“Con trai à, trung thu này anh em thích quà gì nào?”. Tiếng im lặng khá lâu từ đầu bên kia “nhưng ba mẹ có về không ạ?”, Lan như rớt vào thinh không khi con không háo hức quà mà hỏi lại cô câu đó. Hôm nay đã là ngày bao nhiêu, cô có hoàn thành sớm công việc không khi lịch công tác đang dày kín và chồng cô, anh đang ở đâu đó trên những công trình!
Con ước gì ba mẹ dắt con đi chọn đèn ông sao.
Công việc lấy đi của cô ngày 12 tiếng, do vậy cơm nước ở nhà phó thác cho bà giúp việc. Sáng mẹ đi làm khi con ngủ chưa dậy, tối mẹ về có đứa đã ngủ say. Ăn vội miếng gì qua loa, hỏi thằng cu đầu bài vở học chưa rồi cô cũng chìm vào giấc ngủ. Sự mệt mỏi và áp lực công việc khiến cô không kịp nhắn tin cho chồng, rằng anh đang ở đâu.
Cuộc sống nghèo khổ từ nhỏ nên Lan nuôi tham vọng con cái mình phải được đầy đủ. Vợ chồng cô tất tả với những dự án, đống hồ sơ chỉ mong sao, xây được nhà lầu, mua được xe hơi, con cái được học ở những trường tốt nhất.
Mơ ước ấy đã trở thành hiện thực, nhưng những dự tính con cái đi du học, mua đất đai khi chúng trưởng thành lại tiếp tục cuốn họ theo những dự định mới, công việc mới. Hiếm khi cả nhà Lan có một ngày trọn vẹn bên nhau, không chồng thì cô vẫn họp đột xuất hay công tác trong các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, có khi là lễ lượt.
Để bù đắp cho 2 con trai, Lan sắm cho chúng những bộ quần áo đẹp, đắt tiền. Chồng cô thì mang về những chiếc máy bay điều khiển từ xa. Ăn uống cô dặn bà giúp việc thỏa sức mua những gì các cháu thích. Cứ ngỡ rằng, ba mẹ đã làm tròn trách nhiệm trong mắt các con, Lan nào ngờ vợ chồng cô đã thật sự chẳng biết gì.
Thằng con lên sáu vẫn thường đợi mẹ trước cổng cho đến khi hai mắt trĩu nặng vì buồn ngủ. Nó hay lấy cớ dậy uống sữa ban đêm để được mẹ bế lên một chút. Đến bữa ăn nó hay quấy vì “chỉ thích mẹ đút cơ” trong khi cô lại gắt gỏng, hối thúc để không bị lỡ hẹn với khách hàng.
Thằng anh được khen là chững chạc hơn khi lặng lẽ ngồi vào bàn học, biết rửa bát, nấu cơm, chơi với em khi ba mẹ chưa về. Nó thích viết nhật ký, nhưng vì quyền riêng tư, cô chưa một lần mở ra xem để biết trong đó chi chit những dòng chữ nắn nót “ ngày, tháng… ba, mẹ ơi….”.
Gia đình mình sẽ về thăm ông bà ba mẹ nhỉ.
Và rồi một ngày cô chủ nhiệm điện thoại báo sức học con giảm sút, đến lớp không tập trung, Lan như muốn trút hết áp lực công việc lên đầu thằng anh lớn. Giọng cô sa sả qua điện thoại “ba mẹ đã cho con học thêm đủ nơi, đi nghỉ dưỡng hết chỗ này chỗ nọ, ăn uống không thiếu thứ gì… vậy mà lại học hành thế hả". Cô cúp máy, điện thoại cho chồng, bên đầu dây kia cũng đang giãy nảy “đúng là con với cái”.
Tối hôm đó, nhà cô sáng đèn muộn hơn, hết chồng lại đến cô thi nhau rao giảng “chúng mày sướng quá mà không biết hưởng…. thời ba mẹ….chỉ có học và học thật giỏi thì mới mở mày mở mặt với thiên hạ con ạ”. Chẳng biết con lĩnh hội được chừng nào, nhưng vợ chồng Lan đã hả giận và nghĩ như thể “mai nó sẽ hiểu và lại đứng top đầu”.
Thật không ngờ, chiều mai con cô không đến lớp, nó cũng chẳng ở nhà, Lan cuống cuồng tìm con theo từng cuộc điện thoại. Thì ra, nó về nhà ngoại, Lan thở phào nhẹ nhõm nhưng ngầm báo “tối về kiểu gì cũng được một trận”.
Mẹ Lan đón cô ở ngay trước cửa cơ quan, không đợi cô hết ngạc nhiên thì bà đã nói “chúng mày ham tiền vừa thôi, tiền để làm gì khi con cái thèm một bữa ăn gia đình do chính tay mẹ nấu, được ba đưa đi công viên chứ không phải bác xe ôm cuối hẻm, được mẹ ngồi học cùng chứ không phải chị sinh viên được thuê đến giám sát hàng đêm…”. Lan đã khóc suốt cả chặng đường về nhà khi lời mẹ cô vẫn còn vang vọng “bớt việc mà thêm thời gian cho con cái đi con ạ”. Nhìn 2 thằng con ôm nhau ngủ, cô ước gì ngày mai mình đừng đi công tác.
Đan xen những tạp âm thị thành, đâu đó đã vang vọng tiếng trống tiếng xèng múa lân. Mấy đứa con nít đã rục rịch đòi xem múa lân, ông địa, đồ chơi. Con cô không thích quà, cũng chẳng màng mấy thứ đó, nó chỉ hỏi ba mẹ có về kịp để đưa chúng đi chơi thôi. “Giản đơn thế thôi mà sao vợ chồng cô không đáp ứng được”, Lan tự hỏi lòng mình và rồi cô bấm điện thoại “anh à, e đã xin nghỉ phép một tuần. Anh cũng thế nhé. Trung thu này mình về với con thôi”.