Những bi kịch bị lãng quên

GD&TĐ - Hầu hết các sự kiện bi thảm đều gây nên những cú sốc lịch sử; một số trở thành biểu tượng như thảm họa Pompei, Titanic, nạn diệt chủng Rwandan... Thế những một sự kiện có thể là khủng khiếp và tàn khốc vào thời điểm xảy ra nhưng vẫn có thể nhanh chóng lùi vào làn sương mù của ký ức, bởi đôi khi có những sự kiện diễn ra quá dồn dập, hoặc ngay cả những người sống sót cũng muốn quên đi quá khứ đau buồn. Trong một số hoàn cảnh khác, các thảm họa bị cố tình giảm thiểu hoặc triệt tiêu.  

Những bi kịch bị lãng quên

Vụ sập tòa nhà Rana Plaza

Vụ tai nạn liên quan đến xây dựng và kiến trúc được cho nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại xảy ra vào tháng 4/2013 (theo con số thống kê về thương vong), mặc dù có nhiều người chưa bao giờ được nghe về nó. Vụ đánh bom cuộc thi marathon tại Boston (Mỹ) xảy ra vào tuần trước đó thu hút được nhiều phương tiện truyền thông, nhưng “chỉ có” 3 người chết và hàng trăm người bị thương. Con số thương vong sau vụ sụp đổ tòa nhà tại Bangladesh mới thật sự khủng khiếp: 1.134 người thiệt mạng, số người bị thương còn gấp đôi.

Tòa nhà Rana Plaza nằm ở Dhaka, thủ đô của Bangladesh. Ban đầu, nó được xây dựng như một tổ hợp các cửa hàng và văn phòng. Tuy nhiên, nhiều tầng trên đã được xây thêm mà không có giấy phép. Các tầng này được dùng để chứa máy móc hạng nặng cho nhiều nhà máy sản xuất quần áo. Các nhà máy này sản xuất hàng hóa cho các thương hiệu nổi tiếng như Benetton, Prada, Gucci và Versace và sử dụng khoảng 5.000 người. Ít ai trong số họ biết rằng họ đang làm việc trong một cái bẫy chết chóc nhất.

Ngày 23/4, các cư dân của tòa nhà nhận thấy các vết nứt trên tường, trần nhà và sàn nhà. Tòa nhà đã được sơ tán. Tuy nhiên, chủ sở hữu tòa nhà lại tuyên bố tòa nhà an toàn và kêu gọi công nhân quay trở lại vào ngày hôm sau. Các cửa hàng và ngân hàng ở các tầng thấp đã từ chối và vẫn đóng cửa. Tuy nhiên, các nhà quản lý công ty may mặc đe dọa sẽ cắt lương bất kỳ công nhân nào không đi làm đúng giờ.

Ngay trước 9 giờ sáng ngày hôm sau, toàn bộ tòa nhà đổ sụp thành một đống đổ nát, không khác gì sau một trận động đất. Hơn 3.000 người có mặt trong tòa nhà vào thời điểm đó, bao gồm công nhân may mặc, nhân viên hỗ trợ và trẻ em trong các nhà trẻ dành cho công nhân tại đây. Một số người đã chết ngay lập tức, trong khi hàng ngàn người khác bị kẹt trong đống đổ nát.

Các đơn vị khẩn cấp tại địa phương đã phản ứng tốt nhất có thể, giải cứu hàng trăm người khỏi đống đổ nát. Chính phủ Bangladesh tuyên bố ngày quốc tang vào ngày 25/4. Tuy nhiên, lời đề nghị giúp đỡ của Liên Hợp Quốc đã bị các quan chức từ chối một cách khá tiêu cực. Nhân viên cứu hộ tình nguyện được trang bị một cách sơ sài, khiến việc cứu trợ bị kéo dài, kém hiệu quả. Đến tận 17 ngày sau, người ta mới đưa được người sống sót cuối cùng sau thảm họa, đó là thợ may Reshma Begum.

Thảm kịch ám ảnh tâm trí của người dân Bangladesh và thu hút sự quan tâm của một số tổ chức theo dõi quốc tế, tuy nhiên nhận được rất ít sự chú ý từ những nơi khác. Công nhân may mặc trong nước đã phản đối các hành vi an toàn không đạt tiêu chuẩn và mức lương thấp, mặc dù những cuộc biểu tình này trong một số trường hợp đã bị đàn áp thậm tệ. Chủ sở hữu của tòa nhà, Sohel Rana, vẫn đang chờ phán quyết về nhiều tội danh giết người. (Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ