Biện pháp phát huy tối đa ưu điểm mô hình Trường học mới

GD&TĐ - Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) cơ bản đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội so với mô hình dạy học truyền thống.

Biện pháp phát huy tối đa ưu điểm mô hình Trường học mới

Cách thức tổ chức tài liệu học “ba trong một” cùng với hình thức dạy học nhóm triệt để đã tạo nên điểm đổi mới thuyết phục của mô hình dạy học này. Theo đó, người học thực sự là trung tâm của quá trình giáo dục. Giáo viên thực sự trở thành người hướng dẫn, tổ chức cho học sinh trải nghiệm, tự rút ra kiến thức mới.

Để giảm thiểu những hạn chế, phát huy những ưu điểm, cần tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên bản chất của VNEN; cần điều chỉnh tài liệu Hướng dẫn học; cần xây dựng kế hoạch dạy - học trên lớp.

Các biện pháp này nếu được thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn mô hình VNEN sẽ là mô hình dạy học của tương lai, góp phần đưa giáo dục Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.

Bồi dưỡng, tập huấn giáo viên về bản chất của mô hình VNEN

Việc tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn nhằm giúp giáo viên hiểu thấu đáo cơ sở khoa học và thực tiễn, ý đồ soạn thảo và vận dụng của tài liệu Hướng dẫn học. Đồng thời, bồi dưỡng cho giáo viên ý thức sâu sắc về sự tự học, tự bồi dưỡng, tích cực học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp.

Chỉ khi hiểu thấu đáo bản chất của mô hình trường học VNEN, giáo viên mới đủ tự tin và bản lĩnh để linh hoạt triển khai dạy học hiệu quả theo mô hình này.

Điều chỉnh tài liệu Hướng dẫn học

Chất lượng dạy học phụ thuộc nhiều vào chất lượng tài liệu dạy học. Mặt khác, tài liệu chỉ có thể nêu ra một phương án cụ thể về kế hoạch bài học cho học sinh và giáo viên. Vì thế, nó không thể thích ứng cho mọi vùng miền và mọi đối tượng học sinh.

Tổ chức cho giáo viên điều chỉnh tài liệu VNEN vừa làm cho chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục tốt lên, vừa nâng cao năng lực nghiên cứu sư phạm, ý thức chủ động, sáng tạo của mỗi giáo viên - người trực tiếp sử dụng tài liệu.

Nguyên tắc điều chỉnh cần bảo đảm yêu cầu về chuẩn kiến thức và kĩ năng; phù hợp với học sinh; phù hợp với năng lực của giáo viên và các điều kiện của địa phương; phù hợp nguyên tắc, cấu trúc tài liệu theo mô hình VNEN.

Cần xây dựng bảng tiêu chí cho việc điều chỉnh tài liệu VNEN. Giáo viên nên phân tích tài liệu theo những tiêu chí này và tạo ra các thay đổi cần thiết trước khi học sinh được đọc tài liệu Hướng dẫn học.

Như vậy, các hướng dẫn của giáo viên sẽ phù hợp với môi trường và nhu cầu của học sinh, quá trình giáo dục sẽ cuốn hút học sinh tham gia một cách tích cực hơn.

Một số điều chỉnh và cách thức triển khai các điều chỉnh cụ thể như sau:

Điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học: Tăng/giảm thời lượng cho mỗi hoạt động học tập; điều chỉnh yêu cầu (lệnh) của hoạt động; thay đổi, điều chỉnh ngữ liệu; thêm mẫu thực hiện, thêm gợi ý; thêm nội dung phân tích mẫu; thay đổi đồ dùng dạy học; điều chỉnh hình thức lưu giữ kết quả hoạt động; điều chỉnh hoạt động để thực hiện phân hóa cao hơn; sáng tạo các bài tập ứng dụng.

Dưới đây là một vài cách thức để giảm độ khó của hoạt động (dành cho học sinh dưới chuẩn) và tăng độ thú vị (dành cho học sinh khá, giỏi).

Giảm độ khó bằng cách: Bổ sung phần lệnh để có điều kiện chỉ dẫn thêm cách làm bài; bổ sung vào phần dẫn để giúp học sinh dễ dàng tìm ý; thay phần ngữ liệu cho gần gũi với học sinh; thay thế ngữ liệu bằng ngữ liệu tường minh đơn giản hơn.

Tăng độ thú vị bằng cách: Tác động vào phần lệnh, thay đổi vai nói, vai tiếp nhận tạo điều kiện cho học sinh sáng tạo; xây dựng ngữ liệu tạo điều kiện cho học sinh phát huy trí tưởng tượng và sáng tạo. Thêm yêu cầu của phần lệnh hoặc điều chỉnh yêu cẩu của phần lệnh thú vị hơn.

Điều chỉnh hình thức tổ chức dạy học: Điều chỉnh thành viên nhóm, phiên chế lại nhóm: Các thành viên trong nhóm không phải được tạo ra một lần và không thay đổi. Tùy thuộc vào trình độ học sinh, những thuận lợi và khó khăn của mỗi em trong học tập, giáo viên sẽ điều chỉnh thành viên nhóm, phiên chế lại nhóm.

Thay đổi tương tác thầy - trò, trò - trò: Có hoạt động trong tài liệu học làm việc cá nhân nhưng giáo viên tự thấy học sinh lớp mình còn yếu về kĩ năng này, làm việc cá nhân sẽ khó kiểm soát và chưa hiệu quả thì có thể thay đổi bằng cặp đôi hoặc nhóm lớn. Giáo viên có thể làm việc với từng nhóm, từng học sinh nếu thấy cần thiết.

Thay đổi vai của từng thành viên trong nhóm: Nhiệm vụ giao cho mỗi thành viên cần được luân phiên thay đổi để mỗi học sinh có cơ hội trải nghiệm.

Xây dựng kế hoạch dạy học trên lớp

Tinh thần của dạy học theo mô hình VNEN là giáo viên không phải soạn giáo án, bởi tài liệu Hướng dẫn học đã chỉ dẫn từng hoạt động rất cụ thể và tường minh.

Tuy nhiên, trong điều kiện tài liệu Hướng dẫn học còn nhiều bất cập và chưa phù hợp với hoàn cảnh, môi trường cũng như đặc điểm của học sinh từng vùng miền và sự cần thiết phải điều chỉnh lại nội dung, phương pháp dạy học, điều chỉnh các hình thức tổ chức dạy học như trên thì việc giáo viên phải bỏ thời gian, công sức nghiên cứu bài học, đọc thêm tài liệu tham khảo để hiểu thấu đáo nội dung bài học, để hình dung trước các tình huống có thể xảy ra với học sinh của mình trong quá trình tiếp nhận kiến thức trên lớp là điều hết sức cần thiết.

Giáo viên có thể không phải soạn giáo án một cách công phu, đảm bảo đúng trình tự quy định như giáo án của cách dạy hiện hành nhưng diễn tiến của tiết dạy, các kiến thức cần ghi bảng hay học sinh cần ghi vào vở,… giáo viên phải chuẩn bị thật công phu để có thể xử lý linh hoạt trong quá trình tổ chức dạy học trên lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ