Những câu chuyện cảm động ở Nhà trưng bày Hoàng Sa

Những câu chuyện cảm động ở Nhà trưng bày Hoàng Sa

Một Thư viện Hoàng Sa cũng đang được phát động để xây dựng một hệ thống tư liệu đầy đủ phục vụ nhiều mục đích.

Bồi đắp thêm cột mốc chủ quyền

Nhiều người vẫn nhớ như in câu chuyện kể gắn liền với 10 hiện vật của Trung sĩ trọng pháo Nguyễn Thành Trọng - người đã tử trận trên hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 trong trận hải chiến với Trung Quốc vào ngày 19/1/1974 do chính người vợ Nguyễn Thị Lựa và con trai trao tặng lại cho UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng).

Tháng 7/2016, UBND huyện Hoàng Sa cùng với Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng tổ chức phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa. Từ Thới Lai (TP Cần Thơ), mẹ con bà quả phụ Nguyễn Thị Lựa khăn gói ra Đà Nẵng để hiến tặng lại chút kỷ vật ít ỏi mà bà gìn giữ suốt mấy chục năm qua. Bức ảnh chân dân ông Nguyễn Thành Trọng, ảnh chụp hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10, có bút tích của ông Trọng; tờ trích lục khai tử của chồng bà do Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn cấp ngày 22/2/1974, tờ bưu tín tin tạ thế của chồng, tờ trích lục chứng thư hôn phối… bà Lựa từng chôn trong góc vườn ở quê để tránh thất lạc trong cuộc mưu sinh nhiều vất vả của hai mẹ con.

Nâng niu, gìn giữ nhưng khi biết Nhà trưng bày Hoàng Sa cần, bà sẵn sàng trao tặng, bởi như bà nói, ít nhiều gì cũng góp thêm một phần chứng lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam. Ông Trọng cũng như các tử sĩ trên con tàu Nhật Tảo HQ10 nằm lại Hoàng Sa trong trận hải chiến Hoàng Sa giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Sài Gòn khi chưa kịp biết vợ mình đang mang thai. Bà Lựa đặt tên con là Nguyễn Hoàng Sa, như một sự nhắc nhớ đến người cha mà con chưa từng một lần được gặp mặt.

Nhà trưng bày Hoàng Sa hiện nay trưng bày hơn 300 tư liệu lịch sử. Phần lớn là do người dân, các nhà khoa học, kiều bào ở nước ngoài, các nhà nghiên cứu lịch sử dày công sưu tầm và hiến tặng. Tiêu biểu như ông Trần Thắng, một việt kiều, là người sưu tầm nhiều bản đồ cổ trong đó có cả bản đồ cổ của Trung Hoa từ 1808 đến 1833 xác định lãnh thổ của Trung Hoa cực Nam chỉ đến đảo Hải Nam.

Hay như 19 châu bản triều Nguyễn nói về việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đặc biệt là trong 19 Châu bản lần này có một Châu bản lần đầu tiên công bố. Đó là Bản tấu của Bộ Hộ ngày 22/12 Tự Đức 22 (1869) về việc tỉnh thần Quảng Nam tư trình căn cứ lời bẩm của Tấn thủ Đà Nẵng Nguyễn Văn Tư, trích tiền gạo cấp phát cứu tế cho 540 người tỉnh Phúc Kiến nước Thanh, trên một chiếc thuyền sam bị nạn trôi dạt đến Vạn lý Trường Sa thuộc Đại Nam (Việt Nam).

Đầu năm 2020, một bản bản đồ số hóa được mua lại từ Thư viện Lê-nin cũng được trao tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa. Đây là bản số hóa từ tấm bản đồ cổ do nhà bác học uyên bác của nước Nga vẽ về Trung Quốc ở thế kỷ 17 trong đó cực Nam của nước này tới đảo Hải Nam, hoàn toàn không có Hoàng Sa và Trường Sa…

Trong khuôn viên của Nhà trưng bày Hoàng Sa, còn có tàu cá ĐNa 90152 – con tàu đã bị đâm chìm trong đợt Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép HD981 trong vùng biển Việt Nam. Ngay sau khi được kéo vào bờ, con tàu "nổi tiếng" này đã thu hút rất đông người dân địa phương, lãnh đạo các cấp và cả du khách quốc tế đến thăm. 

Con tàu như một nhân chứng lịch sử, trở thành một biểu tượng cho sự dũng cảm, kiên cường của ngư dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Vợ chồng ông bà Huỳnh Thị Như Hoa – Trần Văn Tốn đã quyết định hiến tặng cho Nhà nước. "Cũng coi như mình góp thêm bằng chứng để cộng đồng quốc tế hiểu thêm những tranh chấp đang xảy ra trên vùng biển Hoàng Sa – thuộc chủ quyền của Việt Nam" - ông Trần Văn Tốn cho biết.

Những người trẻ kể chuyện Hoàng Sa

Tốt nghiệp ĐH với chuyên ngành kiến trúc, Đào Thị Trúc Giang trúng tuyển vào Nhà trưng bày Hoàng Sa, vừa phụ trách công tác hành chính vừa đảm nhận vai trò thuyết minh viên. Giang kể, mình phải mất một tháng để nắm bắt được căn bản về quá trình lịch sử của huyện đảo Hoàng Sa, rồi thêm 6 tháng miệt mài tìm đọc các tài liệu, phân tích, tổng hợp để hiểu được tiến trình lịch sử. 

Và quá trình tự học còn kéo dài mãi khi vừa phải tìm hiểu lịch sử trong quá khứ vùa phải cập nhật tình hình hiện tại. Quê ở tận Vũng Tàu, chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai, để rồi mỗi ngày đều làm người kể những câu chuyện lịch sử thông qua các hiện vật bằng cả tình yêu Tổ quốc và lòng tự tôn dân tộc, với Giang, là một niềm tự hào không dễ gì có được.

Theo thống kê của Nhà trưng bày Hoàng Sa, HS, SV chiếm khoảng 50% tổng số khách tham quan kể từ khi nơi đây đi vào hoạt động. Nằm trong chương trình phối hợp với các trường học làm điểm đến học ngoại khóa, Ban quản lý Nhà trưng bày Hoàng Sa đã thiết kế nhiều chương trình, hoạt động hợp lý để kết nối thế hệ trẻ với câu chuyện về chủ quyền biển đảo, lịch sử về Hoàng Sa được tiếp cận một cách chính thống, liền mạch và không bị đứt đoạn.

Phó Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, ông Lê Tiến Công cho biết: "Mỗi ngày chúng tôi đều nỗ lực trong công việc, từ việc sưu tầm hiện vật đến tổ chức trưng bày, thuyết minh. Làm sao để Hoàng Sa phải được biết đến không đơn thuần là quần đảo với không gian địa lý có chiều kích trên tấm bản đồ. Hoàng Sa còn là không gian sinh tồn gắn liền với bao thế hệ ngư dân từ bao đời nay với những chứng cứ lịch sử về chủ quyền không thể phủ nhận".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.