Nhưng không ít người nhận về những tấm bằng “vô giá trị”.
Bloomberg dẫn báo cáo từ Tổ chức Thương hiệu Ấn Độ ước tính, ngành giáo dục Ấn Độ trị giá 117 tỷ USD nhưng hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp không có những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm.
Về phía doanh nghiệp, họ cho biết gặp khó khăn trong việc tuyển dụng vì nhiều cử nhân ra trường không đáp ứng được trình độ việc làm lẫn kỹ năng cần có cho vị trí ứng tuyển. Vì lý do này, dù nhiều doanh nghiệp Ấn Độ cần tuyển dụng, tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ nằm ở mức 7,45% vào tháng 2, tương đương 22 triệu người.
Trong bối cảnh trên, ngành giáo dục Ấn Độ tiếp tục mở rộng với dự đoán đạt 225 tỷ USD vào năm 2025. Ở các đô thị nhộn nhịp, không khó bắt gặp những biển quảng cáo rầm rộ về các trường đại học tư thục cùng với lời cam kết “có việc làm ngay sau khi ra trường”.
Lời khẳng định này đánh vào tâm lý của nhiều sinh viên ra trường nhưng sốt ruột vì chưa tìm được việc làm. Do đó, không ít người đã đầu tư tiền bạc để đi học văn bằng 2, 3 với hy vọng nâng cao địa vị xã hội, cải thiện triển vọng hôn nhân, tìm việc làm trong chính phủ.
Anh Tanmay Mandal, 25 tuổi, sống tại thành phố Bhopal, đã chi hơn 4.000 USD (khoảng 94 triệu đồng) cho chương trình cử nhân Kỹ thuật dân dụng. Chàng trai trẻ tin rằng bằng cấp là con đường dẫn đến công việc và cuộc sống tốt hơn.
Ông Anil Swarup, cựu Thư ký Giáo dục Ấn Độ, ước tính trong số 16.000 cơ sở giáo dục đào tạo cử nhân, một số lượng lớn chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Một nghiên cứu cho thấy, chỉ 3,8% kỹ sư Ấn Độ hiện nay có các kỹ năng cần thiết để làm các công việc chuyên môn.
Tuy nhiên, Mandal hầu như không học được gì trong lĩnh vực này vì giáo viên dường như không được đào tạo đầy đủ. Sau khi tốt nghiệp, chàng trai không thể trả lời các câu hỏi chuyên môn khi đi xin việc nên vẫn thất nghiệp suốt ba năm qua.
“Tôi ước mình đã học một trường đại học chất lượng hơn. Nhiều người bạn của tôi cũng đang không có việc làm”, Mandal bày tỏ. Dù vậy, Mandal tiếp tục đăng ký học thạc sĩ ở một cơ sở giáo dục tư nhân khác vì tin rằng việc có nhiều bằng cấp có thể giúp anh nâng cao địa vị xã hội.
Hiện nay, hàng nghìn trường đại học tư thục quy mô nhỏ mọc lên tại Ấn Độ. Đặc điểm của những trường này là không tổ chức lớp học chính quy, giáo viên có trình độ chuyên môn thấp, chương trình giảng dạy lỗi thời hoặc không tạo điều kiện cho phép sinh viên đi thực tập, tìm việc làm. Một số sinh viên phản ánh tại những trường này, nhập học rất dễ dàng và có thể lấy bằng mà không cần lên lớp.
Vấn đề này càng nguy hiểm hơn trong lĩnh vực đào tạo y khoa. Năm 2019, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã cấm Trung tâm Nghiên cứu Bệnh viện Đại học Y tế RKDF, Bhopal, tuyển sinh 2 năm vì cơ sở này bị cáo buộc dùng bệnh nhân giả để giảng dạy. “Chúng tôi nhận thấy xu hướng đáng lo ngại khi một số cơ sở đào tạo y khoa sử dụng giảng viên, bệnh nhân giả để duy trì hoạt động”, toà án tuyên bố.