Từ dân chuyên Văn thành giáo viên dạy Sử
Gia đình không ai làm nghề giáo, phổ thông là dân chuyên Văn nhưng vào đại học lại học Lịch sử, lúc đầu cô Thủy có chút hụt hẫng. Không ngờ, ngã rẽ tưởng không như ý muốn này lại giúp tỉnh Phú Thọ có một giáo viên Lịch sử giỏi, truyền được ngọn lửa tình yêu lịch sử cho nhiều thế hệ học sinh trên vùng đất vua Hùng.
Ngày ấy, tự nhủ lòng: giáo viên dạy Sử mà giỏi, chắc chắn hơn một giáo viên dạy Văn tồi, 4 năm học đại học, cô Thủy miệt mài trau dồi kiến thức, sưu tầm sách báo, tài liệu để chuẩn bị cho hành trang dạy học.
Ra trường đúng thời điểm giảm biên chế, xin việc rất khó khăn, không ít bạn bè đã từ bỏ giấc mơ trở thành giáo viên chuyển sang các công việc khác, với kết quả học tập tốt ở Trường ĐH sư phạm, cô Thủy đã được các thầy cô trường THPT Chuyên Hùng Vương dang tay rộng mở đón về.
Được giảng dạy tại một trong những trường THPT Chuyên hàng đầu của cả nước không chỉ là cơ hội, vinh dự mà còn là thử thách lớn với bất cứ giáo viên nào, nhất là những giáo viên trẻ vừa ra trường. Thế nhưng, chỉ sau 3 năm công tác đến nay, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy liên tục được giao nhiệm vụ giảng dạy, phụ trách đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Nhiều năm liền, đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử tỉnh Phú Thọ do cô Thủy trực tiếp phụ trách đạt 100% giải; trong đó có 52 học sinh giỏi quốc gia với 3 giải nhất, 14 giải nhì, 22 giải ba, 13 giải khuyến khích.
Cô giáo Nguyễn Thanh Thủy nhận phần thưởng vì đã có giải nhất HSG quốc gia môn Lịch Sử năm học 2016-2017 |
Người truyền cảm hứng
“Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng” (William A.Warrd).
Tâm đắc với câu nói này, hơn 20 năm gắn bó với môn Lịch sử, Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT chuyên Hùng Vương luôn kiên tâm, bền bỉ để trở thành người đi truyền lửa tình yêu lịch sử cho học trò của mình, dù khó khăn không ít: Lịch sử đâu đó vẫn bị xem là môn “phụ”; nhiều phụ huynh và học sinh không mặn mà với môn học; điểm thi đầu vào của lớp chuyên Sử thường rất thấp…
Nhưng, niềm tự hào của cô Thủy không phải số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia mà chính là mình đã thực sự truyền lửa, truyền cảm hứng cho các thế hệ học sinh yêu thích bộ môn Lịch sử, yêu quê hương, yêu nước, con người. Rất nhiều thế hệ học sinh của cô đã trưởng thành, trở thành công dân có ích, có địa vị trong xã hội, có nghề nghiệp ổn định, gia đình hạnh phúc…
“Mặc dù, nhiều em không chọn bộ môn Lịch sử để thi đại học, nhưng vẫn say sưa với môn Lịch sử để tìm hiểu về dân tộc, về đất nước con người Việt Nam. Đặc biệt, rất nhiều thế hệ học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, sau khi tốt nghiệp phổ thông đã chọn lịch sử để học nghề, và trở thành đồng nghiệp của mình ở các trường đại học, cao đẳng, các trường phổ thông trên khắp mọi miền đất nước” – cô Thủy chia sẻ niềm tự hào.
Bí quyết bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử
Về công tác tại trường chuyên Hùng Vương, được làm việc với các thầy cô giỏi về chuyên môn, tâm huyết với sự nghiệp, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy có điều kiện để học hỏi, cố gắng hết mình, từng bước tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng.
Với đối tượng học sinh thi quốc gia, để phát huy hết năng lực của học sinh, cô thường xuyên giao những vấn đề cần tìm hiểu, yêu cầu thuyết trình về một vấn đề lịch sử, rồi kiểm tra kiến thức dưới nhiều hình thức: kết hợp vấn đáp, viết bài tự luận, trả lời trắc nghiệm...
Trong mỗi tiết học, cô Thủy luôn cố gắng đơn giản hóa các khái niệm, giúp học sinh tự ghi nhớ và liên hệ so sánh, đánh giá tiếp cận các sự việc một cách dễ dàng, không khô cứng.
“Muốn có bài giảng tốt, trước mỗi giờ lên lớp, giáo viên phải chuẩn bị giáo án cẩn thận, có phương pháp dạy phù hợp cho mỗi học sinh; thầy, cô giáo là người dẫn dắt, cùng tham gia tiết học với các em.
Trong các giờ học Lịch sử, tôi thường áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy chiếu để bài giảng trở nên sinh động, tránh sự khô cứng, nặng nề.
Các buổi bồi dưỡng học sinh giỏi, Tổ bộ môn Lịch sử đã phân công thầy, cô giáo phụ trách các mảng kiến thức riêng biệt, giúp học sinh có những hiểu biết chuyên sâu” – cô Thủy chia sẻ.
Nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh, cô giáo trường chuyên còn thường xuyên tổ chức học sinh đi thực tế, tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng. Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập đội tuyển ngay từ đầu năm học; tuyển chọn học sinh thành lập đội tuyển, nội dung kiến thức và thời gian ôn tập.
Các cấp lãnh đạo cũng ưu tiên đầu tư kinh phí bồi dưỡng đội tuyển; cử các giáo viên có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm hướng dẫn học sinh ôn tập; thực hiện tốt các chế độ động viên khen thưởng các học sinh, giáo viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia…
“Nhưng trên hết, người thầy trước tiên phải tạo niềm yêu thích cho học sinh, truyền đam mê cho trò bằng chính năng lực chuyên môn của mình. Từ đó, giúp các em tự tìm hiểu, khai thác và chiếm lĩnh tri thức lịch sử quý báu” – cô Thủy tâm huyết.