Giờ đây, những người lính năm xưa còn lại, vẫn luôn nhớ về đồng đội đã mang lời thề “Hi sinh vì Tổ quốc, giải phóng Mộ Đức” vào lòng đất mẹ.
Năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy Quảng Ngãi, quân và dân trong tỉnh đã đồng loạt nổi dậy. Từ Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, đến Sơn Tịnh, Bình Sơn; từ miền núi đến đồng bằng, lực lượng vũ trang của ta tổ chức tấn công, cắt đứt các trục đường giao thông, từng bước cô lập, tiêu hao sinh lực địch, tiến hành trận tổng tiến công tiến vào giải phóng thị xã Quảng Ngãi. Chỉ sau hơn 12 tiếng đồng hồ, với những trận đánh như vũ bão, quân và dân Quảng Ngãi đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ cơ sở địch, giành chính quyền về tay nhân dân.
Mùa Xuân năm 1975, với khí thế thần tốc, quyết liệt, quân và dân Quảng Ngãi đã liên tục tấn công và nổi dậy, tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ hệ thống quân sự và chính trị của địch, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi. Quân và dân tỉnh Quảng Ngãi cùng toàn miền Nam và cả nước thừa thắng tiến tới, giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất toàn vẹn non sông.
Nhớ lại những tháng ngày ở Mộ Đức, người cựu chiến binh năm xưa vẫn nhớ từng gương mặt đồng đội, từng củ sắn bẻ nửa, ngụm nước chia nhau… Đó là những anh em, đồng chí ở Trung đoàn Bộ binh 1 (Trung đoàn Ba Gia) thuộc Sư đoàn Bộ binh 2, Quân khu 5 trong cuộc chiến giành lại Mộ Đức (Quảng Ngãi)…
Mùa Hè đỏ lửa Quảng Trị 1972 kết thúc. Sư đoàn Bộ binh 2 cũng tổn thất rất lớn trong chiến dịch Kon Tum. Trước đó, sư đoàn đã có khúc khải hoàn ca đại thắng rực rỡ tại Đắc Tô, Tân Cảnh. Trung đoàn Thép chủ công (Trung đoàn Ba Gia) trở về quê mẹ Quảng Nam, Quảng Ngãi (nơi được thành lập ngày 20/11/1963).
Tháng 8/1972, trung đoàn đóng quân trên núi Tam Cọp, Ba Tơ, chưa hồi sức ổn định, đơn vị hành quân về Tam Quan, Bình Định giải quyết đồn 10. Đây là nơi có một đơn vị lính Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.
Nghề binh chiến, lại biên chế trong đội hình Trung đoàn Thép đầy truyền thống anh hùng (ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến đấu), mặc dù đã “te tướp” tại Kon Tum, cả trung đoàn vẫn hừng hực khí thế anh hùng ra trận, bởi tuổi trẻ nào xá gì!
Cô giao liên dẫn đường mặt rạng rỡ như bông hồng, len lỏi trong đoàn quân, bẻ từng miếng bánh đa, miệng cười liến láu: “Mời các anh ăn bánh quê em, đánh chết không hết cái nết bánh đa cùi dừa. Các anh ăn là nhớ mãi Bình Định quê em”.
Đến giờ vẫn nhớ, nhớ nhất vẫn là em, cô giao liên dũng cảm xinh xắn vui tính! Một giờ cùng bánh đa cùi dừa thì có lệnh quay lại, lính đồn 10 đã rút chạy.
Khối hỏa lực Trung đoàn Ba Gia gặp mặt năm 2005. Ảnh tư liệu |
Về lại Tam Cọp sau thời gian ngắn, đơn vị được lệnh vào Chiến dịch X11, cùng toàn quân đánh đều khắp trên các chiến trường để tạo thế cho phái đoàn ta trên bàn Hội nghị Paris. Mục tiêu của Trung đoàn Ba Gia cùng các đơn vị phối thuộc của sư đoàn là toàn tuyến đồn bốt của địch từ cầu sông Vệ đến ngã tư Thạch Trụ dọc theo hai bên Quốc lộ 1A. Đại đội Cối 82 mm chúng tôi tập trung cả vào hướng mục tiêu núi khoáng thuộc Đức Tân, Mộ Đức, chi viện cho công binh đặc công và Tiểu đoàn Bộ binh 2.
Cả ngày 15/9 lưng đeo ba lô súng đạn, vai vác cột, kèo, cây, cót, mũ gắn khẩu hiệu: “Hy sinh vì Tổ quốc! Giải phóng Mộ Đức”.
Trời oi bức, khó chịu vô cùng. Chúng tôi lại phải len lỏi di chuyển trong rừng cây, bụi rậm để giữ bí mật. Chập tối, cả đơn vị mới đến được vùng giáp ranh giữa xã Đức Phú và Đức Tân. Xa xa đã thấy núi khoáng kia rồi, lệnh dừng lại chờ giờ xuất phát.
Hai giờ sáng ngày 16/9/1972, lệnh xuất phát theo lộ tiêu của trinh sát được 10 phút thì giông bão nổi lên, mưa gió quất rát mặt. Chẳng mấy chốc, cánh đồng trước mặt đã ngập nước trắng băng, bì bõm tìm lộ tiêu trôi nổi canh chừng hướng núi để đi. Người trước rước người sau, người sau bám người trước, mãi rồi cũng đến được nơi tập kết.
Trận địa pháo của Đại đội 17 đặt trên nền đường sắt Bắc - Nam cũ. Hầm đào đến đâu, nước ngập đến đó. Bốn khẩu súng cối 82 với đủ cơ số đạn cần thiết phải đặt trên mặt đất. Bộ đội dìm người trong hầm ngập nước để tìm hơi ấm chờ giờ G.
Đúng 5 giờ sáng, ba quả pháo hiệu vạch nền trời bay thẳng lên. Lệnh khai hỏa đã phát, súng cối 82 mm, ĐKZ, SMPK 12,7mm nhất loạt dội lửa lên điểm cao. Chừng 15 phút hỏa lực dừng, bộ binh Tiểu đoàn 2 ào ạt xông lên. Lúc sau đột ngột xuất hiện một con quỷ trên không! Đó là chiếc tàu Gông hai thân VO2. Nó to lớn đen trũi kềnh càng, bật đèn xanh đỏ nhấp nháy gầm rú vút lên, lao xuống mau lẹ vô cùng. Nó như thao túng cả trận địa, trút đạn 20 mm, phóng rocket đầy tự tin xuống trận địa. Chúng tôi như được chứng kiến một hung thần của thế giới siêu nhiên thực sự chứ không phải cỗ máy do con người điều khiển. Sau nghe nói đó là viên thiếu tá Mỹ, một trong hai phi công lái VO2.
Chừng 5 phút sau, những loạt SMPK 12,7mm mới bắt đầu lên tiếng. 3 viên... 5 viên... ngập ngừng dè dặt, dần quyết liệt hơn mỗi khi VO2 bổ xuống… Cháy rồi!!! Cả trận địa như vỡ òa.
Cuối cùng, cái con ma - tên hung thần ấy cũng phải khuất phục, bùng cháy như bó đuốc, ngóc lên rồi cắm đầu xuống ruộng nước phía cầu Giắt Dây. Hai phi công bật dù, lạng ra phía biển.
Xạ thủ bấm cò hạ chiếc tàu Gông hôm đó là Phan Huy Thành - anh lính trẻ nhà khu tập thể Nguyễn Công Trứ - Hà Nội thuộc Đại đội 14, Trung đoàn Ba Gia.
Chiến dịch X11 còn kéo dài tới qua Tết năm đó cùng với chiến công góp phần thắng lợi cho đoàn ta trên bàn Hội nghị Paris được ký ngày 27/1/1973. Anh em trung đoàn hi sinh, thương vong rất nhiều. Giờ đây, những người tham gia trận đánh chiếm núi Khoáng năm xưa còn lại như Phan Huy Thành, Nguyễn Văn Chi, Nghiêm Xuân Hoạt, Trần Thanh Uy, Nguyễn văn Đức, Trần Thắng Lợi, Nguyễn Văn Síu… vẫn luôn nhớ về đồng chí, đồng đội đã hy sinh, mang theo lời thề “Hy sinh vì Tổ quốc! Giải phóng Mộ Đức” vào lòng đất mẹ.