Đến nay, giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển sau độc lập của quốc gia Nam Á này.
Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947 nhưng phải mất 20 năm để công bố chính sách giáo dục đầu tiên vào năm 1968. Mục tiêu của chính sách nhằm xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và xây dựng chương trình đào tạo nghề cho người lao động.
Thời điểm độc lập, giáo dục nữ giới không được coi trọng. Người dân cũng e ngại khi cho con đến trường. Tuy nhiên, hiện nay, theo báo cáo của chính phủ, số lượng trẻ em gái đi học nhiều hơn trẻ em trai với tỷ lệ chênh lệch là 1,02.
Tỷ lệ người dân biết đọc chữ tăng từ 18,3% vào năm 1951 lên 77,7% vào năm 2017 – 2018. Số trường cao đẳng tăng từ 578 vào năm 1950 – 1951 lên hơn 42 nghìn vào năm 2021 – 2022.
Lĩnh vực chứng kiến sự phát triển không ngừng là giáo dục y tế. Số lượng các trường y đã tăng hơn 21 lần trong 75 năm qua, từ 28 trường vào năm 1951 lên 612 trường vào năm 2022.
Một nền tảng khác của ngành Giáo dục Ấn Độ là Chính sách Giáo dục quốc gia 2020. Đặt mục tiêu tiếp cận giáo dục theo hướng hiện đại hóa, chính sách được cho là sẽ “cách mạng hóa” giáo dục Ấn Độ. Chính sách này cũng gia tăng vai trò của các trường đại học nước ngoài tại Ấn Độ và quyết định vị trí giáo dục của quốc gia này trên thế giới trong những thập kỷ tới.