Nhu cầu chính đáng

GD&TĐ - Những ngày vừa rồi, hình ảnh dòng người đội nắng, vượt mưa, rồng rắn kéo nhau về quê trên các tuyến quốc lộ... gây tác động rất lớn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngoài sự khổ cực mà người dân phải chịu đựng khi phải trải qua một hành trình dài mang tính tự phát trên xe máy với lỉnh kỉnh đồ đạc, vợ con... còn phải kể đến sự lúng túng của nhiều địa phương trong việc tiếp nhận người trở về.

Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có 3,5 triệu người các địa phương cả nước làm việc tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, trong đó 2,1 triệu người muốn về quê.

Trong lúc các tỉnh thành nằm trên hành trình về quê của người dân tỏ ra sốt sắng trong việc dẫn đường, cung cấp một vài dịch vụ miễn phí... thì những địa phương sẽ đón công dân của mình về lại tỏ ra chần chừ.

Nỗi lo lớn nhất của họ chắc hẳn là làm thế nào để tiếp nhận, tổ chức phân loại, cách li người trở về nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.

Lo ngại ấy không phải là không có cơ sở. Chẳng hạn, An Giang đã có 40 nghìn người trở về, qua xét nghiệm nhanh có 190 người nhiễm SARS-CoV-2, Kiên Giang 32 nghìn người thì có 122 người nhiễm... Qua tính toán có khoảng từ 0,1% đến 0,2% người mắc Covid-19 và nếu không kiểm soát được thì nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất cao.

Chưa kể việc phải huy động nguồn lực, nhân viên y tế, cơ sở vật chất… cho hàng chục nghìn người trong bối cảnh dịch dã kéo dài.

Nhận thấy số lượng người dân có nhu cầu về quê cùng một thời điểm quá lớn, sự phối hợp giữa các địa phương chưa chủ động, nhịp nhàng, gây ùn ứ tại các điểm kiểm soát dịch, khiến người dân vất vả thậm chí nguy hiểm tính mạng, ngày 7/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc phối hợp đưa đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được về quê an toàn, chu đáo.

Công điện nêu rõ: Sau một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, một bộ phận người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... muốn về quê. Đây là nhu cầu chính đáng tuy nhiên nếu không tổ chức tốt việc đưa, đón để người dân phải tự phát về quê thì sẽ dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan ra nhiều địa phương trong cả nước.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương đã dừng thực hiện Chỉ thị 16 tích cực vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại, để hỗ trợ an sinh, tham gia khôi phục sản xuất kinh doanh. Với những người vẫn muốn về quê, cần chủ động lập danh sách, thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa đón.

Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ như tháo bỏ nút thắt trong tư duy, điều hành của nhiều địa phương. Coi nhu cầu trở về quê của người dân là chính đáng, Chính phủ không chỉ muốn giảm bớt khó khăn trong quá trình di chuyển cho người dân mà hơn thế mong họ yên tâm hơn khi biết về đến quê sẽ được phân loại, cách li trong tâm thế đàng hoàng.

Bởi ai cũng hiểu, cực chẳng đã họ mới phải dứt áo rời bỏ mảnh đất đã cưu mang, cho họ cơ hội. Và quê, nơi ấy là chốn bình yên cho dù sẽ còn nghèo, còn khổ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.