Đổi mới, hiện đại sách giáo khoa theo mô hình VNEN

GD&TĐ - Phân tích sách dùng cho học sinh theo mô hình Trường học mới (VNEN) môn Khoa học, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cho rằng, đây là một trong những tài liệu được soạn thảo theo những quan điểm mới, tiên tiến của giáo dục hiện đại - lấy học sinh làm trung tâm.

Đổi mới, hiện đại sách giáo khoa theo mô hình VNEN

Phát huy khả năng tự học

Sách dùng cho học sinh theo mô hình VNEN còn được gọi là Tài liệu hướng dẫn học. Riêng với môn Khoa học, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, về cơ bản giữ nguyên nội dung SGK hiện hành và đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình; đồng thời, tạo điều kiện đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, hình thức dạy học trên cơ sở tổ chức các hoạt động, phát huy tính tích cực, chủ động, khả năng tự học của học sinh qua các hoạt động cá nhân, hoạt động hoạt động hợp tác nhóm, lớp.

Các hoạt động học tập theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm và chú ý việc phân hóa học sinh, thể hiện qua kênh hình, kênh chữ và các kí hiệu.

Theo nhận xét của thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, kênh hình của tài liệu không chỉ là nguồn minh họa kiến thức mà còn là nguồn thông tin phong phú, sinh động để học sinh tìm tòi, khám phá. Mỗi trang sách Khoa học có thể là một bức tranh sinh động đầy bí ấn đối với các em.

Hệ thống kênh chữ để hướng dẫn học sinh tự học, là nguồn thông tin gồm: Mục tiêu bài học; chỉ dẫn các hoạt động học tập; hệ thống các câu hỏi và các đoạn thông tin, các tình huống học tập để học sinh suy nghĩ nhằm phát hiện ra kiến thức của bài học.

Với các kí hiệu, học sinh sẽ căn cứ vào đó để chủ động thực hiện các hoạt động học tập dưới sự giám sát, hỗ trợ của giáo viên.

Ngoài ra, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, tài liệu còn chú trọng đến các hoạt động ở nhà của học sinh thông qua việc giúp đỡ, hướng dẫn của gia đình và cộng đồng.

4 nội dung trong cấu trúc bài học

Theo phân tích của thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, cấu trúc bài học trong Tài liệu hướng dẫn học Khoa học gồm: Mục tiêu bài học, hoạt động cơ bản, hoạt động thực hành và hoạt động ứng dụng.

Mục tiêu bài học là đích học sinh phải hướng tới; là những yêu cầu cơ bản về kiến thức, kĩ năng mà học sinh phải biết rõ trước khi học và phải nắm được sau khi học. Học sinh đọc kỹ mục tiêu bài học trong nhóm để cùng nhau xác định rõ hướng hoạt động của cá nhân và nhóm.

Hoạt động cơ bản là hoạt động quan trọng nhất của bài học, gồm khoảng 4 - 6 hoạt động nhỏ, nhằm hướng dẫn học sinh tự tìm tòi, trải nghiệm, khám phá, phát hiện kiến thức dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ thích hợp của giáo viên.

Trong hoạt động cơ bản, học sinh làm việc theo nhóm là chủ yếu, có lúc làm việc theo nhóm đôi hoặc cá nhân, khi cần thiết có sự hỗ trợ của giáo viên.

Thông thường, hoạt động cơ bản của môn Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học diễn ra theo các trình tự: Quan sát vật thật, quan sát mô hình hoặc tranh vẽ, nhận xét và trả lời, liên hệ thực tế, ghi nhớ. Tuy nhiên, quy trình này cũng rất linh hoạt, không nhất thiết phải đầy đủ và đúng trình tự như trên.

Hoạt động thực hành là hoạt động hướng dẫn học sinh áp dụng trực tiếp kiến thức đã học ở hoạt động cơ bản (khoảng 4 - 7 hoạt động nhỏ) nhằm củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng.

Với hoạt động này, học sinh chủ yếu làm việc cá nhân. Tuy nhiên, cũng có một số bài tổ chức chung cho cả lớp để lớp học vui, các nhóm thi đua với nhau. Kết thúc hoạt động thực hành là mục tiêu bài học đã hoàn thành.

Hoạt động ứng dụng là hoạt động hướng dẫn học sinh bước đầu vận dụng kiến thức vào thực tế (khoảng 1 - 2 hoạt động) cùng với sự giúp đỡ của người lớn. Hoạt động ứng dụng thường được đánh giá trước khi vào bài học mới của tiết học sau.

"Để có được những cuốn SGK tốt, rất cần phải xác định một tầm nhìn mới với những quan điểm và định hướng tích hợp.

Đây là một trong những mô hình sách giáo khoa mà các nhà giáo dục cần quan tâm nghiên cứu để phát huy những điểm tốt cũng như khắc phục những điểm còn hạn chế của mô hình này" - Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ