TS Nguyễn Văn Huấn cho rằng: Trong công tác chỉ đạo thực hiện Mô hình trường học mới, để giáo viên được chủ động, tự tin, tự chịu trách nhiệm về chất lượng học sinh của chính mình, các trường dạy học theo mô hình Trường học mới cần mạnh dạn giao quyền cho giáo viên được chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện nội dung chương trình dạy học, phương pháp dạy học các môn phù hợp với điều kiện thực tiễn trường lớp và đối tượng học sinh, để các em học sinh phát huy được năng lực tự học, năng động và sáng tạo trong học tập tiếp thu nội dung kiến thức các môn học.
Bắt đầu từ năm học 2013 - 2014, Bến Tre có trường tiểu học đầu tiên tham gia mô hình Trường học mới (VNEN) với 100% học sinh khối 2, 3, 4, 5 là Trường tiểu học Bùi Sĩ Hùng (xã Bình Thới, huyện Bình Đại). Thực tế triển khai cho thấy, đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất nhà trường ổn định và được quản lý tốt, việc tiếp tục thực hiện dạy học theo mô hình VNEN không có gì khó khăn.
Đến năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh đã có 37 trường nhân rộng theo mô hình VNEN, theo đó nhân rộng toàn phần gồm 13 trường; nhân rộng nội dung 1 (Tổ chức và quản lí lớp) gồm 24 trường:
Triển khai mô hình VNEN, Sở GD&ĐT đã thực hiện tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức và cộng đồng trách nhiệm của chính quyền địa phương, của xã hội, các bậc phụ huynh qua việc giới thiệu mô hình này trong cuộc họp của hiệu trưởng với chính quyền địa phương và trong đại hội cha mẹ học sinh các lớp và các trường đầu năm học.
Cán bộ quản lý, các giáo viên dạy lớp VNEN tiếp tục phối hợp tốt với ban đại diện cha mẹ học sinh, chi hội trưởng của các lớp tham mưu, huy động xây dựng nguồn vốn để xây dựng sân trường, bồn hoa cây cảnh, hỗ trợ, trang trí các góc học tập…; đồng thời vận động phụ huynh tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường như dự giờ, hỗ trợ con em hoàn thành các bài tập ứng dụng; đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, sự tiến bộ của con em; hỗ trợ con em tổ chức các hoạt động tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương…
Việc dạy và học thực hiện đúng theo các văn bản của Bộ GD&ĐT, như Tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học ở tiểu học; Công văn 7975/BGD ĐT- GDTH hướng dẫn dạy học môn Thủ công, Kỹ thuật; Công văn 5842/BGD ĐT-VP về điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông; đảm bảo việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày, thời lượng tối đa 7 tiết/ ngày, 9 buổi/ tuần; tiếp tục dạy tích hợp Tiếng Việt và các nội dung như bảo vệ môi trường, biển, hải đảo, quyền và bổn phận của trẻ em, bình đẳng giới, giáo dục an toàn giao thông, phòng chống các tai nạn thương tích, phòng chống HIV/AIDS… vào các môn học.
Đối với các môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội lớp 2,3, Khoa học, Lịch sử & Địa lý lớp 4 thực hiện theo sách hướng dẫn học tập; các môn hoạt động giáo dục Đạo đức, Âm nhạc, Mĩ thuật, Kỹ thuật sử dụng sách giáo khoa theo chương trình hiện hành, nhưng thiết kế bài dạy và tổ chức dạy học theo mô hình VNEN.
Bắt đầu từ năm học 2015 - 2016, Bến Tre có 2 trường THCS tham gia dạy học theo mô hình Trường học mới là Trường THCS Thị trấn Giồng Trôm và Trường THCS Bùi Sĩ Hùng, xã Bình Thới, huyện Bình Đại với tổng số học sinh tham gia là 105 học sinh/4 lớp. Cán bộ, giáo viên 2 trường trên đã được tập huấn hè năm 2015 và thực hiện dạy học tất cả các môn ở lớp 6 theo mô hình VNEN.
- Nếu giáo viên không nhiều kinh nghiệm sẽ rất khó tổ chức lớp học theo mô hình Trường học mới, đặc biệt lớp có sĩ số đông; do đó, thầy cô giáo phải liên tục học hỏi, trau đồi kiến thức. Về phía học sinh, yêu cầu nhiều việc tự học, chủ động đọc tài liệu, trong khi học lực và ý thức học sinh khác nhau, nhiều phụ huynh thiếu quan tâm đến việc học của con... Đây là khó khăn ngay cả những thành phố lớn khi triển khai mô hình này cũng gặp phải. Thực tế ở Bến Tre thế nào? Khó khăn này được giải quyết ra sao?
Qua 3 năm Bến Tre thực hiện dạy học theo mô hình VNEN, trong những đầu cán bộ, giáo viên cũng gặp các khó khăn như trên. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, các cán bộ, giáo viên của tỉnh đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi, học tập kinh nghiệm của các trường học trong và ngoài tỉnh để nâng cao công tác quản lý và tay nghề dạy học theo mô hình VNEN.
Đối với học sinh, các thầy cô hướng dẫn học sinh phát huy khả năng tự quản, năng lực tự học, tự chịu trách nhiệm của cá nhân, tổ nhóm cũng như các hoạt động khác,…; tạo điều kiện để các em học giỏi sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các em học trung bình, yếu; các em nhút nhát sẽ cố gắng vươn lên hòa cùng các bạn trong học tập, vui chơi… Đa số phụ huynh học sinh cảm thấy phấn khởi, an tâm hơn so với lúc đầu mới đăng ký tham gia các lớp học theo mô hình VNEN.
- Sau 3 năm triển khai, phản hồi của nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh Bến Tre về mô hình Trường học mới ra sao, thưa ông?
Có thể nói, thực hiện dạy học theo mô hình Trường học mới hình thành cho học sinh tính mạnh dạn, tự tin, giúp các em yêu thích, tự tin trong phát biểu ý kiến. Đồng thời, phát huy vai trò tự quản, sáng tạo trong trang trí các góc học tập, tạo không gian lớp học sinh động vui tươi.
Dạy học theo mô hình Trường học mới cũng thuận lợi cho việc vận dụng đánh giá về sự hành thành và phát triển một số năng lực và phẩm chất của học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Giáo viên không phải soạn giáo án, dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ nội dung bài, phương pháp dạy học; phương tiện và hình thức tổ chức sao cho phù hợp từng hoạt động để có hiệu quả. Học sinh không phải mang nhiều sách vở, dụng cụ hằng ngày đến lớp cồng kềnh như trước đây.
Ở Bến Tre, các phụ huynh đều đồng tình hưởng ứng và tự nguyện đăng ký cho con em tham gia. Một số đơn vị được sự ủng hộ kinh phí của các mạnh thường quân để mua sách Hướng dẫn học cho học sinh. Trường tiểu học Bình Hòa là một ví dụ điển hình.
- Xin cảm ơn ông!