Những cha nuôi quân hàm xanh ở vùng đất 'chín rồng'

GD&TĐ -  Bộ đội Biên phòng An Giang đã giúp nhiều trẻ nghèo thay đổi số phận.

Trung úy Chau Kum Sinl hướng dẫn Chương học bài.
Trung úy Chau Kum Sinl hướng dẫn Chương học bài.

Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” và Chương trình “Nâng bước em tới trường” của bộ đội Biên phòng An Giang triển khai đã giúp nhiều trẻ nghèo thay đổi số phận, được ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường.

Đặc biệt, nhờ sự quan tâm, kèm cặp của những người lính quân hàm xanh mà qua mỗi năm học, kết quả học tập, rèn luyện của từng em tiến bộ rõ rệt.

Quả ngọt từ mầm xanh

Trước khi được Đồn Biên phòng Lạc Quới nhận nuôi, em Nguyễn Văn Duy Chương có hoàn cảnh rất đáng thương. Mất bố mẹ khi chưa đầy 1 tuổi, từ nhỏ Chương sống với bà ngoại. Thế nhưng, bà ngoại tuổi đã cao, cuộc sống lại khó khăn, không còn khả năng lao động nên không thể chăm lo cho Chương như những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Khi về sống với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cuộc sống của đứa trẻ tội nghiệp này đã bước sang một trang mới.

Chương là một đứa trẻ có tố chất thông minh, ham học, thế nên khi được sự quan tâm, hướng dẫn của những người bố nuôi Biên phòng, thành tích học tập của em đã không ngừng tiến bộ.

Năm học 2021 - 2022, Chương đã mang tấm Giấy khen hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và rèn luyện của Trường Tiểu học Lạc Quới (xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) trao tặng về khoe với các bố nuôi.

Trung úy Chau Kum Sinl, cán bộ được giao trực tiếp phụ trách chăm lo cho Chương, chia sẻ: “Trước khi được đơn vị nhận nuôi, Chương chỉ là một học sinh có học lực trung bình. Thế nhưng, sau quãng thời gian về sống tại ngôi nhà mới, anh em đơn vị thay nhau kèm cặp, cháu có thành tích học tập ngày một tiến bộ. Giờ đây, Chương không còn là một cậu bé rụt rè, nhút nhát như trước, mà đã có sự thay đổi rõ rệt cả về thể chất, tinh thần lẫn học tập. Trong lớp 4A, Trường Tiểu học Lạc Quới, học lực của Chương đứng vào tốp khá của lớp”.

Tương tự, em Nguyễn Thị Kim Ngân (học sinh lớp 9A2, Trường THCS Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) từ khi được Đồn Biên phòng Phú Hữu nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, cũng liên tục đạt danh hiệu học sinh xuất sắc dẫn đầu các khối lớp và toàn trường.

Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình Kim Ngân, có đến hơn 30 danh hiệu, giấy khen, bằng khen của em được treo trang trọng, ngăn nắp 2 bên vách tường. Kim Ngân thổ lộ: “Cuộc sống khó khăn, trước đây em từng nghĩ đến việc bỏ học để cho gia đình bớt cực. May nhờ các chú bộ đội Biên phòng đỡ đầu, em có thể chuyên tâm vào học tập, thực hiện ước mơ trở thành cô giáo để sau này trở về truyền đạt kiến thức cho những em nhỏ tại quê hương mình”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Hữu, cho biết: “Hiện tại, đơn vị đang nhận đỡ đầu 6 em học sinh nghèo vượt khó và nuôi dưỡng 1 em có hoàn cảnh khó khăn. Trước khi đỡ đầu các em, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình trên địa bàn để tiến hành khảo sát, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng, lựa chọn học sinh nhận đỡ đầu đúng đối tượng. Từ đó, đơn vị sẽ cử cán bộ kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục để các em tiến bộ, trưởng thành”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Phú Hữu cùng chính quyền địa phương tặng quà cho con nuôi của đơn vị.

Cán bộ Đồn Biên phòng Phú Hữu cùng chính quyền địa phương tặng quà cho con nuôi của đơn vị.

Nâng bước em đến trường

Cùng với việc nhận nuôi học sinh nghèo, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trên tuyến biên giới An Giang còn tuyên truyền, vận động những học sinh bỏ học quay trở lại trường.

Điển hình như trường hợp gia đình em Kiều Thị Kim Huyền (sinh năm 2008, học sinh lớp 8A, Trường THCS Phú Hội). Ba của Huyền bệnh tật mất sớm, gia đình nghèo, không có đất canh tác, nhà cửa tạm bợ, dột nát. Mẹ em làm nghề buôn bán nhỏ, thường xuyên đau yếu. Những năm qua việc nhà Huyền đều đảm đương.

Huyền chia sẻ: “Có hôm mẹ bị bệnh không làm gì được, em phải nghỉ học ở nhà chăm sóc mẹ. Những lần đó hết gạo, em đi mượn bà con lối xóm để nấu cháo cho mẹ. Năm học 2019 - 2020 em quyết định nghỉ học cho mẹ đỡ khổ. Biết được tin, thầy, cô giáo Trường THCS Phú Hội và các chú bộ đội ở Đồn Biên phòng Phú Hội đã đến động viên, phân tích lợi ích của việc học tập, tác hại của việc bỏ học, nên em tiếp tục trở lại trường.

Cũng từ đó, em được các chú Biên phòng nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” với mức hỗ trợ mỗi tháng 500 nghìn đồng, nhờ vậy mẹ đã vơi bớt nỗi lo lắng việc đến trường của em”.

Được biết trong năm học mới 2022 - 2023, trên các địa bàn biên giới tỉnh An Giang, các đồn Biên phòng thuộc bộ đội Biên phòng An Giang có những hoạt động, chương trình cách làm riêng tiếp sức cho học sinh đến trường. Điển hình như Đồn Biên phòng Nhơn Hội đến tận nhà, tặng quà cho học sinh do đơn vị đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Mỗi phần quà do cán bộ, chiến sĩ đơn vị tự tay chuẩn bị, bao gồm sách vở, cặp, quần áo, đồ dùng học tập. Đồn Biên phòng Phú Hữu phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hữu vận động các nhà hảo tâm trao tặng 300 phần quà cho học sinh nghèo học giỏi, tổng kinh phí quà tặng khoảng 90 triệu đồng...

Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy bộ đội Biên phòng An Giang, cho biết: “Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng An Giang, lãnh đạo các phòng, văn phòng và đơn vị cơ sở đã hỗ trợ cho 62 em theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, trong đó có 11 em mồ côi cha hoặc mẹ, 10 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bên cạnh đó, đơn vị còn nhận nuôi 5 học sinh theo mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”.

Ngoài ra, các đơn vị căn cứ vào tình hình đơn vị, địa phương, mối quan hệ công tác để vận động kinh phí thực hiện chương trình, trao quà cho các em vào dịp lễ, tết, khai giảng năm học mới hay tổng kết năm học, tiếp thêm động lực giúp các em đến trường và vươn lên trong học tập”.

Ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú, cho biết: “Nhờ sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, nhiều trẻ em nghèo trên địa bàn biên giới huyện được tiếp tục đến trường. Tấm lòng của các anh bộ đội đã giúp địa phương bớt những hoàn cảnh khó khăn. Sự chung tay, góp sức đó đã góp phần vun đắp tình đoàn kết quân - dân ngày càng thêm bền chặt”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.