Những bài học từ mô hình Trường học mới

GD&TĐ - Đồng Tháp là một trong những địa phương thuộc nhóm 3 nên giai đoạn đầu triển khai mô hình Trường học mới (VNEN) chỉ có một trường duy nhất được tham gia. Chính vì đặc thù này nên trong công tác chỉ đạo, triển khai cũng có những điểm riêng, cần sự chủ động, sáng tạo từ địa phương.

Những bài học từ mô hình Trường học mới

Những thuận lợi cũng như khó khăn và bài học kinh nghiệm trong triển khai mô hình VNEN đã được bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại.

Chỉ đạo sâu sát, giáo viên vững chuyên môn

- Mô hình VNEN được triển khai ở Đồng Tháp có thuận lợi và khó khăn như thế nào, thưa bà?

Tỉnh Đồng Tháp được tham gia dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) từ năm học 2012-2013; vì thuộc nhóm 3 nên chỉ có 1 trường được tham gia là Trường tiểu học Lý Tự Trọng, thành phố Cao Lãnh. Năm học 2015-2016, tỉnh tiếp tục thực hiện VNEN với Trường tiểu học Lý Tự Trọng, thành phố Cao Lãnh; đồng thời, Sở GD&ĐT thực hiện mở rộng thêm 8 trường khác.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà 

Thuận lợi đầu tiên khi triển khai VNEN ở Đồng Tháp là Sở GD&ĐT quan tâm, chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ tích cực về mọi mặt. Mỗi lớp 1 phòng học độc lập với đầy đủ trang thiết bị cần thiết, được học 2 buổi/ngày, sĩ số học sinh cơ bản phù hợp với qui định của mô hình trường học mới.

Bàn ghế được sắp xếp theo từng nhóm phù hợp với mô hình VNEN. Các lớp học được trang trí đúng theo tinh thần lớp học VNEN (có nội qui lớp học, góc học tập, sơ đồ cộng đồng, theo dõi chuyên cần, hộp thư, trưng bày sản phẩm, bảng thi đua...).

Học sinh được trang bị tài liệu, sách giáo khoa đầy đủ; các kênh hình trong tài liệu nhiều màu sắc, đẹp phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học. Nội dung chương trình gần gũi với cuộc sống của các em nên các em dễ dàng nhận biết và tiếp cận.

Giáo viên có trình độ chuyên môn khá vững vàng, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trong công việc và đều được tham gia tập huấn, bồi dưỡng hè ở Cần Thơ, thành phố Cao Lãnh; được tham gia dự giờ, học tập chia sẻ kinh nghiệm ở Trường tiểu học Lý Tự Trọng thành phố Cao Lãnh, Trường tiểu học A Bán trú Tân Châu tỉnh An Giang; thực hiện nghiêm túc mọi sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Các trường tổ chức phân nhóm học sinh và rèn nề nếp học tập, kĩ năng điều hành cho Hội đồng tự quản, nhóm trưởng, ... ngay từ đầu năm học. Giáo viên thường xuyên đầu tư, nghiên cứu tài liệu như: logo, câu lệnh, hình ảnh chưa rõ, ... điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời hiểu tài liệu Hướng dẫn học và nắm chắc nội dung bài dạy, linh hoạt, sáng tạo theo từng đối tượng học sinh của lớp và đặc điểm của tiết học. Tài liệu hướng dẫn học tập là tài liệu 3 trong 1 (dành cho học sinh, dành cho giáo viên, dành cho cha mẹ học sinh để hướng dẫn con em mình).

Tuy nhiên, khi triển khai mô hình này, khó khăn chúng tôi gặp phải là bàn ghế thiết kế chưa phù hợp theo hình thức dạy học VNEN (chưa có ghế quay) làm cho học sinh rất khó xoay chuyển học trong hoạt động toàn lớp. Diện tích phòng học không đủ chỗ cho học sinh tổ chức trò chơi khởi động.

Một vài giáo viên còn lúng túng về phương pháp, kĩ thuật dạy học, chưa nhạy bén. Do mới thực hiện nên giáo viên khá vất vả vì phải bao quát thật kĩ, hướng dẫn, theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra nhiều lượt trong từng hoạt động học tập của học sinh. Mỗi bài, mỗi hoạt động (hoạt động cơ bản, hoạt động thực hành) được thiết kế nhiều hoạt động nhỏ nên đa số chưa đảm bảo thời gian trong một tiết học.

Nội dung trong từng bài quá dài, một số học sinh không hiểu câu lệnh vì thế các em không tự giải quyết được các yêu cầu trong bài.

Vốn tiếng Việt của một số học sinh còn rất hạn chế nên các em không hiểu được các yêu cầu của từng hoạt động, giáo viên phải hướng dẫn đồng loạt cả lớp (ở những câu dài, khó hiểu.) và như thế sẽ không đúng theo tinh thần VNEN. Kỹ năng điều hành của nhóm trưởng chưa quen, thao tác chậm. Một số học sinh còn rụt rè, nhút nhát; nhiều em chưa biết hợp tác trong học tập.

Do nhu cầu kinh tế xã hội, hầu hết các phụ huynh chưa quan tâm đúng mực việc học tập của con em mình. Phụ huynh chưa tiếp cận kịp chương trình nên chưa hướng dẫn con em học tập ở nhà được tốt, do đó phần hoạt động ứng dụng một số học sinh chưa hoàn thành (chủ yếu giáo viên tổ chức thực hiện trên lớp).

Thay đổi mạnh mẽ về phương pháp dạy học

- Sinh hoạt chuyên môn trong trường, cụm trường là nội dung quan trọng. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện nội dung này ra sao khi thời gian đầu Đồng Tháp chỉ có một trường tham gia VNEN?

Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn trong trường được thực hiện thường xuyên theo qui định. Sinh hoạt cụm trường đối với trường VNEN của tỉnh đúng là gặp khó vì Đồng Tháp thuộc nhóm 3 chỉ có 1 trường.

Để có thể thực hiện được qui định về sinh hoạt cụm trường, Đồng Tháp đã phối hợp với các tỉnh lân cận để tổ chức sinh hoạt cụm trường, trong tháng 10/2013 sinh hoạt chuyên môn với tỉnh Long An tại Đồng Tháp; trong tháng 12/2013 đã sinh hoạt cụm chung với các tỉnh Long An, Tiền Giang và Bến Tre tại Long An.

Đồng Tháp còn tham dự Hội thảo “Nâng cao hiệu quả dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN)” năm học 2013 - 2014 tại Kiên Giang. Trong học kì I, năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT đã tổ chức học tập kinh nghiệm tại Trường tiểu học Bán trú A Long Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho tất cả các trường tham gia dạy học theo mô hình VNEN với sự tham gia của 47 cán bộ quản lí, giáo viên.

- Điểm nổi bật của VNEN chính là sự thay đổi mạnh mẽ về phương pháp dạy học. Điều này được thể hiện như thế nào ở trường tham gia VNEN của Đồng Tháp?

Đúng là điểm nổi bật của VNEN chính là sự thay đổi mạnh mẽ về phương pháp dạy học. Tại Đồng Tháp, đã chuyển đổi theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, học sinh được tổ chức học theo nhóm, tự quản lý nhóm, tự học, tự đánh giá kết quả học tập. Tài liệu đã được thiết kế 3 trong 1 và có chỉ dẫn giúp cho học sinh tự học theo tài liệu.

Giáo viên có nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, nội dung học tập của học sinh và chuẩn bị đồ dùng dạy học trước khi dạy thay gì phải soạn bài như trước đây, giúp cho giáo viên hiểu sâu nội dung bài, dự kiến và giải quyết tốt các tình huống trong quá trình dạy học và giáo dục.

Giáo viên cũng đã thay đổi cách tổ chức, quản lý lớp học theo hình thức nhóm, hoạt động của giáo viên tập trung vào việc tổ chức, hướng dẫn các em học tập, hỗ trợ hoạt động nhóm và những cá nhân cần quan tâm giúp đỡ.

Học nhóm là đặc trưng của mô hình đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng tổ chức, hướng dẫn và học sinh cũng phải có kỹ năng tự học và hợp tác, tuy nhiên, giáo viên chưa được tập huấn sâu về dạy học hợp tác và giáo dục kỹ năng học hợp tác cho học sinh.

4 bài học kinh nghiệm

- Có những kinh nghiệm gì sau quá trình triển khai mô hình VNEN ở Đồng Tháp không, thưa bà?

Trong quá trình triển khai mô hình VNEN, có 4 bài học chúng tôi rút ra được. Thứ nhất là cần lựa chọn trường đảm bảo đúng các điều kiện tham gia của dự án. Thứ hai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để giúp cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, phụ huynh và cộng đồng hiểu rõ, an tâm và tham gia thực hiện cùng với nhà trường. Thứ ba, tổ chức tập huấn cho giáo viên trước khi vào thực hiện. Cuối cùng là cần tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các tỉnh, các trường với nhau.

- Bà có kiến nghị gì với Bộ GD&ĐT để triển khai tốt hơn mô hình này trong thời gian tới ở Đồng Tháp?

Tiếp tục triển khai VNEN ở Đồng Tháp, chúng tôi mong muốn tiếp tục tổ chức thí điểm và nhân rộng đối với cấp THCS để học sinh được học liên tục qua các cấp học theo VNEN. Cùng với đó là việc tập huấn cho giáo viên về dạy học hợp tác và giáo dục kỹ năng học hợp tác cho học sinh. Việc khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, có cách làm hay cũng là động lực quan trọng để thúc đẩy các nhà trường, cán bộ giáo viên tích cực triển khai thực hiện VNEN có hiệu quả hơn nữa.

- Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ