Nhóm trao đổi giáo viên - phụ huynh trên mạng xã hội: Mệt mỏi vì sai mục đích

GD&TĐ - Quá trình liên lạc giữa phụ huynh - giáo viên khá thuận tiện khi trao đổi thông tin qua các group Zalo, Facebook.

Tiết học của trẻ Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức, TPHCM).
Tiết học của trẻ Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức, TPHCM).

Tuy nhiên, không ít phụ huynh có thói quen nhắn tin không liên quan đến việc học tập của con em vào nhóm chung. Điều đó, không chỉ tạo phiền phức cho nhiều người, mà còn gây áp lực với giáo viên.

Giáo viên áp lực

Ở bậc mầm non cũng như cấp tiểu học, giáo viên rất vất vả, nhất là dịp đầu năm học mới do trẻ mới ra lớp, còn nhiều bỡ ngỡ. Điều khiến không ít giáo viên bị căng thẳng, áp lực chính là sự giao tiếp với phụ huynh trong bối cảnh công nghệ thông tin, điện thoại smartphone liên tục “tinh, tinh” những cuộc gọi, tin nhắn mọi nơi, lúc, không còn khoảng cách về thời gian, không gian.

Cô Nông Thúy Lành - giáo viên trường mầm non tư thục tại TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, nhóm chat Zalo rất thuận tiện, bởi khi cần thông báo vấn đề, tất cả phụ huynh sẽ nhận được nhanh chóng. Tuy nhiên, một số cha mẹ nhắn lên nhóm việc cá nhân làm ảnh hưởng tới phụ huynh khác. Thậm chí có người còn đưa những thông tin không chính xác làm nhiều phụ huynh hoang mang theo…

“Là giáo viên mầm non, tôi luôn lắng nghe tất cả vấn đề thắc mắc từ phía phụ huynh để giải quyết tốt nhất, mà nhóm Zalo là kênh tiếp cận rất hiệu quả. Nhưng bản thân có lúc cũng cảm thấy phiền phức khi phụ huynh nhắn tin hỏi đủ thứ chuyện ngoài nội dung liên quan tới việc học tập của trẻ. Thời gian hỏi bất kể ngày, đêm... Người này hỏi tôi trả lời rồi, người tiếp theo không đọc, lại hỏi... Thậm chí không ít ý kiến nhắn lên nhóm chưa mang tính chia sẻ, xây dựng mà nặng về tranh luận”, cô Thúy Lành bày tỏ.

Tương tự, cô Văn Ngọc Tường Vy - giáo viên chủ nhiệm lớp 1.4, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) cho hay, cách đây hơn 2 năm, nhóm chat Zalo do cô lập ra phụ huynh có thể trao đổi thông tin thoải mái. Tuy nhiên, trong quá trình tương tác, một số phụ huynh thường xuyên gửi thông tin không liên quan lên nhóm. Nhiều người còn đưa con điện thoại để cầm, rồi nhắn linh tinh vào đó. Thậm chí, có phụ huynh đưa một số mặt hàng lên giới thiệu mong mọi người ủng hộ... Vì vậy, đã có phụ huynh phải tắt thông báo của nhóm lớp. Một số khác rời nhóm và nhắn cho giáo viên là cảm thấy phiền, có gì sẽ trực tiếp liên hệ với giáo viên chủ nhiệm.

“Thực tế giáo viên có nhiều thông tin cần cập nhật hằng ngày. Nào nhóm Zalo chung để xem thông báo về kế hoạch nhà trường đưa ra, nhóm của tổ chuyên môn, chi bộ, công đoàn, lớp, đại diện hội phụ huynh, tin nhắn riêng của phụ huynh trong lớp. Vì vậy, sau khi thông báo và thống nhất, nhóm lớp chỉ có tôi được quyền nhắn tin đến phụ huynh. Bên cạnh đó, ban đại diện cha mẹ học sinh cũng thành lập một nhóm mở (không có giáo viên) để các phụ huynh trao đổi thông tin với nhau. Nếu phụ huynh có vấn đề gì có thể nhắn tin trực tiếp với tôi”, cô Vy nói.

Tiết dạy online của cô Văn Ngọc Tường Vy đầu năm 2022. Ảnh: TG

Tiết dạy online của cô Văn Ngọc Tường Vy đầu năm 2022. Ảnh: TG

Xác định rõ mục đích

Trước đây, khi Internet và mạng xã hội chưa phát triển, phụ huynh và giáo viên phải gọi điện hoặc gặp mặt trực tiếp để trao đổi thông tin. Điều đó khiến đôi bên nhiều khi bỏ lỡ tin tức quan trọng về học sinh hoặc biết tin muộn. Khi mạng xã hội phát triển, lần lượt các nhóm trò chuyện qua Facebook, Zalo ra đời, giáo viên và phụ huynh có thể nói chuyện bất cứ khi nào.

Chị Trịnh Thị Hải Yến có con học lớp 5 một trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức là thành viên của 2 nhóm trò chuyện chính thức qua Zalo (trong đó một nhóm do giáo viên chủ nhiệm lập ra để trao đổi thông tin với phụ huynh, một nhóm do ban đại diện cha mẹ học sinh lớp lập ra, không có sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm) và nhiều nhóm công việc, bạn bè... Trung bình mỗi ngày, chị nhận hàng trăm tin nhắn từ nhóm chat, nên phải lựa chọn nhóm nào để, nhóm nào tắt thông báo khi có tin nhắn mới.

“Tôi ưu tiên nhóm chat có giáo viên chủ nhiệm vì cần kịp thời cập nhật các thông báo liên quan đến việc học của con. Đối với các nhóm chat do phụ huynh lập ra, tôi để chế độ tắt thông báo, thỉnh thoảng vào xem tin nhắn vì không có thời gian đọc hết. Nhóm chat chung hơn 40 người, nếu việc gì mọi người cũng bàn luận thì sẽ trôi mất thông tin quan trọng, chưa kể nhiều trường hợp không tìm được tiếng nói chung dẫn đến công kích nhau, sử dụng ngôn ngữ thiếu kiểm soát”, chị Yến cho hay.

Trước thực trạng trên, TS Bùi Hồng Quân - giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết: Để sử dụng mạng xã hội phù hợp, trước tiên mỗi người cần xác định mục đích cụ thể (giải trí, trao đổi thông tin, kết nối với bạn bè…), từ đó quản lý thời gian sử dụng phù hợp. Trước khi dạy con điều gì, phụ huynh cần thực hiện điều đó với mục đích nêu gương. Thiết nghĩ mọi người cần chung sức giúp các hội, nhóm thực hiện đúng vai trò, chức năng, từ đó có tương tác phù hợp.

“Phụ huynh cũng nên xem group chat được giáo viên lập ra để truyền tải thông tin chung một cách nhanh nhất. Đây là nhóm chung nên tôn trọng mọi người trong nhóm và chủ yếu để có thông tin. Nếu cần trao đổi nhiều hơn, phụ huynh nên hẹn thời gian để trao đổi với giáo viên thay vì nói chung vào nhóm. Vấn đề, lời lẽ trao đổi nên cân nhắc vì nó phản ánh tinh thần và thái độ giao tiếp giữa phụ huynh với giáo viên”, TS Bùi Hồng Quân cho hay.

“Khi thiết lập hệ thống kênh thông tin đến phụ huynh học sinh, giáo viên cần thận trọng, cân nhắc và nắm được quy tắc quản lý, thực hiện kênh thông tin do mình lập ra sao cho hiệu quả. Giáo viên nên trau chuốt nội dung, thông tin trước khi đưa vào nhóm. Thông tin phải ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu. Giáo viên cần biết cách xử lý thông tin, câu hỏi, thắc mắc của phụ huynh một cách bình tĩnh, chỉn chu, chuẩn mực để tránh tạo áp lực cho phụ huynh và điều không hay cho bản thân”, TS Bùi Hồng Quân lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.