Lãnh cảm
Nhiều người thuộc phái đẹp mang nặng trong lòng và dày vò trong tâm một câu chuyện thầm kín rất khó giãi bày tâm sự cùng ai và cũng vì lý do tế nhị nên cũng rất khó hỏi ai.
Đó là, tự nhiên họ thấy không còn có cảm giác hứng thú với chuyện gối chăn, chồng vợ. Do vậy, họ thường tìm lý do để từ chối hay bằng mọi né tránh “nhu cầu” của đối tác. Những biểu hiện trên thuộc về chứng bệnh mà y học gọi là lãnh cảm (frigidity).
Nguyên nhân của bệnh có thể là do sang chấn về mặt tinh thần, do bệnh lý, do tâm lý, do ảnh hưởng của tôn giáo, do quan niệm đạo đức, do stress (sự cãi cọ, áp lực công viêc, sự buồn chán)...
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hiện tượng lạnh lùng kia có thể được khắc phục bằng cách hạn chế sự căng thẳng mệt mỏi, bớt công việc, đi du lịch hay tạo không gian sống lãng mạn.
Lời khuyên: Bạn hãy mạnh dạn trao đổi với đối tác của mình, tìm hiểu xem có những điểm tương đồng nào để tìm ra hướng khắc phục. Nếu sự nỗ lực của bạn và của cả đối tác đều bị thất bại bạn cần đi khám chuyên khoa sản phụ xem có bệnh lý gì không và nhất là cần tới một chuyên gia tư vấn về lĩnh vực này.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa, chiếm tỉ lệ khoảng 3,6% trong tổng số các bệnh phụ khoa chung. Đây là loại bệnh thường gặp ở chị em trong tuổi sinh đẻ, nhất là ở độ tuổi 30.
Nhìn chung, u nang buồng trứng là bệnh lý lành tính, tiến triển âm thầm, kéo dài mà không có dấu hiệu gì đặc biệt. Tuy nhiên, có nghiên cứu cho thấy, một số trường hợp bệnh chuyển thành ác tính và tiến triển nhanh.
Nhiều trường hợp bệnh được phát hiện trong bối cảnh xoắn nang buồng trứng. Xoắn nang buồng trứng là biến chứng của u nang buồng trứng. Biến chứng này có thể gây chết người nếu không được mổ cấp cứu kịp thời.
Về bản chất, u nang là hiện tượng nang của buồng trứng chứa đầy dịch. Khi nang to đến mức nào đó, người bệnh có thể đau mơ hồ vùng thắt lưng và cảm giác khó chịu hoặc đau tức vùng bụng, đầy bụng, rối loạn kinh nguyệt, đau khi có hoạt động tình dục, buồn nôn hoặc nôn, tiểu khó và thậm chí tăng cân không rõ nguyên nhân.
Chị em trong độ tuổi sinh đẻ có các biểu hiện nói trên và nhất là các trường hợp đột ngột đau dữ dội vùng bụng đi kèm với nôn, sốt, hoa mắt, chóng mặt cần nghi ngờ bị u nang buồng trứng xoắn.
- Phòng bệnh: Không có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu nào được khuyến cáo. Tuy nhiên, việc khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm những thay đổi của buồng trứng.
Thai ngoài tử cung (GEU)
GEU (Grossesse Extra Utérine/Gestational Extra Uterus) là trường hợp trứng được thụ tinh nhưng không làm tổ trong lòng tử cung như bình thường mà lại “lót ổ” ở một vị trí khác như vòi trứng (95%), buồng trứng (3%) hoặc ổ bụng (2%). Bệnh thai ngoài tử cung chiếm tỉ lệ khoảng 1,3% phụ nữ mang thai.
Khi thai lớn dần, các vị trí bất thường ngoài lòng tử cung không đủ sức chịu đựng nên gãy vỡ gây chảy máu vào trong ổ bụng, đe dọa đến tính mạng người mang thai. Người nào đã một lần bị GEU sẽ rất dễ bị trở lại trong lần mang thai tiếp theo.
Nguyên nhân gây thai ngoài tử cung thường gặp là do viêm nhiễm vòi trứng, đặc biệt là do nạo phá thai nhiều lần. Ngoài ra là các nguyên nhân khác như u nang buồng trứng hoặc các phẫu thuật trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến vòi trứng và buồng trứng.
- Các dấu hiệu nghi ngờ: Chậm kinh, mất kinh, rong huyết. Lượng máu ít, không đông và có màu bầm đen. Đau vùng bụng là biểu hiện luôn có. Thường là đau bụng dưới, một bên, đau âm ỉ và thỉnh thoảng trội lên bằng những cơn đau dữ dội.
Trong hầu hết các trường hợp bị thai ngoài tử cung, đau vùng bụng là lý do khiến họ phải đến gặp bác sĩ để thăm khám, siêu âm, nội soi ổ bụng và làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
- Phòng bệnh: Không nên nạo phá thai bừa bãi và nhiều lần. Những người chưa muốn sinh nên áp dụng các biện pháp tránh thai như dùng bao cao su, uống thuốc ngừa thai. Điều trị tốt các bệnh lý liên quan như đã nêu ở phần nguyên nhân.
Ung thư vú
Ung thư vú là nỗi ám ảnh bệnh tật kinh hoàng đối với nhiều chị em. Tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư vú cao ở cả những nước phát triển và đang phát triển. Theo IARC (Tổ chức Nghiên cứu ung thư thế giới), tỉ lệ ung thư vú chiếm đến 21% trong tổng số ung thư chung ở phụ nữ.
Nguyên nhân gây ra bệnh này cho đến nay vẫn chưa được hiểu một cách rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều cho thấy có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư vú ở nữ giới như là các yếu tố di truyền, nhiễm xạ hay tiếp xúc với các độc chất, phụ nữ không sinh con hoặc không cho con bú, độ tuổi >70, có dùng thuốc tránh thai, béo phì, tuổi sinh con lần đầu > 30 tuổi và thậm chí là nghiện rượu...
Phần lớn ung thư vú được chủ nhân hay bạn tình phát hiện một cách tình cờ khi chạm phải một khối cứng trong một vùng đáng ra là mềm mại. Tất cả các khối u vùng vú khi mới phát hiện nên nghĩ đến... ung thư để có thái độ và hành động tích cực hơn, cho dù trên thực tế có đến 80% khối u vùng này là lành tính.
Khối u do ung thư vú hầu như không gây đau. Đây chính là lý do làm cho ung thư vùng vú được phát hiện muộn. Sau đây là một số đặc điểm gợi ý u vùng vú là một khối u do ung thư: Núm vú bị kéo lệch, sờ cứng, bờ không rõ, không đồng nhất, khó di động, dính vào da, thành ngực hoặc chảy dịch ở đầu vú (dịch máu hay vàng chanh), đôi khi là một biểu hiện viêm tấy lan toả.
Các trường hợp ung thư vú phát hiện muộn, do tiến triển lâu ngày di căn đến các khu vực lân cận như hạch nách, hạch thượng đòn, gây ra tràn dịch màng bụng, màng tim, màng phổi và thậm chí là đột quỵ do di căn lên não.
Trong những năm gần đây, nhờ có điều kiện kinh tế phát triển và sự đầu tư của các chương trình, nên thuật ngữ “tầm soát ung thư vú” đã trở thành quen thuộc với mọi người. Chương trình tầm soát ung thư vú đã thu hút phụ nữ đến các cơ sở khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm các khối u vùng vú.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu cho các trưòng hợp mắc ung thư vú. Bệnh được phát hiện càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao, tỉ lệ khỏi bệnh có thể lên đến 98%.
- Phòng bệnh: Cách tốt nhất là thực hiện những biện pháp phòng ngừa theo lời khuyên của các nhà chuyên môn. Đó là: Sinh con và cho con bú; Giảm uống rượu, không hút thuốc lá; Tránh tiếp xúc với các chất độc hại; Chế độ ăn ít chất béo; Tránh mắc chứng béo phì; Tăng cường vận động như là đi bộ mỗi ngày.
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh khá phổ biến ở nữ giới. Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), ung thư cố tử cung xếp hàng thứ nhì sau ung thư vú. Độ tuổi mắc ung thư cổ tử cung là 30 - 59, tập trung cao trong khoàng tuổi 48 - 52.
Mặc dùng thuộc loại “tứ chứng nan y” nhưng nếu được phát hiện sớm thì khả năng sống còn của bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung khá cao. Nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y học mà trong vài thập niên gần đây tỉ lệ mắc của bệnh này cũng đã giảm rõ rệt ở nhiều nước tiên tiến.
Ung thư cổ tử cung có thể được phát hiện một cách khá dễ dàng nhờ vào sự kiểm tra định kỳ tại các cơ sở y tế.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là virus HPV (Human Papilloma Virus: Virus gây u nhú ở người) làm lây bệnh qua đường tình dục. HPV thường gây ra các mụn cơm hay nốt sần ở vùng sinh dục của cả hai giới. Hiện đã có vắc-xin tiêm phòng HPV là CervarixvàGardasil.
Nói chung tiên lượng của người mắc ung thư cổ tử cung tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh đang diễn ra: Giai đoạn 1 tỉ lệ sống sau 5 năm là 90%, giai đoạn 2 là 75%, giai đoạn 3 là 40% và giai đoạn 4 là 10%.
- Phòng bệnh: Các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung là thực hiện tình dục an toàn, phát hiện và điều trị sớm các viêm nhiễm đường sinh dục, tạo thói quen thăm khám phụ khoa định kỳ. Nếu có điều kiện thì tiêm phòng HPV.
Bệnh sa sinh dục
Sa sinh dục là tình trạng mà bộ phận sinh dục nữ, cụ thể là tử cung vì một lý do nào đó bị tụt xuống thấp so với những người bình thường.
Ở người chưa sinh đẻ bệnh xảy ra là do các dây chằng tử cung lỏng lẻo, thể trạng yếu, tử cung ở thế trung gian, do vậy khi áp lực ổ bụng tăng thì tử cũng sẽ bị đẩy dần xuống. Ở người sinh đẻ nhiều dây chằng tử cung bị nhão, tử cung đổ sau (cùng trục với âm đạo), tầng sinh môn bị rách, bị cắt hay bị dãn nên áp lực của ổ bụng đẩy thành âm đạo sa xuống kéo theo sự sa tử cung.
Biểu hiện sa tử cung ban đầu không rõ ràng. Người bệnh đôi khi tiểu són hay tiểu khó. Bệnh sa sinh dục tuy không có ảnh hưởng gì nhiều đến các hoạt động sinh hoạt và lao động bình thường, nhưng bệnh để càng lâu ngày mà không chữa trị sẽ càng sa nhiều hơn. Bệnh diễn tiến nhanh hay chậm tùy theo cường độ lao động và sự gắng sức.
Điều trị bằng cách đặt dụng cụ nâng tử cung cho các trường hợp trên 60 tuổi và những người bị sa ít hay còn trẻ. Phẫu thuật được thực hiện trong các trường hợp đã có con, sa nhiều và sức khỏe cho phép tiến hành phẫu thuật.
- Phòng bệnh: Tránh lao động quá mức, tránh sinh đẻ nhiều lần, không để chuyển dạ sinh kéo dài, chủ động cắt tầng sinh môn khi sinh trong các trường hợp tiên đoán thai ra khó. Khi tầng sinh môn bị rách cần khâu phục hồi về trạng thái ban đầu.