Sinh viên về hội quân với Tiểu đoàn 14 Pháo binh trực thuộc Sư đoàn cơ động chiến đấu 325B vừa được thành lập, chuẩn bị được tung vào chiến trường.
Một anh cán bộ cao to, trông thô ráp, với nước da đen đen, mai mái đặc trưng của người lính lăn lộn chiến trường nhiều năm trong bộ quân phục đã bạc màu, ra đón chúng tôi từ đầu làng. “Chào anh em, mình là Sơn, trợ lý Tham mưu Tiểu đoàn, chào đón anh em về đơn vị chiến đấu”. Anh cất giọng ồm ồm tự giới thiệu, kèm theo một nụ cười thân thiện. Anh Sơn đã ra mắt chúng tôi như thế.
Chúng tôi được phân chia về Trung đội Trinh sát và Trung đội Thông tin của Tiểu đoàn bộ - là những người lính đầu tiên của các trung đội này.
Sau một hai ngày nhận chỗ ở, ổn định, làm quen với nhau, với chỉ huy đơn vị, chúng tôi được anh Sơn trực tiếp theo sát, dạy cho những bài nghiệp vụ trinh sát đầu tiên. Nhìn anh, bề ngoài dường như không phải được sinh ra cho nghề trinh sát vì anh cao to quá khổ, đâu có dễ luồn lách, giấu mình.
Vậy mà vào cuộc chúng tôi mới biết anh nhanh nhẹn, hoạt bát cỡ nào. Từ ngọn đồi này, vừa chỉ cho anh em cách buộc vật chuẩn, thoắt cái anh đã ở bên người dựng máy đo ở đồi bên cạnh để hướng dẫn cách giá máy cho kín đáo, cách đo góc, đo điểm nhanh chóng.
Anh chỉ bảo tường tận cách quan sát địa hình, địa vật, dáng núi, bờ sông để xác định vị trí chính xác trên bản đồ, vạch đường, xuyên rừng, lội suối, đi cắt phương vị đến đích nhanh chóng, tránh để lộ dấu vết. Chúng tôi tuy là thanh niên mười tám đôi mươi mà phải toát mồ hôi mới theo kịp anh.
Tấm ảnh chụp ông Sơn năm 1975 (chụp ở căn cứ Nước Trong). Ảnh tư liệu |
Từ cách sử dụng các khí tài quan sát, đo đạc đến các bài tính cự ly, tọa độ, tìm phần tử bắn, gọi bắn, sửa bắn..., chúng tôi được anh hướng dẫn tận tình. Với cánh lính sinh viên, nhận thức nhanh, chỉ vài tháng sau chúng tôi đã nắm được cơ bản các ngón nghề trinh sát pháo binh, vốn liếng đã tương đối đủ dùng, sẵn sàng vào trận.
Anh rất vui khi được sống gần với cánh lính sinh viên, một phần vì anh cũng xuất thân từ môi trường đại học. Trước khi nhập ngũ, anh đã tốt nghiệp Đại học Thuỷ sản và ra công tác vài năm. Nhưng vì có kiến thức, sức khỏe tốt nên anh được quân đội tuyển chọn vào trung đoàn lính dù đầu tiên mới được thành lập.
Sau đó không hiểu vì lý do gì mà đơn vị dù giải tán, thế là anh bổ sung vào chiến trường, lăn lộn nhiều năm ở đơn vị pháo binh với vai trò mới - trinh sát pháo binh. Cũng vì thế mà chúng tôi mới có duyên để được gặp, được sống và chiến đấu cùng anh.
Có thể vì anh xuất thân giống cánh sinh viên chúng tôi nên những câu chuyện đời thời sinh viên, thời mới ra trường công tác, lấy vợ cho tới chuyện thời lính chiến qua giọng kể hấp dẫn của anh, trong những lúc chúng tôi nghỉ giải lao, sao mà gần gũi, thú vị.
Chúng tôi tìm thấy được sự sẻ chia, cảm thông; sự dìu dắt, thương yêu của người đàn anh đi trước, giúp chúng tôi ngày một hoàn thiện hơn để trở thành những người lính thực thụ mà không đánh mất đi cái chất sinh viên vui tươi, lãng mạn.
***
Trong những câu chuyện ấy, với tôi, ấn tượng nhất là chuyện anh kể về lần hành quân trên đường Trường Sơn vào chiến trường, đơn vị anh bị máy bay ném bom T28 truy lùng, oanh tạc. Đoàn xe bị đánh trúng đội hình. Xe của trung đội trinh sát mà anh là trung đội trưởng chạy tránh, nhưng cũng bị trúng bom, bốc cháy phải bỏ lại ven đường.
May mà người và khí tài kịp thoát ra, không bị thương vong, mất mát. Các anh mang vác toàn bộ khí tài, súng AK, tư trang trên vai, cuốc bộ đi tìm đơn vị. Loanh quanh cả ngày trong rừng, ngổn ngang cây đổ, khói bom, rừng cháy mờ mịt mà chả thấy tăm hơi đơn vị đâu.
Cũng đã có ý kiến, thôi thì lạc rồi, chỉ còn đường quay lại, ra Bắc. Anh to khoẻ nhất nên nhận đeo trên lưng cái pháo đội kính nặng nhất, động viên anh em cứ bám vệt mòn trong rừng mà đi tiếp vào sâu. Đi vài ngày, các anh gặp một binh trạm.
Trạm trưởng sau khi nghe trình bày hoàn cảnh bị lạc đơn vị, tỏ ra rất cảm thông, nhưng rồi lại động viên: “Thôi thì các anh ở luôn đây, gia nhập với đơn vị của binh trạm này. Ở đâu mà chả tham gia chiến đấu”!. Trải qua trận bom hút chết nhớ đời, lại sau nhiều ngày hành quân bộ mệt mỏi, vô vọng, nhiều anh em trong trung đội cũng muốn ngả theo đề xuất của trạm trưởng.
Đêm, mắc võng nghỉ lại binh trạm, anh Sơn băn khoăn suy nghĩ: Ở lại binh trạm thì đỡ nguy hiểm hơn hẳn so với đi sâu vào chiến trường. Nhưng giờ đây, chắc ở tiểu đoàn, các anh chỉ huy đang rất lo lắng vì thiếu khí tài, thiếu trinh sát thì như thiếu tai mắt vậy, bắn chác làm sao.
Thêm nữa, các anh ở binh trạm thông cảm với mình chỉ là một phần, có khi các anh ấy thấy bộ khí tài trinh sát pháo mới, tự dưng trên trời rơi xuống ngon quá, nên cũng muốn nhân dịp này mà bổ sung thêm vốn liếng nhân lực, vật lực cho đơn vị cũng nên.
Sáng ra, anh Sơn từ chối dứt khoát với trạm trưởng và dẫn anh em trung đội, xốc ba lô, đi tiếp vào trong. Một tối, đến bãi nghỉ ven đường các anh quyết định dừng chân một ngày cho lại sức. Sau khi mắc xong cái võng, anh xuống ven con suối gần đó rửa chân tay, nghe tiếng lào xào của những người lính cùng bãi nghỉ gọi nhau.
Anh bỗng thấy giọng Nghệ quen quen, hình như giọng đại đội trưởng! Đúng đại đội trưởng rồi. Các anh nhận ra nhau, mừng quá. Ơn trời thế nào mà bộ phận đi lấy gạo của đại đội trưởng lại dừng đúng bãi nghỉ này.
“Tôi tưởng các cậu hy sinh hết rồi. Sau khi bị bom đánh, tiểu đoàn vẫn nhanh chóng hành quân tiếp qua vùng hỏa lực. Tôi có quay lại đi tìm, thấy xe các cậu chạy lạc, cháy rụi nằm ven đường mà không thấy tung tích các cậu đâu cả nên vừa báo cáo lên trên xin bổ sung người, khí tài. May mà các cậu còn, khí tài còn vậy là hay quá rồi”. Sáng hôm sau các anh đã hội quân cùng đơn vị và tiếp tục hành quân vào chiến trường - nơi ấy đang chờ các anh.
***
Chuyện nghe đơn giản có vậy, nhưng tác động tới tâm lý của cánh lính mới chúng tôi ghê gớm lắm. Chúng tôi cứ hình dung nếu mình rơi vào hoàn cảnh ấy: Lạc đơn vị không biết nơi nào mà tìm trên những con đường nhằng nhịt ở Trường Sơn.
Trong khi các phương án thỏa hiệp dễ dàng, nhẹ nhàng như quay ra Bắc hay ở lại binh trạm với lý do chính đáng hấp dẫn biết bao nhiêu. Trong tình huống ấy liệu chúng tôi có vượt qua được không?! Suy nghĩ đơn giản và kiên định của các anh: Đơn vị cần mình, thì mình phải đi tiếp vào chiến trường để tìm đơn vị, đã nói lên rất nhiều điều mà chúng ta hay mô tả là lòng yêu nước, là tinh thần xả thân hay lòng dũng cảm... Nhưng trên hết đấy chính là trách nhiệm của người lính trong quân đội.
Như vậy, bằng những câu chuyện nho nhỏ của mình, từng ngày, anh Sơn vô tình đã khắc hoạ trong nhận thức của các chàng lính trẻ chúng tôi những bài học vô giá về nhân cách, về trách nhiệm, về kỷ luật và tình cảm người lính. Những điều quý báu ấy đã đi theo chúng tôi suốt những ngày gian khó, ác liệt trên các mặt trận từ Quảng Trị cho đến Sài Gòn.
Tại chiến trường Quảng Trị đỏ lửa tháng 7 năm 1972, chính anh lại là người dìu dắt chúng tôi bước vào trận đầu tiên (tôi đã có bài viết riêng cho trận này). Anh không chỉ là cánh tay đắc lực của tiểu đoàn trưởng trong tổ chức các trận đánh của tiểu đoàn, mà ở những tuyến quan trọng, ác liệt anh còn được tiểu đoàn trưởng giao cho làm đài trưởng đảm bảo chỉ huy bắn.
Đi cùng trong tổ đài với anh, lính trinh sát và thông tin chúng tôi rất yên tâm vì có người chỉ huy can đảm, nhanh nhẹn, tháo vát và dày dặn kinh nghiệm trận mạc. Anh ở đơn vị, tham gia chiến đấu cùng chúng tôi cho đến hết chiến dịch Quảng Trị.
Năm 1973, sau khi ký Hiệp định Pari, tôi được theo anh tổ chức một lớp tập huấn tiểu đội trưởng trinh sát pháo binh cho các trung đoàn bộ binh trong sư đoàn. Xong lớp tập huấn ấy, anh chuyển lên ban pháo của sư đoàn. Còn chúng tôi, đi tiếp đến hết cuộc chiến trong đội hình của Trung đoàn Pháo binh 84.
Tôi chỉ thỉnh thoảng được gặp anh mỗi khi anh xuống truyền mệnh lệnh của sư đoàn và kiểm tra các đơn vị pháo binh chuẩn bị cho các trận đánh. Tháng 10/1975, tôi theo tiểu đoàn ra Côn Đảo thì xa anh hẳn và mất liên lạc với anh từ đó.
Tác giả (trái) cùng đồng đội năm xưa đến thăm ông Sơn (giữa). Ảnh: NVCC |
***
Năm 1996, tôi đang làm việc tại Tổng cục Hậu cần thì nhận được một bức thư viết tay do bạn tôi ở Trường Sĩ quan Pháo binh chuyển về. Nhìn nét chữ quen quen, tôi giật mình khi đọc dòng đầu tiên “Minh thân mến, mình là Sơn đây”, tôi run run xúc động. Đúng anh đây rồi. Anh đang công tác tại Trường Sĩ quan Pháo binh.
Chúng tôi liên lạc với nhau qua thư từ được vài tháng thì gặp lại, anh tìm đến tận nhà thăm tôi. Khỏi phải nói chúng tôi đã mừng rỡ như thế nào khi được ngồi bên nhau hàn huyên sau hơn 20 năm thất lạc. Anh vẫn thế, giọng rổn rảng, đầy nội lực, nụ cười miệng rộng vẫn tươi, rạng rỡ mỗi khi chúng tôi cùng nhắc đến kỷ niệm chiến trường xưa.
Qua lời anh kể, tôi được biết, sau chiến tranh anh ra học lớp đào tạo cán bộ Tiểu đoàn ở Trường Sĩ quan Pháo binh rồi được giữ lại trường làm giáo viên. Người lính thực chiến dày dạn kinh nghiệm, đầy đủ kiến thức, giỏi về truyền đạt và thông minh như anh làm giáo viên là quá phù hợp.
Tuy thế, anh cũng chỉ đứng trên bục giảng, trên thao trường được vài ba năm. Cái khó vì nền kinh tế đất nước giảm sút của những năm 80 đã lôi anh ra khỏi đội ngũ giáo viên của trường. Nhà trường đành hy sinh một giáo viên giỏi như anh để chuyển sang làm kinh tế.
Anh được cử lên vùng mỏ Quảng Ninh, phụ trách một bộ phận tổ chức khai thác, thu mua, kinh doanh than. Nguồn thu được đưa về trường để cải thiện cơ sở vật và bổ sung thu nhập cho cán bộ, giáo viên, vượt qua những năm tháng đất nước còn khó khăn.
Với tính cách xông pha, không ngại khó, lăn lộn nhiều năm ở vùng mỏ, anh đã thành công khi chủ động triển khai nhiệm vụ làm kinh tế cho nhà trường. Rồi đến tuổi, anh về nghỉ hưu.
Tôi biết nhiều người làm than trên vùng mỏ, nhưng chưa thấy ai như anh. Anh kể chuyện để có tiền nuôi các con ăn học, khi anh chị mới về nghỉ hưu, người thì ngồi bên hiên nhà bơm, vá săm lốp xe đạp, xe máy, người bán xăng lẻ ở vườn hoa đầu phố.
Anh chị xây căn nhà nhỏ cho gia đình bằng những đồng lương tiết kiệm ít ỏi, tự vượt đất, tự đóng gạch và cũng trực tiếp làm phụ hồ. Món quà duy nhất của đơn vị hỗ trợ anh làm nhà là vài tấc gỗ nhóm bốn vừa đủ làm vài bộ cửa.
Đến nhà anh thăm cũng chả thấy đồ đạc gì giá trị. Anh chị sống giản dị nhưng tình cảm ấm áp. Các con của anh chị lớn lên trong môi trường ấy đều đã trở thành những con người tốt, thành đạt, có ích cho xã hội.
Tôi vẫn đến thăm anh chị hàng năm. Tuy rằng sức khoẻ giảm sút nhiều do kinh qua chiến tranh, qua cuộc sống vất vả, nhưng thấy anh vẫn ổn, vẫn giữ được nụ cười tươi khi gặp anh em đồng đội, tôi tạm thấy yên tâm.
Tôi luôn nhớ đến anh, như một ân nhân, một người đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, hình thành tính cách con người, giúp tôi trở nên chính là tôi của những năm tháng trong và sau chiến tranh cho đến tận ngày hôm nay. Thực sự tôi biết ơn ANH.