Thơ vui về phái yếu – tiếng lòng của người phụ nữ

GD&TĐ - Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ viết về phụ nữ. Vì vậy, thơ của chị chính là tiếng lòng của rất nhiều người phụ nữ. Nhân kỉ niệm ngày 8 tháng 3, xin được giới thiệu bài thơ “Thơ vui về phái yếu”(1968) của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh.

Thơ vui về phái yếu – tiếng lòng của người phụ nữ

Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ có môt vai trò và trách nhiệm to lớn. Họ vừa phải gánh vác việc nhà với thiên chức của một người vợ, một người mẹ, vừa phải tham gia lao động xã hội. Tuy nhiên, người phụ nữ có mạnh mẽ, có gánh vác trách nhiệm lớn lao đến đâu cũng vẫn bị coi là phái yếu. Vì vậy nữ thi sĩ Xuân Quỳnh viết bài thơ “Thơ vui về phái yếu” (1968).

Nói đến Xuân Quỳnh, chắc hẳn người đọc sẽ nghĩ ngay đến những bài thơ tình nồng nàn, da diết và cháy bỏng như: Gió Lào cát trắng, Sóng, Thuyền và biển, Hoa cỏ may…Tuy nhiên, bài thơ “Thơ vui về phái yếu” lại mang những nét rất riêng: hài hước, hóm hỉnh và có cả những suy tư triết lí về cuộc sống.

Mở đầu bài thơ, với giọng thủ thủ tâm tình, nữ thi sĩ khắc họa hình ảnh kì vĩ, lớn lao của phái bên kia – phái mạnh:

“Những người đàn ông các anh có bao nhiêu điều to lớn

Vượt qua ô cửa cỏn con, căn phòng hẹp hàng ngày

Các anh nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay

Tới thăm dò những hành tinh mới lạ

Tài sản của các anh là những tinh cầu, là vũ trụ

Các anh biết mỏ dầu mỏ bạc ở nơi đâu

Chinh phục đại dương bằng các con tàu

Đi tới tương lai trên con đường ngắn nhất

Mỗi các anh là một nhà chính khách

Các anh quan tâm đến chuyện mất còn của các quốc gia.

Biết bao điều quan trọng được đề ra

Những hiệp ước xoay vần thế giới”

Sử dụng biện pháp nghệ thuật liệt kê, nữ thi sĩ đã chỉ ra những điều lớn lao kì vĩ của đấng mày râu. Đầu tiên là các đấng mày râu tạo ra những công trình to lớn như tàu ngầm, tên lửa, máy bay.

Sau đó là khả năng khám phá ra hành tinh mới lạ, chinh phục đại dương rộng lớn và đi tới tương lai trên con đường ngắn nhất. Đặc biệt, tài sản của họ cũng là những thứ lớn lao như; tinh cầu, vũ trụ, là mỏ dầu, là mỏ bạc. Bởi thế, họ chính là những người quyết định đến việc sống còn của quốc gia, dân tộc và là ngươi tạo ra những hiệp ước xoay vần thế giới.

Trái với những điều kì vĩ ấy, những người phụ nữ chỉ sống trong không gian chật hẹp, làm những việc nhỏ nhoi như bếp núc hàng ngày. Trong đầu lúc nào cũng nghĩ về chợ búa, những quả cà, mớ tép, rau dưa. Hơn nữa, nếu những người đàn ông quan tâm tới Nít và Kăng thì phụ nữ lại rất thờ ơ.

Vì người phụ nữ còn phải lo xếp hàng đi chợ, sắm cho con đôi dép đến trường. Điều mà người phụ nữ quan tâm là xà phòng, là thuốc đánh răng và lo đan áo cho chồng con khỏi rét. Tài sản của những người phụ nữ cũng chỉ là chậu, là nồi, là lửa, là tình yêu và những lời ru. Nữ thi sĩ tâm sự:

“Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên trái đất.

Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày

Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay

Càng không có hạt nhân nguyên tử

Chúng tôi chỉ có chậu, có nồi, có lửa

Có tình yêu và có lời ru.”

Tuy nhiên, tác giả đặt ra một tình huống: Nếu ví dụ thế giới này không có người phụ nữ thì cuộc sống sẽ ra sao? Từ đó, khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ. Họ chính là người mang lại niềm vui, hạnh phúc, an ủi người đàn ông sau thất bại nhọc nhằn. Hơn nữa họ còn sinh ra những đứa con để “tiếp tục giống nòi” và dạy chúng “biết yêu, biết hát”:

“Nếu ví dụ không có chúng tôi đây

Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống

Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn hạnh phúc

Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn

Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông

Các anh sẽ không còn biết yêu biết ghét

Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết

Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn

Ai sẽ là người sinh ra những đứa con

Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát.”

Những lời thơ chất chứa dòng tâm sự được chắt lọc từ tinh hoa của văn hóa dân gian một lần nữa khẳng định vai trò của người phụ nữ. Người có công sinh thành, nuôi dưỡng và bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách cho mỗi con người. Dẫu có là người quyền lực hay kẻ tầm thường thì chúng ta cũng là con của một người mẹ, một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên. Từ đó, nhà thơ đưa ra một vấn đề mang tính triết lí:

“Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng

Là bác học... hay là ai đi nữa

Vẫn là con của một người phụ nữ

Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên”

Đến đây, cách xưng hô của thi nhân đột ngột thay đổi. Từ những người đàn ông với chúng tôi thành anh với em. Cách xưng hô thân tình, thân mật ấy tạo nên sự chân thành, đầy nữ tính:

“Anh thân yêu, người vĩ đại của em

Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối

Lời rong rêu chưa ai biết bao giờ

Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua

Là hạt bụi vô tình trên áo.”

Đoạn thơ thi nhân sử dụng nghệ thuật đối lập để so sánh sự vĩ đại, lớn lao của những người đàn ông với sự nhỏ nhoi, khiêm nhường của những người phụ nữ. Nhưng khiêm nhường chính là để khẳng định tầm quan trọng của người phụ nữ. Họ chính là hậu phương để những người đàn ông có thể tạo ra những điều kì vĩ lớn lao.

“Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo

Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn”.

Đoạn thơ bộc lộ rõ sự thông minh, hài hước, hóm hỉnh của Xuân Quỳnh. Mặc dù vậy, Xuân Quỳnh vẫn giữ nguyên vẻ đẹp đầy nữ tính trong thơ. Bằng lời nói mộc mạc, chân thành ở cuối bài. “Thú thực là chúng tôi cũng không sống được/ Không có các anh thế giới chỉ đàn bà”.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.