Sau khi đọc và nghiên cứu kỹ, chúng tôi đã rất mừng vì quy chế được làm rất chi tiết, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để kỳ thi thành công. Nhưng tôi cho rằng ý nghĩa hơn là việc sát nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vào trong Kỳ thi THPT quốc gia này sẽ giảm thiểu những tốn kém cho gia đình và xã hội.
Một điều đáng ghi nhận nữa là quy định cụm thi cấp tỉnh có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT. Nếu nói về yếu tố kỹ thuật để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, đánh giá chính xác năng lực thí sinh thì tôi cho rằng như vậy là đủ. Nội dung dự thảo quy chế là rất chi tiết và rõ ràng, việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì nhằm đảm bảo sự công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả các cụm thi trên cả nước.
Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ý nghĩa xã hội to lớn của việc tổ chức cụm thi liên tỉnh này chính là giảm chi phí cho gia đình và thí sinh đi thi. Dự thảo đưa ra quy định đối với những tỉnh có khó khăn, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đây là chia sẻ với những khó khăn với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Không phải học sinh nào tốt nghiệp THPT cũng muốn học lên ĐH, CĐ và cũng không có nhiều học sinh miền núi mong muốn vào những ĐH lớn. Do vậy, dự thảo quy chế với những nội dung quy định như vậy là phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh người dân và thực sự là nó hợp lòng người.
Đơn cử như học sinh Hướng Hóa chúng tôi, nếu như trước đây các em dự thi tốt nghiệp THPT xong rồi lại chân ướt, chân ráo xuống Quảng Bình, ra Vinh hay vào Đà Nẵng dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh đi thi, gia đình đi theo, tàu xe, ăn uống, chỗ nghỉ… vô cùng tốn kém. Nhưng nay các em chỉ phải tham dự kỳ thi trong tỉnh hoặc cùng lắm là sang tỉnh lân cận rồi dùng kết quả đó để đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ trên cả nước, như vậy sẽ giảm rất nhiều chi phí cho gia đình thí sinh đó. Đặc biệt ủy ban tỉnh có thể căn cứ vào nhu cầu có muốn học lên thêm hay không với học sinh dân tộc ít người để mà đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét thành lập cụm thi tỉnh, tôi cho rằng đây là những tính toán hết sức nhân văn.