Đó là tâm sự của Nguyễn Việt Dũng - Chủ nhân Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á 2014, cũng là học sinh lớp 11, Trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.
Chia sẻ về phương pháp học môn Tin, Dũng cho biết: Tin học và Toán rất gần nhau, nhưng học Tin không hoàn toàn giống với Toán ở một số điểm.
Với môn Toán, để đạt đến trình độ tạm chấp nhận được, phải học khá nhiều công thức, nhưng bởi chúng không phải lúc nào cũng được sử dụng nên sẽ khá dễ quên.
Những bài tập trong Toán phổ thông chủ yếu tập trung vào khả năng áp dụng công thức của học sinh, nên thực tế cũng không phải động não quá nhiều mà chỉ cần nhớ công thức. Học chỉ có công thức, khô khan, thực tế đã khiến rất nhiều bạn ngại học Toán.
Tin học thì khác, lượng công thức ít hơn hẳn, nhưng nó đòi hỏi sự linh hoạt. Các bài tập trong Tin có nội dung thực tế hơn và lời giải cũng độc đáo hơn.
Chẳng hạn, chặt nhị phân là một kiến thức rất cơ bản, đơn giản trong Tin học và vô cùng hữu ích trong thực tế, nhưng nếu không học Tin, không phải ai cũng biết đến nó và sử dụng được.
Học Tin nghĩa là tiếp xúc nhiều với máy tính, nếu không biết kiềm chế bản thân, người học rất có thể sẽ sa vào các trò chơi điện tử và học tin trở thành "lợi bất cập hại".
Một ví dụ khác là bài tập phân phối thời gian sử dụng phòng học, hiểu đơn giản là có 1 phòng học và rất nhiều người muốn thuê phòng.
Người tên A muốn thuê phòng trong thời gian từ X đến Y; trong một thời điểm không được có nhiều hơn 1 người sử dụng phòng, và bạn phải ngẫm nghĩ xem nên cho những ai thuê để tổng số người sử dụng phòng học đó là nhiều nhất.
Nội dung rất thực tế, nhưng chắc không nhiều người giải được, đặc biệt là khi danh sách người cần thuê phòng lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng triệu.
Tuy nhiên, trong Tin học, đây lại là một bài tập cổ điển và cách giải của nó đơn giản đến bất ngờ.
Tuy nhiên, Nguyễn Việt Dũng cũng chia sẻ, khó khăn trong Tin học không phải là ít, chủ yếu có 3 điều:
Thứ nhất, học Tin nghĩa là tiếp xúc nhiều với máy tính, nếu không biết kiềm chế bản thân, người học rất có thể sẽ sa vào các trò chơi điện tử và học tin trở thành "lợi bất cập hại".
Thứ hai, học Tin yêu cầu một sự bền bỉ, không ngại khó khăn, chấp nhận thức đêm để làm bài, tự học và không ngừng nghiên cứu các tài liệu của nước ngoài.
Và thứ ba, người học Tin thường dễ bị "ảo tưởng sức mạnh", đặc biệt là sau khi có một vài thành tựu nhỏ. Vì thế người học phải chăm chỉ bất kể khi chiến thắng hay thất bại.
Dũng cũng cho biết, người học Tin sẽ rất dễ bị những thứ xung quanh chiếc máy vi tính cám dỗ, vì thế bước đầu tiên luôn là củng cố lại tình yêu với môn học và định hướng chính xác mình phải làm gì.
Hiện nay không nhiều người biết đến môn Tin và đại đa số không chú trọng vào môn học này. Các bậc phụ huynh phần nhiều cũng không khuyến khích con em mình học Tin vì không biết được lợi ích của nó.
Tuy nhiên chỉ cần hiểu về môn học này và xây dựng hệ thống kiến thức vững chắc trên nền tảng của niềm đam mê, thì mọi khó khăn cũng trở nên vô nghĩa.
Một điều nữa là bài tập trong tin học rất phong phú, đôi khi trong những cuộc thi lập trình, nếu gặp bài hợp gu với mình thì tốt, còn không thì bạn sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn, vì thế người ta nói rằng may mắn là yếu tố không thể thiếu để đoạt giải.
Cũng bởi thế, mà chàng trai trẻ này gửi gắm đến những người bạn cùng sở thích: Hãy luôn lạc quan và chăm chỉ học tập, thất bại trong một cuộc thi là điều bình thường, nhưng nếu bạn có niềm tin và thực lực mạnh, thì xác suất gặp may của bạn sẽ cao hơn rất nhiều.