Những chuyến đi bổ ích
Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ sắp tốt nghiệp sẽ có dịp cọ xát, học tập nhiều kinh nghiệm bổ ích từ các trường ĐH tiên tiến khu vực Đông Nam Á nếu có trình độ tiếng Anh tốt và học lực giỏi.
Vào tháng 6/2016, nhóm sinh viên đầu tiên trải nghiệm học tập ngắn hạn ở nước ngoài từ học bổng khuyến khích ĐH Cần Thơ đã có chuyến trải nghiệm thú vị tại Trường ĐH Srinakharinwirot (Thái Lan). Đây là bước hợp tác ghi nhận mối quan hệ tốt đẹp của Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Srinakharinwirot.
Khi nhận được lời mời từ GS Nason Phonphok - Giám đốc Trung tâm Khoa học Giáo dục Trường ĐH Srinakharinwirot, Trường ĐH Cần Thơ đã cử 1 giảng viên và 6 sinh viên thuộc khoa Sư phạm (ngành Sư phạm Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Giáo dục Tiểu học) tham gia Chương trình Thực tập giữa Trung tâm Khoa học Giáo dục của Trường ĐH Srinakharinwirot và khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ.
Đây là chương trình trao đổi sinh viên đầu tiên giữa khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ với một Trường ĐH tại Thái Lan. Đoàn Việt Nam được Trường ĐH Cần Thơ trao học bổng khuyến khích sinh viên học tập ngắn hạn ở nước ngoài và Trường ĐH Srinakharinwirot hỗ trợ chi phí, đi lại, ăn và ở trong suốt quá trình hoạt động của đoàn ở nước bạn…
Chương trình trao đổi sinh viên, thực tập chỉ kéo dài 11 ngày (từ 6 - 17/6/2016), nhưng đối với nhiều giảng viên, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, đây là chuyến đi bổ ích và họ học hỏi được nhiều điều thú vị.
Trong quá trình làm việc, hai bên cùng trao đổi và trình bày những thông tin có liên quan về văn hóa và giáo dục của hai nước. Bên cạnh việc trao đổi phương pháp giảng dạy, mục tiêu của chuyến đi còn nhằm khám phá văn hóa, con người, và tận hưởng những vẻ đẹp của đất nước Thái Lan, đồng thời xây dựng mối quan hệ hợp tác mới giữa hai khoa.
Theo giảng viên dẫn đoàn Huỳnh Thị Thúy Diễm - Bộ môn Sinh học (Khoa Sư phạm), các hoạt động trải nghiệm trên đất nước Thái Lan đã giúp sinh viên khoa Sư phạm ĐH Cần Thơ nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và học cách làm việc với các đối tượng khác nhau ở những quốc gia khác nhau; Được tìm hiểu cách dạy cho học sinh khác nền văn hóa và ngôn ngữ; Học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm, cũng như những ưu điểm và nhược điểm của hệ thống giáo dục hai nước; Mở rộng hiểu biết về ảnh hưởng của văn hóa đến hệ thống giáo dục nói chung và kinh nghiệm giảng dạy qua hoạt động thực tập giảng dạy trực tiếp tại một số trường phổ thông của Thái Lan như Changkum và Nayao…
Cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo
Với sự nỗ lực của các thành viên trong đoàn, các hoạt động giao lưu, trải nghiệm được phía trường bạn đánh giá cao. Trong quá trình làm việc, bên cạnh việc cùng nhau chia sẻ những thông tin về giáo dục và phương pháp giảng dạy của hai nước, đoàn sinh viên Trường ĐH Cần Thơ còn có cơ hội được khám phá văn hóa, con người của đất nước Thái Lan. Từ đó thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác giữa cán bộ và sinh viên hai trường.
Giảng viên phụ trách đoàn Huỳnh Thị Thúy Diễm nói: Kết quả làm việc 11 ngày của đoàn được đúc kết qua chia sẻ của cô Ying (Trường ĐH Srinakharinwirot).
Theo đó, cô Ying bày tỏ lòng tin tưởng qua sự làm việc chăm chỉ hết mình và năng nổ của giảng viên, sinh viên trong suốt thời gian tham gia chương trình.
“Đó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp và kỹ năng sống của từng cá nhân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến học sinh và giáo viên sở tại.
Sinh viên Thái Lan và sinh viên Việt Nam đã truyền được niềm cảm hứng và giúp cho tất cả các giáo viên và học sinh nhận ra rằng tất cả chúng ta là một thành viên của Cộng đồng ASEAN…”.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nở - Trưởng khoa Sư phạm, Khoa Sư phạm đã, đang và tiếp tục xây dựng, phát triển các chương trình, dự án hợp tác với các trường và tổ chức quốc tế nhằm tăng cường sự hiểu biết, trao đổi kiến thức trong lĩnh vực khoa học giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và nghiên cứu khoa học; Nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học là kế hoạch chiến lược của khoa, trong đó, hợp tác quốc tế của khoa được thực hiện bằng các hình thức: Trao đổi giảng viên, sinh viên; Giảng dạy và hướng dẫn sau đại học; Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; Hợp tác nghiên cứu, công bố các công trình nghiên cứu trong kỉ yếu hội thảo khoa học và tạp chí quốc tế…
Đặc biệt, để đẩy mạnh hợp tác, giao lưu quốc tế trong thời kì hội nhập, từ năm 2016, Trường ĐH Cần Thơ có chủ trương cấp học bổng khuyến khích để hỗ trợ sinh viên đi tham gia hội thảo, diễn đàn quốc tế, nhất là trong khối ASEAN.
Khoa Sư phạm đang thực hiện chủ trương này bằng cách hàng năm tuyển chọn SV năm thứ ba, có trình độ tiếng Anh và học lực giỏi đi học tập, giao lưu với các trường ĐH trong khu vực Đông Nam Á. Chương trình này đã được khởi động, cụ thể là đầu tháng 6/2016 và kết quả thu được rất khả quan…