1. Khám phá công dụng chữa bệnh của nhót
Lá nhót có vị chua, tính bình, vô độc, dùng tươi hay sấy khô chữa lỵ, cảm sốt, hen xuyễn, nhiều đờm với liều 6 -10g mỗi ngày, dưới dạng bột hay thuốc sắc.
Quả nhót có vị chua, chát, tính bình. Có tác dụng thu liễm, trừ ho suyễn (chỉ khái bình suyễn), chống chảy máu (chỉ huyết). Dùng chữa tiêu hoá kém (tiêu hoá bất lương), lị, ho suyễn, băng huyết, sán khí, trĩ lở loét (trĩ sang).
Rễ nhót nấu nước tắm chữa mụn nhọt, không kể liều lượng.
2. Những bài thuốc hay từ nhót
- Trị lỵ trực khuẩn và bệnh tiêu chảy,viêm đại tràng mạn tính:
- 20 - 30g lá nhót tươi hoặc 6 - 12g lá nhót khô, sao vàng, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày, trước các bữa ăn 1,5 giờ.
- Có thể uống liền 1 - 2 tuần đến khi hết các triệu chứng. Hoặc dùng dưới dạng bột lá nhót khô, ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 8 - 12g, uống với nước cơm; hoặc phối hợp đồng lượng với bột của vỏ cây Đỗ trọng nam. Lưu ý: khi uống cần kiêng các thức ăn tanh, lạnh: cá cua, ốc, ếch...
- Trị ho, nhiều đờm, hen suyễn: lá nhót 16g sao vàng, lá táo ta (táo chua) 12g sao vàng; hạt cải củ, hạt cải bẹ, mỗi thứ 6g, sao vàng, giã giập. Hạt cải củ, cải bẹ gói vào miếng vải sạch, cho vào cùng sắc nước với lá nhót và lá táo. Sắc 2 - 3 lần, gộp dịch nước sắc lại, chia 3 lần uống trong ngày trước bữa ăn 1,5 giờ. Uống liền 2 - 3 tuần đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
- Trị ho, hen, khó thở: có thể dùng quả nhót 6 - 12g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm, hay thuốc bột. Uống nhiều ngày, tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
- Trị ho ra máu, hoặc nôn ra máu, chảy máu cam: rễ nhót 16g sao đen, phối hợp với cỏ nhọ nồi, ngải diệp, trắc bách diệp. Tất cả đều sao đen, sắc uống ngày một thang, chia 3 lần uống trước bữa ăn 1,5 giờ. Trong khi uống thuốc, cần kiêng các đồ cay nóng: rượu, bia, ớt...