Những câu chuyện vượt lên nghịch cảnh

Đó là chuyện của những tân sinh viên vượt qua nghịch cảnh để vươn lên học giỏi. Các bạn vừa vất vả với cái ăn, vừa miệt mài đèn sách để rồi đỗ đại học lại canh cánh một nỗi lo...

Những câu chuyện vượt lên nghịch cảnh
Nguyễn Thị Hải Lý chăm bón vườn. Ảnh: Lam Giang

Nguyễn Thị Hải Lý chăm bón vườn. Ảnh: Lam Giang

Trong căn nhà nhỏ ở thôn 15 (xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình) bây giờ chỉ còn lại một mình Nguyễn Thị Hải Lý. Nỗi buồn mất mẹ cộng với nỗi lo ngày nhập học vào ĐH Quảng Bình đang đến gần khiến Lý gầy rộc hẳn đi.

Ba tuần trước, chị Nguyễn Thị Thuyền - Mẹ Lý - khi dắt xe đạp từ nhà ra đường đi nhặt ve chai thì lên cơn động kinh, ngã đập đầu xuống đường, chấn thương sọ não rồi mất.

Thấy mẹ vất vả quá nên từ lâu Lý đã đi tìm việc làm đỡ đần thêm cho mẹ. Từ năm học lớp 11, em làm tại quán bán ốc Dì Thái ở phường Bắc Lý, cách nhà khoảng 4 km. Công việc là rửa chén bát, bắt đầu làm từ lúc 16 - 23 giờ hằng ngày hoặc làm đến khi nào hết khách mới nghỉ.

Khuôn mặt tuổi 18 của Lý chứa đầy nỗi buồn thăm thẳm. “Tối hôm trước ngày mẹ mất, mẹ còn nhắc lại với em một lần nữa là ước nguyện duy nhất trong đời mẹ là được chộ (thấy - PV) em cầm giấy báo thi đậu vô đại học về khoe với mẹ và bà con chòm xóm. Mẹ đã có ước nguyện như rứa nên bằng mọi cách em sẽ phải kiếm tiền để vào học đại học...”.

“Em tính sau khi làm xong lễ 49 ngày mất cho mẹ sẽ quay lại quán Dì Thái hỏi xem có cần người rửa chén bát nữa không. Nếu họ không cần nữa thì trước mắt em theo nghề của mẹ đi lượm ve chai, chiếc xe đạp của mẹ vẫn còn đi được. Em sẽ trồng thêm nhiều sả trong vườn nhà để bán cho các quán ốc, cũng kiếm được chút ít.

Trước ngày mẹ mất, Hội Chữ thập đỏ xã Lộc Ninh cũng có giúp mẹ một đàn gà giống, em sẽ nuôi gà đẻ trứng...” - Hải Lý nói về kế hoạch sắp tới.

Phan Công Thành phụ nấu với mẹ. Ảnh: Lam Giang

Phan Công Thành phụ nấu với mẹ. Ảnh: Lam Giang

Những ngày qua nhiều người bán hàng ăn uống trên đường Quang Trung (TP Đồng Hới, Quảng Bình) rất vui mừng và thán phục khi nghe tin Phan Công Thành thi đỗ vào hai trường đại học là Ngoại ngữ và Kinh tế Đà Nẵng. Không chỉ thi đỗ mà Thành còn là thủ khoa Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng với tổng số 23,75 điểm.

Căn nhà số 16 là quán ăn mà mẹ con Thành đang ở thuê cùng với ông bà ngoại để bán hàng... Đến nay đã 21 năm, cả đại gia đình sống nhờ vào quán bún Huế này. 

Từ năm học THCS đến nay, sau giờ lên lớp ở Trường THPT chuyên Quảng Bình thì hầu hết thời gian ở nhà Thành đều dành cho việc bưng bê chén bát, dọn bàn, rửa tô và phục vụ khách hàng cùng với mẹ.

Nhà khó nên suốt ba năm học qua Thành không đi học thêm như các bạn cùng lớp. Mẹ Thành ngậm ngùi: “Thương xót con lắm nhưng đành bấm bụng chịu. Lo nhất là sắp tới tui chỉ cho cháu được khoản tiền nhập trường ban đầu, còn sau nữa chưa biết làm chi...”.

Thành vừa dọn chén bát ra bàn vừa nghĩ ngợi, rồi quả quyết: “Em sẽ vừa học vừa đi làm gia sư hoặc tìm cách kiếm tiền bằng các công việc khác trong đó. Dù vất vả đến mấy em cũng cố gắng học xong đại học cho mẹ mừng”.

Trần Văn Cường tranh thủ gặt lúa phụ gia đình. Ảnh: Tiến Thắng

Trần Văn Cường tranh thủ gặt lúa phụ gia đình. Ảnh: Tiến Thắng

Làm thủ tục nhập học ĐH Y Hà Nội hôm 22/8 xong, Trần Văn Cường (lớp 12A1 Trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) - Thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM (28,5 điểm) và á khoa ĐH Y Hà Nội (29 điểm) - vội vàng đón xe về nhà để chuẩn bị vào mùa gặt lúa cùng mẹ.

Ngày nhập học ĐH Bách khoa TPHCM càng đến gần, Cường càng bất an. Suốt một ngày vắt óc suy nghĩ, đấu tranh,

Cường bảo: “Em vẫn chưa thể quyết định học trường nào. Ra Hà Nội các anh chị khóa trên nói học chương trình của trường Y nặng mà 10 năm mới được làm bác sĩ. Còn nếu học Bách khoa, 10 năm em đã ra trường và có thể đi làm kiếm tiền nuôi bố mẹ rồi. Nhưng cả cuộc đời, bác sĩ mới là niềm mơ ước của em...”.

Nhà Cường nghèo. Năm Cường lên 10, bố bị đau tim đi viện triền miên. Về nhà được ít hôm thì sinh bệnh thần kinh, mất khả năng lao động. Mẹ Cường không biết chữ, năm tháng quanh quẩn từ nhà ra đồng nên chỉ có thể nuôi con bằng hạt gạo tự trồng với xơ mít muối khô.

Bà Trung sinh được bốn người con, hai gái vào Sài Gòn làm công nhân, lấy chồng rồi ở lại không về. Thấy em học giỏi, có chí, học xong THPT anh Hùng (anh của Cường) xin nghỉ vào TPHCM làm thuê...

Anh đi xa, ở nhà Cường vừa đi học, đi làm, vừa thay mẹ chăm bố từ giặt giũ đến ăn uống, vệ sinh... Khổ thế nhưng năm nào Cường cũng là ngôi sao học giỏi của lớp, của trường...

Nguyễn Thị Thủy nhổ cỏ thuê. Ảnh: Tiến Thắng

Nguyễn Thị Thủy nhổ cỏ thuê. Ảnh: Tiến Thắng

“Từ nhỏ mẹ đã vất vả vì căn bệnh não bẩm sinh. Căn bệnh ấy càng nặng hơn khi mẹ mang thai con đã gần đến ngày sinh nở lại bị bố bỏ rơi. Con còn nghe nói rằng mẹ đã lên cơn ngay khi con mới chào đời... Sinh con ra, bệnh tình của mẹ càng nặng, mẹ con mình phải chuyển về bên ngoại sống...

Những lúc trời mưa to, nhà dột làm ướt cả con và mẹ, chỉ còn lại một góc giường không ướt để mẹ con mình trùm chăn, run rẩy ngồi cầu trời khấn phật mong mưa mau tạnh, trời đỡ rét để đi kiếm cái ăn...”.

Đó là những dòng tâm sự của cô học trò nghèo Nguyễn Thị Thủy (Trường THPT Thanh Chương 3, Nghệ An) - tân sinh viên Trường đại học Luật Hà Nội - trong một bài văn nói về người thân yêu nhất. Bài văn của Thủy đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của các bạn học sinh trong trường.

Ngày 25-8, chúng tôi tìm về Nghệ An. Căn nhà nhỏ cấp 4 nằm sâu hun hút trong xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương trông chẳng khác gì một cái bếp bỏ hoang. Đó chính là nơi cô bé Thủy từ hồi 6 tuổi phải tự lập, là nơi chứng kiến tuổi thơ dữ dội - suốt 17 năm Thủy chịu những trận đòn vô cớ mỗi khi người mẹ lên cơn...

Dù bệnh tật, người mẹ vẫn tần tảo sớm hôm làm thuê để có tiền nuôi con ăn học.

Để phụ mẹ, Thủy đi làm cỏ cho người trong làng. Trên những đồi chè hay nương ngô, ngày nắng cũng như ngày mưa, Thủy vẫn cần mẫn làm cỏ để có thêm đôi ba chục ngàn đồng đóng học phí.

Với ước mơ trở thành luật sư, Thủy làm hồ sơ thi vào Trường ĐH Luật Hà Nội. Thi xong, tranh thủ ngày mùa chưa đến, Thủy ở lại Hà Nội làm thuê. Công việc rửa bát trong vòng một tháng đã cho Thủy 1,5 triệu đồng, giúp Thủy tích cóp vào hành trình ra Hà Nội nhập học.

“Vào năm học, em sẽ tiếp tục đi rửa bát thuê ở nhà hàng để có tiền ăn học và gửi về nuôi mẹ ở quê” - Thủy nói với ánh mắt lấp lánh, tựa một tương lai sáng ngời hạnh phúc.

Theo tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.