Có nên duy trì sổ liên lạc điện tử?

GD&TĐ - Nhiều trường học thành phố/huyện đang triển khai sổ liên lạc điện tử để cung cấp thông tin của học sinh tới phụ huynh.

Song không ít người cho rằng, khoản đóng góp này lãng phí, không cần thiết (dù nhỏ) chỉ để nhận tin nhắn lịch nghỉ, thi học kỳ, điểm, đóng học phí. Thay vào đó, có thể tận dụng kênh thông tin miễn phí khác mà vẫn hiệu quả.

Hạn chế chức năng

“Việc đóng góp này, tôi và nhiều phụ huynh nhận thấy không hợp lý. Xét về mặt kinh tế, 20.000 đồng/tháng tưởng như nhỏ nhưng hiệu quả thực tế gần như không phát huy thì vẫn là tốn kém và không cần thiết phải tiếp tục duy trì. Có thể tận dụng những kênh thông tin miễn phí khác như giáo viên đang triển khai…”, chị Hòa cho hay.

Chị Nguyễn Thu Hòa có con học lớp 3 Trường Tiểu học Trung Thành (Gia Lâm, Hà Nội) trao đổi: Mỗi tháng đóng 20.000 đồng/sổ liên lạc điện tử nhưng chỉ nhận được vài ba tin về lịch học, nghỉ học hoặc điểm thi, tiền đóng góp. Trong khi đó việc giao bài về nhà, hoặc trao đổi các vấn đề chung của lớp, học sinh vẫn được giáo viên triển khai trong nhóm phụ huynh. Hoặc cần trao đổi trực tiếp, giáo viên vẫn có thể gọi điện qua kênh Zalo, Facebook, Viber mà không liên quan tới sổ liên lạc điện tử.

Có 2 con đang học Trường Tiểu học, Trường THCS Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị Nguyễn Như Quỳnh cho biết: Thông tin về tình hình học tập, các vấn đề liên quan tới học sinh được trường cập nhật qua sổ liên lạc điện tử theo ngày hoặc cách ngày. Song nội dung thông tin vắn tắt, chung chung (GV trả bài kiểm tra thử môn Toán, Tiếng Việt; Phụ huynh nhắc con chữa lại bài làm chưa đúng; Bài văn viết thư của con chưa đạt yêu cầu, phụ huynh nhắc nhở đôn đốc con…

Nội dung cập nhật thường xuyên nhưng phụ huynh phải căng mắt luận thông tin không dấu; mặt khác nếu có luận đủ chưa chắc đã lĩnh hội hết, đúng những dặn dò mong muốn của giáo viên bởi quá ngắn gọn. Những thông tin đang triển khai qua sổ liên lạc điện tử giáo viên hoàn toàn có thể trao đổi riêng với từng phụ huynh hoặc nhóm Zalo để nắm bắt kỹ những điều cần triển khai, hỗ trợ để việc đồng hành trong giáo dục trúng, đúng trọng tâm.

Nội dung thông tin từ sổ liên lạc điện tử. Ảnh: TG

Nội dung thông tin từ sổ liên lạc điện tử. Ảnh: TG

Theo chị Như Quỳnh, bước vào thời 4.0, việc trao đổi giữa giáo viên với phụ huynh (đặc biệt ở thành phố, huyện…) hoàn toàn có thể lựa chọn nhiều hình thức điện tử không tốn kém mà vẫn đạt hiệu quả. Mặt khác, cách giao tiếp, trao đổi của giáo viên nếu kỹ càng, rõ ý thì phụ huynh càng dễ tiếp nhận và thực hiện.

“Nếu mỗi gia đình có 1 con đi học và đóng 127 nghìn/4 tháng cho sổ liên lạc điện tử thì không quá đắt. Nhưng hầu hết gia đình có 2 con, thêm khoản đóng góp dù nhỏ cũng trở thành gánh nặng. Với gia đình khó khăn càng hạn chế được đóng góp những khoản không hợp lý bao nhiêu tốt bấy nhiêu...”, chị Quỳnh bày tỏ.

Tại Trường Tiểu học Minh Khai (thành phố Hà Giang, Hà Giang), mỗi năm anh Nguyễn Văn Hồng đóng 60 nghìn/sổ liên lạc điện tử thế nhưng mỗi tháng chỉ nhận 1-2 tin nhắn. Như vậy, so với cước phí liên lạc thông thường là “đắt” mà việc trao đổi thông tin của học sinh tới phụ huynh cũng không đầy đủ.

“Không ít phụ huynh nhận thấy bất cập, lãng phí và không cần thiết với sổ liên lạc điện tử song nhà trường triển khai, con đang học thì chỉ biết im lặng thực hiện…”, anh Hồng trao đổi.

Từ bất hợp lý trên, nhiều phụ huynh cho rằng nên xem lại công năng của sổ liên lạc điện tử giữa nhà trường và gia đình. Thậm chí có người so sánh trước đây, sổ liên lạc bằng giấy chỉ vài nghìn nhưng dùng cho cả năm học. Giáo viên hàng tháng nhận xét, đánh giá năng lực học tập và phụ huynh theo dõi, ký tên vào sổ liên lạc giấy vẫn hiệu quả. Trong khi sổ liên lạc điện tử chi phí gấp mấy chục lần nhưng tính năng không khác.

Thông tin không dấu khiến phụ huynh khó khăn tiếp nhận. Ảnh: TG

Thông tin không dấu khiến phụ huynh khó khăn tiếp nhận. Ảnh: TG

Duy trì hay không sổ liên lạc điện tử?

Trước vấn đề có nên duy trì sổ liên lạc điện tử hay không? TS Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) bày tỏ: Công nghệ giúp cho con người tiện ích hơn trong cuộc sống, công việc… song việc triển khai sổ liên lạc điện tử hiện nay ở nhiều nhà trường không mang lại giá trị như mong muốn. Trong khi đó, nhiều công cụ liên lạc điện tử khác tiện ích hơn và hoàn toàn có thể miễn phí, dễ dàng tương tác cho cả giáo viên, phụ huynh.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh phản ánh sổ liên lạc điện tử chỉ để báo điểm, báo vắng, thông báo học phí… đôi lần/1 tháng, thậm chí vài tháng. Như vậy, việc đóng góp duy trì sổ liên lạc điện tử là sự lãng phí không cần thiết. “Cái gì tốt nên giữ, cái gì không tốt cần loại bỏ để tránh phiền hà không cần thiết cho phụ huynh. Mặt khác, giáo viên vẫn có thể nhắn tin, trao đổi qua Zalo, Facebook, Viber. Cần tận dụng các kênh miễn phí để phụ huynh bớt đi một khoản đóng góp lãng phí…”, TS Vũ Việt Anh bày tỏ quan điểm.

Cô Nguyễn Thị Thuận, nguyên giáo viên Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho rằng việc đóng góp, lo đủ cho các con đi học (đặc biệt gia đình đông con) và bố mẹ là công nhân viên thu nhập bình thường là áp lực không nhẹ. Do đó nếu cắt giảm được những khoản chi dù nhỏ và không phù hợp là cần thiết.

Không duy trì sổ liên lạc điện tử trong nhà trường, giáo viên vẫn có thể tìm được kênh thông tin điện tử phù hợp, không tốn kém khác thay thế. Những kênh này không khiến giáo viên thêm việc mà vẫn đạt được mục đích thông tin. Thậm chí, qua kênh thông tin miễn phí, nhà trường, giáo viên có thể tương tác, trao đổi với phụ huynh một cách cụ thể, truyền tải đủ nội dung, yêu cầu, mong muốn một cách rõ ràng, hiệu quả, tiện lợi nhất.

“Thời đại công nghệ, việc tìm ra những ứng dụng để thông báo miễn phí cho gia đình, tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và phụ huynh không khó. Các nhà trường cần nghiên cứu và đứng về phía quyền lợi của học sinh, gia đình nhiều hơn. Điều đó cũng thiết thực, tránh gây lãng phí không cần thiết …”. - TS Vũ Việt Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Antony Blinken trong cuộc họp với Ủy ban Tài chính Thượng viện về viện trợ cho Israel và Ukraine.

Di sản của ông Antony Blinken

GD&TĐ - Ông Antony Blinken đã dành hai tuần cuối cùng tại nhiệm để trả lời báo chí bảo vệ thành tích của mình với tư cách là nhà ngoại giao của Mỹ.

Nhiều người tuy tuổi còn trẻ nhưng đã suy giảm ham muốn tình dục. Ảnh minh họa: L.N

Phái mạnh cũng có lúc 'yếu'

GD&TĐ - Sức khỏe sinh lý từ lâu đã được coi là biểu tượng làm nên bản lĩnh và sự tự tin của phái mạnh.