Những bí kíp giúp trẻ quan sát tốt

GD&TĐ - Tôi đã chọn học quan sát trước, vì điều đó tốt cho trí não, cho thói quen tò mò, khám phá, dần sẽ khiến con người ta tinh ý và thông minh hơn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không chỉ vì các cụ nói “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” hay “giàu đôi con mắt”, mà vì: Cái gì khiến ta suy nghĩ, không phải vì ta có thông tin, bằng nhìn, bằng nghe, bằng sờ mó hay sao?

Trái lại, hiện nay, có rất nhiều phụ huynh cho con học tính sớm. Người ta sung sướng, tự hào vì những đứa trẻ 4 - 5 tuổi đã có thể tính được những phép tính phức tạp. Điều tự hào đó không hề sai. Vì khi chúng ta nghĩ lại cuộc đời mình, chúng ta vô cùng đau khổ khi không thể tính được những phép tính khó. Lúc còn đi học, mỗi lần giáo viên đố một phép tính thì chúng ta phải mở giấy nháp và cắn bút.

Ngay cả tập trung như thế, chúng ta vẫn có thể tính sai. Vì thế, chúng ta tin rằng, việc ai đó tính được những thứ mà ta không làm được thì quả là kỳ tích. Thói quen nhìn vào kết quả mà không tính đến quá trình đạt được kết quả đó đã khiến chúng ta quên mất rằng: Điều quan trọng nhất của việc học, không phải là làm được, được bao nhiêu điểm, mà là làm như thế nào và sự trưởng thành của người học ra sao.

Nếu một đứa trẻ trả lời được 97 + 38 = 135 trong 10 giây mà không giải thích được cách làm thì thật là lãng phí thời gian để học. Tính ra kết quả, không hề khó, nhất là với bây giờ, khi ai cũng có thể có máy tính “bỏ túi” bằng cách sử dụng chức năng “máy tính” ở cái điện thoại của mình.

Nếu biết quan sát, trẻ dường như hiểu được thế giới đang như thế nào. Có những thứ trẻ quan sát được mà không thể khái quát hóa thành một quy tắc, một thuật toán hay ngược lại, khi quan sát được những điều nhỏ nhặt, tinh tế, lặp đi lặp lại ở những bối cảnh khác nhau, trẻ sẽ nghiệm ra, một quy tắc của cuộc đời.

Cho nên quan sát, không chỉ giúp trẻ hiểu, mà còn giúp nó nhận ra những khác biệt, những linh hoạt và vì thế, nó không chỉ phát triển ở đứa trẻ tư duy logic, mà cả trí thông minh xúc cảm (EQ). Ở một mặt khác, khi đứa trẻ quan sát tốt, các giác quan phát triển, vì thế trẻ sẽ có đủ khả năng để hiểu bền vững, mới có thể học được.

Khi bạn chơi cùng đứa nhỏ 3 tuổi, bạn cần làm gì để giúp chúng có óc quan sát tốt hơn? Trước hết, bạn phải quan sát, đó là nhìn những sự vật, hiện tượng rồi phân tích, tôn trọng chúng và mô tả cho trẻ. Chẳng hạn, khi đi trên đường, bạn hãy kể cho trẻ trong khi quan sát đường, xe cộ, nhà cửa, cây cối xung quanh, những mối quan hệ phát sinh trên đường.

Chiếc xe kia đi nhanh thế, nó chạy sai đường, nó có thể vượt qua chiếc xe phía trước, nhưng có thể bị phạt, gây ra tai nạn. Biển số của hai chiếc xe phía trước đều có số 8 đấy. Rồi con nhớ được mấy chiếc xe, màu của nó, biểu tượng, biển số… Câu chuyện sẽ trở nên thú vị, và tăng dần óc phân tích.

Khi bạn đưa cho con 5 cái kẹo, và bảo chia cho 2 người, trẻ tức khắc sẽ sản sinh ra những tình huống chia (4, 1), (3, 2) (2, 2, 1)… Và phải lí giải vì sao lại thế. Khi bạn cùng con quan sát những ô cửa, những vật dụng, bạn sẽ khiến chúng thích thú khi tìm ra những quy luật, từ đó, chúng có hiểu biết về hình học, và sự tưởng tượng.

Phụ huynh của những trẻ em 5 tuổi tham dự cuộc xét tuyển vào lớp 1 ở các trường danh tiếng Hà Nội cứ nghĩ rằng con mình bị trượt vì “dốt toán, dốt tiếng Việt”, hóa ra không phải. Người ta không đố con làm tính, mà người ta muốn biết con có phản xạ nhanh, có giao tiếp, đặc biệt có tự tin, có quan sát, có dám tưởng tượng và thể hiện thế giới mà mình trải nghiệm ra sao, sự hòa đồng thế nào?

Tôi sẽ không đánh đổi thời kỳ khám phá qua những thao tác cụ thể để trẻ em phải chúi mũi vào học thuộc những phép tính hay cố gắng nắm bắt những mẹo mực. Tính được một phép tính đúng mà chẳng hiểu gì về nó thì “lợi bất cập hại” mà thôi.

Bằng kinh nghiệm của mình, tôi đã từng thử với rất nhiều đối tượng học sinh. Có những bạn nhỏ, chẳng thể nào giải được bài toán có lời văn đơn giản như: “Trong hộp có 15 viên bi, cần lấy ra khỏi hộp bao nhiêu viên để còn 10 viên bi trong hộp”. Thế nhưng khi tôi bảo: “Con cứ đố cô một bài đi”. Thì đứa nhỏ ngần ngừ.

Từ chỗ nó e dè, đến lúc nó bắt chước: “Trên mặt bàn có 15 quyển sách, cần lấy đi bao nhiêu quyển để còn 10 quyển sách”. Lúc tôi ngắc ngứ suy nghĩ, rồi trình bày lời giải, đứa trẻ chăm chú theo dõi tôi, nó chỉnh cho tôi nào là: Cô phải cho thêm dấu ngoặc vào, cô phải đặt phép trừ thế này… Nó đóng vai thầy giáo của tôi, rất bình tĩnh, và sau đó, nó giải được bài toán. Nó - một đứa trẻ rất sợ toán. Khi quan sát tôi dạy đứa trẻ đó, đồng nghiệp trẻ của tôi mỉm cười. Bạn ấy bảo, thế là học sinh quá khôn, toàn bắt chước cô.

Thực tế đứa trẻ nào cũng khôn, cũng cố gắng để giải quyết vấn đề. Nhưng vì sao đứa trẻ này lại không giải được một bài toán dễ. Nó còn không tóm tắt được, không hiểu được “phép toán” nào, “quan hệ” nào phù hợp. Nhưng khi ra được một đề bài, đấy là khi trẻ làm chủ, tập ở thế “chủ động”, vì thế, trẻ tạo ra bài toán bằng cách “hiểu” hình thức, nhưng như thế đã thật sự nắm được bài toán đó rồi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.