tục ghi dấu ấn ở các kỳ thi quốc gia, quốc tế với nhiều thành tích xuất sắc, liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải thưởng. Năm học 2018-2019, các em đã đoạt 438 giải và huy chương, cao gấp gần 3 lần so với 5 năm trước.

Việc dạy người được các nhà trường coi trọng song song với việc dạy chữ. Ngoài nội dung giáo dục đạo đức theo quy định chung, Hà Nội đã biên soạn và tổ chức giảng dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh” và “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh Hà Nội”.

Tuy nhiên, công tác giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh vẫn chưa được triển khai đồng đều; việc kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành chưa được như mong muốn.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục Thủ đô giai đoạn 2016-2020, là quy hoạch mạng lưới trường, lớp. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng mới và cải tạo cơ sở vật chất trường, lớp học.

Cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có thêm 261 trường học được xây mới, 841 trường học được cải tạo với tổng kinh phí hơn 14.000 tỷ đồng và cấp trung học phổ thông có 4 trường được xây mới, 89 trường được cải tạo với tổng kinh phí 740 tỷ đồng.

Đến nay, mạng lưới trường, lớp học ở Thủ đô đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh. Để khắc phục tình trạng thiếu trường học, lớp học và giảm sĩ số học sinh/lớp ở các trường khu vực nội thành, Hà Nội đang tích cực triển khai Đề án “Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Không những vậy, Hà Nội còn nỗ lực tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh bằng việc đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nhằm tạo ra những “sản phẩm” đạt chuẩn về cả đức và tài.

Toàn thành phố hiện có gần 70% số trường học đạt chuẩn, tăng 17% so với thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình 04-CTr/TU. Đáng chú ý, một số đơn vị có số trường đạt chuẩn quốc gia trên 80% như các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên, Đan Phượng, Gia Lâm.

Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, không chỉ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực ngoại thành, làm giảm sự chênh lệch về điều kiện và chất lượng giáo dục, trình độ dân trí giữa các địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.