Những bước giúp giảng viên có giờ lên lớp chất lượng

GD&TĐ - Qua thực tiễn công tác dạy và học Tin học không chuyên tại Trường ĐH Đồng Tháp, thầy Lê Quang Minh (Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học) cho biết, nhiều sinh viên vẫn học theo kiểu “dạy gì học nấy”, chưa thực sự thể hiện tính chủ động, sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề còn hạn chế.

Những bước giúp giảng viên có giờ lên lớp chất lượng

Nhận xét khối lượng kiến thức của các môn học tương đối lớn, số tiết thực học trên lớp không nhiều, thầy Lê Quang Minh cũng cho rằng, giảng viên thực sự chưa đặt kỳ vọng nhiều, chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện năng lực của sinh viên. Việc tiếp xúc giữa giảng viên và sinh viên cũng còn hạn chế.

Để làm tăng hiệu quả bài dạy, theo thầy Minh, giảng viên là người thiết kế sự phối hợp các phương pháp dạy học. Hiệu quả của việc dạy học phụ thuộc một phần quan trọng vào sự kết hợp đó.

Vì vậy, mỗi giảng viên cần vận dụng linh hoạt, khoa học, hợp lí nhất các phương pháp dạy học sao cho phù hợp với mục tiêu của chương trình học, đối tượng, thành phần nhóm, lớp học, khai thác hợp lí các phương tiện dạy học hiện đại hiện có và cuối cùng là phù hợp với sở thích của bản thân.

Dưới đây là những kinh nghiệm của thầy Lê Quang Minh để có được một giờ lên lớp chất lượng.

Chuẩn bị bài giảng hoặc slide bài giảng

Trong suốt quá trình giảng dạy, giáo trình hay bài giảng sẽ luôn là một cuốn cẩm nang tin cậy mỗi khi giảng viên đứng trước lớp.

Bài giảng phải có mục đích rõ ràng, phải thu hút, lôi cuốn được sự tham gia tích cực của sinh viên, có thể áp dụng với nhiều phương pháp học khác nhau và đưa họ đến những chân trời tri thức mới.

Chính vì thế, việc đầu tiên cần làm là phải xây dựng một bài giảng thật tốt. Để xây dựng một bài giảng tốt cần tuân thủ các yêu cầu sau:

Nội dung bài giảng phải được trình bày rõ ràng, bám sát với đề cương chi tiết của môn học.

Đầu mỗi chương phải nêu được mục tiêu của chương để sinh viên có thể hệ thống và tóm lược lại nội dung của chương mục sau khi học.

Bài giảng không chỉ là trình bày lý thuyết mà cần phải có các ví dụ minh họa cụ thể cho từng vấn đề.

Nếu là slide bài giảng, nên trình bày khoa học, ngắn gọn, tóm lược nội dung trọng tâm mà giảng viên muốn trình bày. Cấu trúc của một bài giảng điện tử được thể hiện qua sơ đồ sau:

Cuối bài giảng cần cung cấp thêm cho sinh viên nguồn tài liệu tham khảo (giáo trình, địa chỉ website) liên quan đến bài học để sinh viên tự đọc thêm, có thể cung cấp các từ khóa để gợi ý sinh viên tìm kiếm tài liệu trên mạng.

Xây dựng hệ thống bài tập thực hành ngay trên lớp

Xây dựng một hệ thống các bài tập thực hành ngay trên lớp nhằm giúp sinh viên nắm bắt tốt hơn nội dung môn học cũng như vận dụng kiến thức mới học được áp dụng để giải một bài tập cụ thể.

Việc soạn các bài tập này có thể được tham khảo từ các nguồn tư liệu sẵn có (giáo trình, internet) hoặc cũng có thể được chính giảng viên tự xây dựng, miễn sao các bài tập này sát với yêu cầu và mục tiêu của môn học.

Về hình thức, đây là dạng bài tập ngắn. Về nội dung, mang tính áp dụng cao, bám sát theo từng chủ đề cụ thể của đề cương chi tiết môn học.

Đối với dạng bài tập này giảng viên nên yêu cầu sinh viên thực hành ngay trên phòng máy tính sau khi học xong một chủ đề.

Xây dựng hệ thống bài tập thực hành ở nhà

Bài tập thực hành ở nhà là một trong những nội dung quan trọng, có vai trò, tác dụng nhiều mặt góp phần hoàn thiện mục tiêu, nhiệm vụ môn học.

Nó là một trong những phương tiện dạy học cần thiết góp phần hình thành, củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, phát triển tư duy độc lập cho sinh viên và là công cụ hiệu quả để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Ngoài ra nó còn góp phần nâng cao ý thức, tình cảm, thái độ tích cực của sinh viên với môn học. Nếu bài tập được xây dựng một cách hợp lý, vừa sức với sinh viên, sát với đề cương môn học thì nó còn có tác dụng kích thích hứng thú học tập cho sinh viên.

Khuyến khích sinh viên hoạt động tích cực

Sinh viên rất dễ bị mất tập trung và giảm hứng thú sau một khoảng thời gian ngắn nghe giảng. Nếu giảng viên chỉ tập trung vào việc thuyết trình bài giảng cộng với sự nghiêm khắc vốn có của người thầy cùng với đặc thù của môn Tin học sẽ khiến sinh viên cảm thấy môn học cứng nhắc, nhàm chán, khó tiếp thu.

Từ đó sinh viên sẽ học đối phó, học để cho xong. Chính vì thế giảng viên phải là người có khả năng kiểm soát toàn bộ hoạt động trong suốt thời gian đứng lớp và tạo ra một không khí sôi nổi trong khi học.

Để kích thích sự tò mò, ham hiểu biết và tái lập khả năng tập trung của sinh viên, giảng viên có thể tiến hành một số hoạt động sau:

Trong quá trình thuyết trình bài giảng, giảng viên cần đan xen một số câu hỏi hoặc bài tập vào và gợi ý cho sinh viên trả lời.

Đưa ra một vấn đề nào đó liên quan đến môn học để sinh viên thảo luận nhóm với nhau.

Sử dụng bản đồ tư duy (mind map) để giúp sinh viên hệ thống lại cấu trúc của bài giảng.

Đưa ra một số câu chuyện vui hay những vấn đề lý thú nào đó có liên quan đến môn học để giảm bớt sự căng thẳng của sinh viên.

Kiểm tra đánh giá sinh viên thường xuyên

Theo học chế tín chỉ, trước hết cần thực hiện đánh giá thường xuyên trong tiến trình để thu được các phản hồi nhằm điều chỉnh thường xuyên việc dạy và học.

Các hỏi đáp ngay tại lớp, các bài kiểm tra ngắn là rất cần thiết và một hình thức rất có hiệu quả là sinh viên tự đánh giá kết quả học tập theo danh sách các mục tiêu phải đạt của môn học.

Nếu việc đánh giá sinh viên chỉ tập trung vào một bài kiểm tra cuối kỳ thì kết quả sẽ không khách quan, sinh viên sẽ có tâm lý ỷ lại và không tham gia tích cực trong suốt quá trình học.

Giảng viên không đánh giá đầy đủ năng lực của sinh viên và không thể giúp sinh viên bổ sung, phát triển những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống cũng như nghề nghiệp sau này.

Vì vậy, hoạt động đánh giá cần diễn ra tương đối thường xuyên, điểm đánh giá môn học nên được chia ra nhiều thành phần như điểm kiểm tra giữa kỳ (2 kỳ hoặc nhiều hơn) hệ số 0,4; điểm chuyên cần hệ số 0,1; điểm kiểm tra cuối kỳ hệ số 0,5.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.