Đó là dòng trạng thái “đi tìm người cần hỗ trợ” của nhóm các bạn sinh viên người dân tộc bị mắc kẹt ở Hà Nội giữa cơn cuồng phong “đại dịch”.
Những “tấm lá rách” giữa đại dịch
Tòng Văn Thiện (SN 2001), quê ở Chiềng Mung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) theo học tại Trường Trung Cấp Kinh tế, Kỹ thuật, Thương Mại tại Hà Nội. Vừa xuống trường nhập học từ tháng 7 vừa qua, cũng là lúc dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp. Cuộc sống của cậu sinh viên trẻ gặp không ít khó khăn.
“Nhà em chỉ làm nông, bố mẹ chắt bóp mỗi tháng gửi cho em vài triệu đủ lo tiền học và ăn ở dưới này. Từ khi dịch bệnh, gia đình càng khó khăn, nên khoản tiền trên cũng cắt luôn. Em phải xin đi làm bưng bê tại quán trà chanh để có tiền sinh hoạt. Ai ngờ chưa được bao lâu thì Hà Nội giãn cách, thành ra em bị mắc kẹt ở đây” – Thiện tâm sự.
Không thể về nhà, giữa phố thị phồn hoa không có tiền sinh hoạt đúng là “cú sốc” với cậu thanh niên người dân tộc mới “xuống núi”. Xoay đủ cách để lo bữa ăn từng ngày, trong hoàn cảnh không người quen biết, dịch bệnh di chuyển hạn chế, khó khăn nhiều lúc khiến chàng trai trẻ “kiệt sức”.
Thiện kể: “Trong thời gian giãn cách, em bị sốt li bì, không ai chăm sóc nên phải tự mình gượng dậy. Trong túi không còn đồng nào, phải đi vay khắp xóm trọ được một ít tiền để mua thuốc uống. Nhiều ngày liên tiếp em phải ăn mì tôm đến nóng ruột, rồi phải đi vay, đi xin cơm của các đoàn từ thiện. Nghĩ cực lắm!”.
Dẫu vậy, vì lời phát động “Ai ở đâu ở yên đó” của Chính phủ, Thiện vẫn gắng gượng vượt qua giai đoạn khó khăn. Có những lần “chông chênh” em đã nghĩ đến việc “Hay là tìm cách trốn về nhà?”.
Lò Văn Hinh ở Điện Biên xuống Hà Nội vừa học vừa làm thuê trong một cơ sở làm đẹp. Từ khi dịch diễn biến phức tạp, Hinh mất việc. Nhưng may mắn hơn, em vẫn được chỗ làm hỗ trợ 30% lương (khoảng gần 2 triệu đồng/tháng), đủ để lo tiền ăn hàng ngày.
“Trong xóm trọ em ở, có nhiều sinh viên và lao động ở các tỉnh Tây Bắc bị mắc kẹt như vậy. Mỗi người một cảnh éo le khác nhau. Hầu như ai cũng muốn về quê, nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, chúng em đều ở lại” – Hinh trải lòng.
Vì “ấm bụng” hơn một chút, nên Hinh đã tham gia trong nhiều nhóm thiện nguyện khác nhau. Nhiệm vụ của em chủ yếu là đi phát cơm, đồ dùng thiết yếu cho các hoàn cảnh khó khăn khắp Hà Nội. Chính từ những lần như vậy, Hinh đã gặp và không thể cầm lòng trước những mảnh đời xa quê, lang thang “mắc kẹt” ở đây.
“Lần nào đi phát cơm em cũng gặp các nhóm lao động tự do mất việc. Họ đi thành từng tốp 2, 3 người hoặc nhiều hơn. Mỗi người chỉ mang theo 1 ba lô, hoặc túi bằng bạt dứa, bên trong đựng vài bộ quần áo cũ rích, gặp gì ăn nấy, bạ đâu ngủ đó. Thương lắm!” – Hinh bộc bạch.
Chiến dịch “cầu nối” những tấm lòng
“Ai có người nhà đang mắc kẹt ở Hà Nội thì hãy liên lạc với mình để nhận hỗ trợ nhé!” – Dòng trạng thái, kèm theo thông tin, số điện thoại cá nhân để liên hệ, được đăng tải trên khắp các nhóm chợ của một số tỉnh miền núi thời gian qua đã gây sự chú ý của cộng đồng mạng địa phương.
Không phải bán hàng, bóc phốt, dòng thông tin “đi tìm người cần hỗ trợ” của chính những thanh niên đang bị “mắc kẹt” tại Hà Nội, khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng giữa cơn cuồng phong “đại dịch”.
“Bọn em cũng mắc kẹt, cũng khổ nên rất hiểu. Nhưng bọn em có sự giúp đỡ của mọi người nên ổn hơn. Giờ chúng em lại nghĩ đến những đồng hương khác ở đây. Và chiến dịch trở thành cầu nối của những tấm lòng ra đời từ đó” – Lò Văn Hinh, một trong những bạn trẻ là chủ nhân của dòng thông tin “đi tìm người cần hỗ trợ” cho hay.
Hinh kể: “Sau nhiều lần đi phát cơm từ thiện khắp các địa bàn Hà Nội, chúng em nhận ra có rất nhiều hoàn cảnh người lao động mất việc bị “mắc kẹt” cần sự giúp đỡ. Song không phải ai cũng có điều kiện lên mạng xã hội để đăng thông tin nhờ giúp đỡ”.
Đó là lý do Hinh, Thiện, Phúc (Sơn La)… lên ý tưởng đăng thông tin lên các nhóm ở Điện Biên, Sơn La… - nơi có nhiều lao động lang thang ở Hà Nội, để ai có người thân gặp hoàn cảnh tương tự biết và liên hệ nhận hỗ trợ.
Bản thân phải lo ăn từng bữa, nhưng khi chứng kiến hoàn cảnh éo le hơn của những đồng hương, các thanh niên miền núi giàu lòng trắc ẩn đã kết nối với nhau thành một chuỗi các nhóm từ thiện nhỏ. Sau đó các em kêu gọi, vận động tài trợ từ nhiều tổ chức và cá nhân từ thiện lớn hơn.
“Chúng em xác định không chỉ là giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, mà chúng em sẽ tìm kiếm những hoàn cảnh lao động tự do mất việc từ các tỉnh Điện Biên, Sơn La… bị mắc kẹt ở đây để kết nối hỗ trợ họ trong lúc cùng cực nhất” - Tòng Vũ Tùng, trưởng một nhóm từ thiện hoạt động tại khu vực Long Biên cho hay.
Các tình nguyện viên sẽ chia thành những nhóm nhỏ, phân chia công việc và khu vực để tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ. Một tuần, đều đặn thứ 2 và thứ 6, các em tổ chức tự nấu ăn rồi phát cơm miễn phí. Những ngày còn lại, tình nguyện viên sẽ thực hiện nhiệm vụ phát nhu yếu phẩm, bao gồm: Bánh mì, sữa, nước lọc, mì tôm, gạo… Thành viên nhóm đồng thời tìm kiếm thêm các hoàn cảnh khác để tiếp tục kết nối hỗ trợ.
Vì là các nhóm nhỏ, trong điều kiện dịch bệnh không tập trung được nhiều nhân lực, nên trung bình mỗi lần nhóm chỉ nấu và tổ chức phát từ 100 - 150 phần cơm. Cũng không có hoàn cảnh nào cố định, mà tình nguyện viên sẽ đi khắp các khu vực nội thành để phát cho tất cả những người khó khăn gặp được.
Hinh cho biết: Để có thể đi lại hoạt động từ thiện mỗi ngày, các nhóm đều liên hệ với chính quyển địa phương sở tại, xin giấy đi đường. Đồng thời, bản thân mỗi người cũng tự ý thức trang bị đồ bảo hộ bảo vệ bản thân, cũng như hạn chế tối đa nguy cơ trở thành nguồn lây bệnh cho cộng đồng.
“Trong quá trình hoạt động nhiều khó khăn lắm và cũng còn rất nhiều hoàn cảnh éo le cần giúp đỡ. Mỗi lần nhìn người nhận được quà cúi đầu cảm ơn, hoặc ăn hết phần cơm được phát, bọn em lại có thêm động lực. Bọn em cần thêm những tấm lòng sẵn sàng sẻ chia, để cùng nhau vượt qua đại dịch” – Tòng Văn Thiện bộc bạch.