Đó là việc ông đã chứng kiến 19 đồng đội lần lượt ngã xuống trong trận đánh ác liệt ngày ấy.
“Trung đội 1 thắng 100”
Tháng 5/1971, chàng trai Vũ Quang Thành (xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) tròn 18 tuổi, tình nguyện lên đường nhập ngũ. Anh xung phong vào đội hình của Trung đoàn 14, thuộc Tỉnh đội Thanh Hóa, là lực lượng bổ sung cho đơn vị chủ lực Sư đoàn 304A.
Trung đội của người lính trẻ Vũ Quang Thành khi ấy mang tên Trung đội Mai Quốc Ca. Trung đội gồm 20 tay súng là những trai tráng quả cảm, ngùn ngụt nhiệt huyết do Mai Quốc Ca - chàng trai quê ở xã Hà Hải, huyện Hà Trung, Thanh Hóa làm Trung đội trưởng.
Sau những ngày tập luyện trên thao trường ở Như Xuân (Thanh Hóa) và đất Bố Trạch (Quảng Bình), đầu năm 1972, Trung đội Mai Quốc Ca tiến vào mặt trận Quảng Trị. Nhiệm vụ đầu tiên của trung đội là vận chuyển nhu yếu phẩm, vũ khí, đạn dược cho tiểu đoàn đánh vào các căn cứ vùng giáp ranh tại Đầu Mầu, núi Kiến (Quảng Trị).
Ông Thành nhớ lại, vào đêm 9/4/1972, Trung đội Mai Quốc Ca nhận nhiệm vụ vận chuyển 100kg thuốc nổ TNT để đánh sập cầu Quảng Trị (nay là cầu Thạch Hãn), chặn quân tiếp viện của địch từ thị xã Quảng Trị lên ứng cứu cho Đông Hà, Ái Tử - 2 (căn cứ quân sự lớn của địch tại vùng chiến thuật I).
Mục tiêu của việc đánh sập cầu là để tạo điều kiện để các cánh quân của ta mai phục sẵn ở hai bờ sông Thạch Hãn và các vùng phụ cận tiêu diệt lực lượng địch tại chiến trường Quảng Trị.
Ông Thành xúc động nhớ lại giây phút chiến đấu đẫm máu cùng đồng đội. |
“Rạng sáng ngày 10/4/1972, tiểu đội đầu tiên của trung đội xuất kích, đến gần cầu Thạch Hãn thì vướng phải mìn của địch. Mục tiêu bị lộ, địch hốt hoảng khi thấy bộ đội chủ lực của ta xuất hiện ngay bên Thành cổ Quảng Trị.
Quân địch khẩn cấp điều cùng lúc 3 tiểu đoàn lính tinh nhuệ, gồm lính dù, biệt động và thủy quân lục chiến, huy động máy bay, pháo binh, xe tăng yểm trợ, tạo thành một gọng kìm bao vây Trung đội Mai Quốc Ca. Chúng tôi nằm giữa vòng vây của địch”, người cựu binh nhớ lại.
“Khi ấy, anh em vẫn động viên nhau cố hết sức mình phá vòng vây”, ông Thành bồi hồi nhớ lại. Dưới sự chỉ huy bình tĩnh, mưu trí của Trung đội trưởng Mai Quốc Ca, các chiến sĩ vừa anh dũng đánh trả nhiều đợt tấn công, tận dụng địa thế, người trước xông pha, người sau yểm trợ; anh em tỏa ra các hướng chiến đấu độc lập, kiên quyết bám trụ, đánh địch đến cùng.
Người này hy sinh, người khác xông lên chiến đấu. Thế trận giằng co quyết liệt từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Cả trung đội chiến đấu đến không còn viên đạn nào.
“Do chênh lệch lực lượng quá lớn, đến quá trưa ngày 10/4/1972, hầu hết các chiến sĩ của trung đội lần lượt hy sinh”, ông Thành nghẹn ngào.
Trong cuộc chiến đẫm máu ấy, trước khi ngã xuống, các chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca đã tiêu diệt 125 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác, phá hủy một xe quân sự, làm chậm chi viện của địch từ phía Nam ra.
Quân địch không cho chôn cất thi thể 19 liệt sĩ của trung đội mà bắt nhân dân đặt xác các anh trên miệng hố bom. Bà con thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đã đấu tranh giành giật với chúng để lấy thi thể các anh đưa đi chôn cất.
Với những chiến công ấy, năm 1973, Trung đội Mai Quốc Ca được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, đồng thời phong tặng danh hiệu “Trung đội 1 thắng 100” cho Trung đội Mai Quốc Ca để tưởng nhớ chiến công của những người lính thép, ngoan cường, dũng cảm, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, lập chiến công hiển hách.
Về phần mình, ông Thành bị thương nặng, mảnh đạn pháo găm vào hông trái. Ông bò ra phía bờ sông Thạch Hãn, nằm bất tỉnh. Quân địch phát hiện và đưa ông vào cấp cứu ở Huế rồi sau đó đưa ông đi lòng vòng các nhà lao ở Đà Nẵng để tra khảo.
Không tra hỏi được gì, địch lại đưa chuyển ông sang trại giam ở Non Nước (Đà Nẵng), rồi tới nhà giam dưới chân núi Sơn Trà. Tra tấn, thuyết phục, dọa dẫm... thấy không kết quả, tháng 9/1972, quân địch đưa ông Thành ra trại tù Phú Quốc... Tại đây, ông trải qua những ngày ở “địa ngục trần gian”.
Ngày 10/3/1973, sau khi Hiệp định Paris ký kết, ông cùng các đồng đội bị giam cầm đã được trả tự do ngay tại bờ sông Thạch Hãn, gần với trận địa ác liệt đêm 10/4/1972.
Vết thương cũ tái phát, người lở loét, ông được về an dưỡng, điều trị tiếp thương tật ở Yên Sơn, Tuyên Quang. Tỷ lệ thương tật 51%, xếp hạng 3.
Năm 1974, ông được đơn vị cho phục viên trở về quê hương rồi đi học lớp trung cấp kế hoạch và tham gia công tác tại địa phương.
Đài tưởng niệm 20 giọt máu 19 sinh mệnh
Ông Thành bên tấm ảnh ngày đầu tiên trở lại thăm chiến trường xưa. |
Hơn 50 năm đã qua đi, hồi ức sống và chiến đấu cùng những người đồng chí, đồng đội ở Trung đội Mai Quốc Ca vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí cựu chiến binh Vũ Quang Thành.
Ông cũng đã nhiều lần trở lại Quảng Trị - mảnh đất khói lửa khốc liệt một thời, thăm lại trận địa xưa, vào nghĩa trang thắp nén tâm nhang tưởng niệm những người đã khuất. Sau ngày thống nhất, núi sông liền một dải, hài cốt của các chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca được cải táng, quy tập về Nghĩa trang Ái Tử, huyện Triệu Phong.
Trong một không gian chung, những ngôi mộ nằm sát bên nhau như chưa hề có cuộc chia ly đẫm máu, khốc liệt ngày ấy.
Tháng 6/1996, khi về thăm lại chiến trường xưa, nơi những đồng đội ngã xuống, ông Thành đau đớn khi nhận ra trong nghĩa trang là 20 ngôi mộ ngay ngắn, nằm sát bên nhau. Trên bia đều đề chung một cái tên “Mộ liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca”, trong đó có cả ngôi mộ mang tên ông, cùng thông tin về quê quán và ngày mất.
Sau này, khi xác định thông tin các liệt sĩ được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong, Ban liên lạc Trung đoàn 9 đã đề nghị Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH cho phép khai quật hài cốt liệt sĩ ở đây, lấy mẫu ADN gửi Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam để tổ chức giám định.
Vượt qua biết bao gian nan, vất vả, kết quả đối chiếu với mẫu ADN của thân nhân các liệt sĩ thuộc Trung đội Mai Quốc Ca có 16/19 mẫu trùng khớp. Năm 2014, phần mộ của 16 liệt sĩ thuộc Trung đội Mai Quốc Ca đã được gắn tên, bổ sung thêm thông tin.
Ngay tại nơi các chiến sĩ của Trung đội Mai Quốc Ca hy sinh, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ GTVT xây dựng đài tưởng niệm bên bờ sông Thạch Hãn. Đài tưởng niệm lấy ý tưởng hình tượng của một trái tim lớn, bên trong có 20 giọt máu tượng trưng cho 20 sinh mệnh, 20 cuộc đời, 20 chiến sĩ của Trung đội anh hùng…