Những câu chuyện cảm động và đậm chất tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh

GD&TĐ - Nhân kỉ niệm 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo Giáo dục & Thời đại xin giới thiệu một vài câu chuyện cảm động và đậm chất tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua lời kể của GS Hoàng Chí Bảo.

Những câu chuyện cảm động và đậm chất tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh

Những câu chuyện về phê bình

Có một chi tiết rất cảm động, đó là: Trước mấy tháng Bác mất, Bác còn dành tình cảm đặc biệt cho tỉnh Thanh Hóa bằng việc tiếp đoàn cán bộ chủ chốt. Hôm đó đúng là ngày cuối cùng của năm (31/12/1968).

Bác hỏi mấy câu rất thiết thực, vừa là tư tưởng, đạo đức và cũng rất đúng phong cách của Người: Thanh Hóa có còn tệ nạn nấu rượu lậu không? Đoàn Thanh Hóa trả lời ấp úng: Vẫn còn!

Bác lại bảo: Đảng ta là một đảng cách mạng chứ không phải Đảng nấu rượu lậu đâu! Phải là người khoáng đạt lắm Bác mới có thể nói một vấn đề chính trị một cách tự nhiên như thế.

Câu thứ hai Bác hỏi: Thanh Hóa còn tệ đánh vợ không? Bác bảo: Vợ chồng tình cảm trăm năm, thương yêu như thế mà lại đánh nhau. Tại sao lúc yêu thì các chú anh - em ngọt ngào thế mà lúc “điên tiết” lên thì lại "thụi" người ta.

Bác nói rất đời thường và còn giải thích thêm: Tuy là vợ chồng nhưng cũng là công dân với công dân mà công dân nam đánh công dân nữ là phạm pháp đấy. Bác chỉ dẫn đến như vậy.

Câu thứ ba, Bác hỏi: Bây giờ Thanh Hóa tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy đến đâu rồi? (Vì lần trước ra thăm Bác không có một bóng phụ nữ nào, toàn nam giới, Bác đã không hài lòng nhưng Bác rất tế nhị, cẩn thận.

Bác không phê bình ngay vì phê bình ngay rất dễ dẫn đến chủ quan, nhỡ người ta có nhưng người ta không đi thì sao? Bác phải thăm dò, Bác bảo: Hôm nay, đoàn cán bộ tỉnh Thanh Hóa ra làm việc với trung ương, với Bác đi có đủ không? Nếu đi đủ nghĩa là không có nữ, còn nếu đi thiếu nghĩa là có thể có nữ.

Ông trưởng đoàn không hiểu hết ý tứ của Bác nên hồn nhiên trả lời: Thưa Bác, có mấy khi được ra thăm Bác, nên chúng cháu bảo nhau đi đủ 100% ạ! Vậy là câu trả lời đã cung cấp cho Bác một thông tin có giá trị.

Bây giờ Bác mới xử lý. Bác đi hết một lượt rồi dừng lại ở một đồng chí ăn mặc diện nhất trong đoàn. Bác hỏi: Chú tên gì? Cấp ủy phân công cho chú công việc gì?

Khi biết ông này lại là Giám đốc Sở Nông nghiệp, Bác bảo ngay: Bác cho đoàn Thanh Hóa về trước, riêng chú ở lại chơi với bác thêm dăm bữa, nửa tháng, mai đi tát nước với Bác). Thế là Bác của chúng ta đang phê bình đấy, rất nhẹ nhàng, sâu sắc. Chúng ta nên học Bác ở điểm này.

Đời Bác không nặng lời với ai bao giờ, có giận lắm cũng chỉ im lặng và thường từ trong phòng đi ra ngoài để kiềm chế, để không nặng lời. Bởi nặng lời dễ dẫn đến làm tổn thương nhau. Cách phê bình của Bác rất nhẹ nhàng và thấm thía.

Không chỉ đọc báo Trung ương, báo nước ngoài, Bác còn đọc cả các báo địa phương. Có lần Bác đọc một tờ báo Thái Bình thấy có đoạn phê bình cán bộ nam giới cứ uống rượu say là đánh vợ. Bác liền đánh dấu vào đó và mang về Thái Bình kiểm tra.

Phong cách của bác sâu sát là thế. Bác vào hội nghị ai cũng cảm động đứng dậy chào, Bác cho tất cả ngồi xuống và hỏi luôn: Cô nào ở nhà bị chồng đánh đứng lên mách Bác.

Không ai dám đứng lên vì xấu hổ. Bác lại quay sang hỏi các đồng chí nam: Chú nào trót uống rượu say đánh vợ thì đứng lên xin lỗi Bác và các cô. Cũng không có ai đứng lên.

Phụ nữ thì im lặng, nam giới thì rì rầm phía dưới như kiểu biện minh: Có đánh đâu, chỉ là dọa qua qua thôi mà Bác. Tưởng Bác không nghe được nhưng ai ngờ Bác nghe được hết.

Thế là Bác đến tận nơi và đưa cho mọi người tờ báo địa phương đọc phần Bác đã đánh dấu vào đấy, rồi Bác nói: Đánh thâm tím, mặt mày thế này mà các chú bảo dọa qua qua thôi à? Đánh vợ, đánh con là dã man lắm, kém đạo đức, kém văn hóa lắm, phải sửa ngay đi.

Như thế để hiểu rằng dù bận trăm công, nghìn việc nhưng Bác vẫn không bỏ sót việc nào. Bác rất quan tâm, bảo vệ và bênh vực phụ nữ. Thái độ của Bác vừa nghiêm khắc, vừa ân cần nhưng có hiệu ứng và sức lan tỏa râu rộng. Sau đó địa phương đã bỏ được tình trạng này.

Bài học về thi đua

 GS Hoàng Chí Bảo

Sang năm 2018 sẽ kỷ niệm 70 năm ngày Bác ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Trong Văn kiện Bác viết: Thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua. Ai thi đua là người yêu nước nhất. Thi đua là gieo trồng, nuôi dưỡng phong trào là khen thưởng, là gặt hái, là kết quả. Mà đã khen thì phải đúng. Khen mà quá lời thì sinh hư và chủ quan. Chê mà quá lời cũng dễ dẫn đến tủi thân, tuyệt vọng. Vì thế khen, chê phải rất tinh tế. Bác để lại câu nói lịch sử: Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một vườn hoa đẹp.

Thi đua rất quan trọng. Quan trọng từ quan điểm chỉ đạo rồi đến giao đúng người, đúng việc. Bác có mời ông Hoàng Đạo Thúy đến để giao việc chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước. Ông Thúy được Bác tin cậy giao việc nên xúc động lắm và cũng không khỏi lo lắng. Ông buột miệng hỏi Bác một câu rất lòng thành:

- Thưa bác! Giờ nên bắt đầu từ đâu ạ?

Bác cười và nói: Bác tin chú nên mới giao việc. Vì thế chú phải nghĩ, sao lại hỏi Bác bắt đầu từ đâu, thế thì bác làm thay chú cho xong?!

Ông Thúy lúng túng, nhìn Bác mà chưa biết xử lý thế nào, Bác lại rất nhạy bén, thương người. Bác nhìn vẻ mặt lúng túng của ông lại thương.

Bỗng Bác rút ra một chiếc quạt giấy ra và bảo tặng chú cái quạt. Chưa hiểu ý tứ của Bác thế nào nên ông Thúy cứ nâng niu chiếc quạt trên tay và nhìn Bác.

Bác bảo: Chú mở quạt ra đi, quạt nan nó xòe mà, rồi bảo tiếp: Chú quạt đi và quạt thật mạnh cho Bác. Ông Thúy lấy quạt rồi quạt thật mạnh trước mặt Bác. Bác nói luôn: Vậy chú hãy quạt gió cho phong trào đi. Đấy là bắt đầu đấy.

Vậy ai là người quạt gió? Đó chính là các nhà giáo, đội ngũ tuyên giáo, tuyên huấn tuyên truyền. Bác rất coi trọng các công việc này vì nó sẽ đem lại sự giác ngộ và tin tưởng cho đồng bào và tự nó sẽ sản sinh ra vật chất.

Bác cũng giải thích là phải Kiệm. Kiệm có nghĩa là cần kiệm, là tiêu dùng hợp lý chứ không phải là bủn xỉn keo kiệt; việc đáng tiêu 1 vạn cũng không tiếc, việc không đáng tiêu một xu cũng không chi. Và Bác xếp ngành Giáo dục vào việc đáng tiêu nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ