Chiêu 1: Chúc mừng là phải "chúc nhiệt tình"
Ai cũng biết ngày 8/3 là ngày dành riêng cho chị em phụ nữ, thế nên đây là cơ hội để các cậu học trò tận dụng trong lớp “thể hiện tình cảm” với cô giáo và các bạn nữ bằng những lời chúc dễ thương nhất.
Lớp có 45 bạn, đại diện lớp, đại diện tổ, đại diện bàn và rồi từng bạn lên chúc... Tất nhiên trước tình cảm như vậy, cô giáo sẽ đón nhận trong hạnh phúc, vui vẻ dù biết ""lũ học trò tinh nghịch đang câu giờ".
Linh Trang (Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình) kể: “Lớp chuyên Văn của mình có “ba chàng lính ngự lâm” thôi nên ngày 8/3 tất cả ba người đều phải đứng lên chúc mừng cô với con gái.
Năm ngoái 3 bạn ấy còn bàn nhau mỗi người chúc 2 câu ghép lại thành một bài thơ vui tặng cô nữa cơ. Hết con trai, từng bạn gái lớp mình lên chúc cô. Chúc mừng cô là phải chúc thật nhiệt tình".
Chiêu 2: Văn nghệ
Với những ngày đặc biệt như này thì các tiết mục “văn nghệ văn gừng” trở nên không thể thiếu. Theo không ít thế hệ học trò, thì ca khúc tốp ca “kinh điển” nhất trong dịp này để tặng cô giáo là “Mùng 8-3, em ra thăm vườn...”.
Đặc biệt việc hát hò không chỉ khiến không khí lớp học thêm sôi động, được trình bày các bài hát tủ, mà còn giúp cho teen nhà ta có thể câu giờ đến bao nhiêu tùy thích, bởi chẳng cô giáo nào nỡ cắt ngang khi một giọng ca đang thể hiện và rất nhiều giọng ca khác đang…chờ được thể hiện cả!
Còn nếu là giờ của thầy giáo thì cũng không ít “chiêu trò” để lấn giờ được áp dụng. Các thầy giáo đều rất tâm lý chúc mừng các bạn nữ khi mới vào lớp, chỉ cần “ngoan ngoãn dễ thương” kèm vài lời khởi xướng, rất có thể thầy sẽ cùng các bạn nam hát tặng “chị em nhà mình” một bài rồi!
Tuy nhiên, teen cũng nên lưu ý khi hát hò đừng để lấn giờ nhiều quá cũng như ảnh hưởng đến các lớp khác nhé!
Chiêu 3: Tặng hoa
Hoa là món quà không thể thiếu vào những ngày tôn vinh phụ nữ như này, các bạn nam thường chủ động mua hoa hồng để tặng cô giáo và một nửa còn lại trong lớp.
Nhân vật được chọn đại diện cho “phái mạnh” ôm hoa lên tặng cô thường là những anh chàng nổi bật, có tài ăn nói và “ngoại hình sáng sân khấu” để sau khi tặng hoa còn…chụp ảnh cùng cô.
Ngọc Anh (Trường THPT Việt Đức, Hà Nội) kể: “Cô chủ nhiệm của bọn mình rất xì tin nhé, khi mang hoa tặng cô cô đồng ý để “ban kĩ thuật” chụp ảnh. Thậm chí chụp xong cô còn đòi cho xem lại nếu bị xấu là phải chụp lại cơ”.
Trước “một bông hồng em dành tặng cô”, các cô giáo không khó khăn gì để “tha” cho việc kiểm tra bài cũ, còn con gái trong lớp cũng thêm yêu mến hơn trước sự lãng mạn của các chàng trai, không khí lớp tất nhiên “chứa chan niềm tin yêu vô bờ!”.
Chiêu 4: "1001 câu chuyện kể mãi không hết"
Kèm theo những màn văn nghệ, tặng hoa thì việc tâm sự, gợi chuyện cũng được học trò áp dụng triệt để trong ngày 8/3 để kéo dài thời gian chơi.
Nhiều học sinh còn hài hước ví 8/3 là ngày "1001 câu chuyện kể mãi không hết". Điều đặc biệt là “chiêu trò” này có thể áp dụng được với cả cô giáo và thầy giáo.
Đầu tiên là con trai chúc mừng cô giáo hoặc con gái nhận lời chúc của thầy giáo, sau đó những “chiếc miệng xinh xinh” sẽ phát huy tác dụng khi gợi hỏi chuyện từ “Ông xã nhà cô tặng hoa chưa ạ?”, “Thầy mua quà cho vợ chưa, có cần chúng em tư vấn không ạ?” đến “Mùng 8-3 năm ngoái của cô/thầy có kỉ niệm gì không?”, từ chuyện trong nhà đến chuyện trong lớp … được mang ra kể.
Với bầu không khí ấy, các thầy cô cũng ít nhiều phải trả lời đủ thứ câu hỏi của học trò, còn với học sinh thì hiển nhiên được ngồi nghe chuyện thích hơn là…nghe giảng rồi!
Kết luận
Dù nổi tiếng là tuổi "nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò", nhưng mọi chiêu trò của các teen đều bị thầy cô tường tận biết rõ. Tuy nhiên, với một ngày dành tặng một nửa của thế giới thì chắc hẳn các thầy cô sẽ "làm ngơ" cùng chung vui với cả lớp. Nhưng các bạn cũng đừng "câu giờ" quá nhiều mà ảnh hưởng đến chất lượng học hành nhé!