Những bài học không có trong sách vở

Những bài học không có trong sách vở

(GD&TĐ) - Cô giáo mà tôi kể là cô Lê - giáo viên dạy Lịch sử Trường cấp 3 Lạng Giang những năm 1980. Ngày ấy nhà chúng tôi ở xa, nên được ưu tiên cho ở một phòng cạnh phòng cô trong khu nội trú của trường. Cả khu chỉ chừng hơn chục người ở nên cô trò chúng tôi sớm trở thành “những hàng xóm” thật gắn bó. Được ở cạnh cô, chúng tôi càng nhận ra cô sống thật thanh bạch, giản dị đúng như các anh chị khóa trước kể lại.

Tôi còn nhớ một buổi chiều chúng tôi và cô trên đường về khu nội trú bỗng thấy bên đường một chiếc ví căng tròn mà ai đó đánh rơi. Nhìn quanh chẳng thấy ai, cô bảo chúng tôi nhặt ví lên rồi đếm xem bên trong có bao nhiêu tiền. Chúng tôi mừng ra mặt, trong bụng đứa nào cũng nghĩ sẽ được chia nhau số tiền này nên giành nhau đếm, rồi đưa tất cả cho cô. Cô không nói gì, lặng lẽ lấy chiếc khăn mùi xoa cẩn thận gói lại, quay sang chúng tôi hỏi.

- Theo các em chúng ta làm gì với ví tiền này?

Chỉ chờ câu nói đó của cô, cả lũ đồng thanh:

- Chia mỗi người một ít đi cô!

Cô không nói gì, dõi mắt nhìn về xa xăm một lúc rồi nhẹ nhàng nói:

- Chia cũng được, nhưng cô thử hỏi nếu một ngày các em đánh rơi hết cả gạo, tiền để ăn trong một tuần thì có buồn không?

Chúng tôi thi nhau trả lời.

- Thưa cô, không chỉ buồn mà còn tiếc đến đứt ruột ấy chứ.

Cô mỉm cười rồi nói:

- Thế thì người đánh rơi chiếc ví với từng này tiền, nếu không tìm thấy chắc chết mất. Vì thế theo cô ngày mai cô trò mình nhờ nhà trường thông báo để trả lại chủ nhân của nó.

Sau ngày ấy chúng tôi càng khâm phục cô, coi cô như một thần tượng của mình và thấy đúng là cái nghề sư phạm thật cao quý. 

Thế nhưng, có một lần tôi đã hiểu nhầm cô. Hôm đó giờ học môn Sinh được nghỉ nên tôi tranh thủ về phòng ở để lấy cuốn sách. Về tới dãy nhà, tôi thấy một chiếc xe máy simson dựng ngay trước nhà cô. Cô đang có khách, một người đàn ông sang trọng đang nói chuyện với cô. Tôi khẽ khàng mở cửa vào phòng mình, thì bất chợt nghe giọng cô gay gắt:

- Tôi là nhà giáo nên không thể làm việc đó. Anh thông cảm và về cho!

Tính tò mò trong tôi trỗi dậy. Tôi bước lại đứng sát vách tường được ngăn bằng cót ép, lắng nghe cô và ông khách nói chuyện. Sau giọng gay gắt của cô, giọng ông khách đầy vẻ nhún nhường:

- Cô ạ! Tôi biết cô có thể giúp được cho cháu nên tôi mới mạo muội nhờ cô. Chỉ là một vài điểm thôi mà. Gia đình tôi sẽ không bao giờ quên ơn cô!

Tôi khẽ à lên một tiếng, thì ra là chuyện xin điểm cho con, định quay lưng đi thì nghe tiếng giấy sột soạt và giọng ông khách nói nhỏ:

- Xin cô nhận và giúp cho. Chỗ này là chút quà mọn tặng cô!

Không khí im lặng. Rồi tiếng đếm tiền sột soạt của những đồng tiền mới qua bức vách khiến tôi nghe rõ mồn một. Tôi như không tin vào sự thật. Thì ra cô là như vậy. Cái cảm giác của tôi lúc đó thật khó diễn tả. Cố kiềm chế, tôi tiếp tục yên lặng lắng nghe. Đầu óc tôi quay cuồng với câu hỏi: Chẳng lẽ cô lại là người có thể xiêu lòng trước đồng tiền như vậy sao? Vậy mà tôi đã luôn tự hào về cô.

Bất chợt, tôi nghe tiếng cô thở dài rồi nói một cách điềm tĩnh:

- Anh ạ, tiền ai cũng quý. Nhất là một số tiền lớn như thế này quả là quá lớn đối với một giáo viên như tôi

- Nhưng…

Cô ngừng lại vài giây rồi nói tiếp

- Anh đánh giá tôi quá thấp đấy. Chẳng lẽ nhân cách của một nhà giáo có thể mua được bằng tiền sao? Thôi, anh về đi và hãy bảo cháu cố gắng học…

Tiếng người khách lúng túng:

- Ơ kìa, cô… tôi…

Nhưng cô đã bước ra ngoài tỏ ý tiễn khách… Tôi đứng nén nhìn ra cửa. Người đàn ông lặng lẽ quay chiếc xe máy rồi rồ ga để lại luồng khói đen đặc. Tôi quay sang nhìn cô và bỗng thấy lòng ngập tràn cảm giác ân hận vì tôi chưa hiểu hết cô giáo của mình, vì đã thoáng nghĩ không tốt về cô.

Hôm nay kể lại câu chuyện về cô, tôi vẫn thấy mình có lỗi với cô nhiều lắm và lại mong một ngày được gặp cô - một cô giáo đã dạy cho tôi những bài học không có trong sách vở nhưng giá trị của nó đã vượt lên trên tất cả bởi phẩm chất cao quý của một nhà giáo.

 Mã số: 1005

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ