Nhóm học sinh xây dựng dự án Thực hành trí tuệ cảm xúc

GD&TĐ - Nhóm học sinh tại Hưng Hà (Thái Bình) vừa xây dựng dự án Giải pháp thực hành trí tuệ cảm xúc, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả học tập.

Xuất phát từ quan sát thực tế, dưới sự đồng hành của giáo viên hướng dẫn, nhóm học sinh Nguyễn Ngọc Diệp - Đỗ Minh Đức (lớp 8A1, trường THCS Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình) vừa xây dựng dự án “Giải pháp thực hành trí tuệ cảm xúc để nâng cao ý thức thực hiện nội quy của học sinh THCS”.

Dự án hướng đến tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, từ đó đưa ra hệ thống các giải pháp nhằm giải quyết một cách hiệu quả những biểu hiện, hành vi chưa đúng trong thực hiện nội quy; điều chỉnh suy nghĩ, thái độ, lời nói, hành vi của học trò trở nên đúng mực, hài hòa. Trong đó, đề tài tập trung những vấn đề về thực hiện quy định trang phục, quy định trong giờ học…

nc1-2535.jpg
Nhóm học sinh thực hiện dự án và cô giáo hướng dẫn

Theo phân tích của đề tài, hành vi của con người chỉ là bề nổi, còn tảng băng chìm của nó là thế giới nội tâm, thế giới cảm xúc phong phú, phức tạp mà ta cần chạm tới, lay động, chuyển hóa. Thay vì mắng mỏ, trách phạt, dán nhãn, kỷ luật học sinh như cách làm thông thường, cần có kỹ năng thấu hiểu cảm xúc, nhận biết được xu hướng hành vi của mỗi học trò, từ đó định hướng tư duy để quản lý cảm xúc.

Nhóm dự án đã xây dựng hệ thống các giải pháp: Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành trí tuệ cảm xúc; Sưu tầm, biên soạn, thiết kế “Cẩm nang thực hành trí tuệ cảm xúc”; Làm thẻ bài luyện tập các kỹ năng của tư duy cảm xúc; Thiết lập kênh truyền thông Fanpage “Thực hành trí tuệ cảm xúc”, tạo cộng đồng học sinh cùng chia sẻ, học tập, thực hành, tiến bộ; Thiết kế phần mềm tương tác để hỗ trợ học sinh thực hành trí tuệ cảm xúc.

nc2.jpg
Một hoạt động thực hành trí tuệ cảm xúc tràn ngập niềm vui

Em Nguyễn Ngọc Diệp, đại diện nhóm dự án chia sẻ: “Chúng em nghiên cứu đề tài này xuất phát từ những gì quan sát trong thực tế, với mong muốn mỗi học sinh sẽ hiểu bạn bè và hiểu chính mình hơn, nói được tiếng nói của chính mình, đồng thời có kết nối sâu sắc hơn với thầy cô”.

Kết quả ban đầu sau áp dụng cho thấy, học sinh tự tin hơn khi được là chính mình với những điểm mạnh và điều còn hạn chế, để có động lực hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Giáo viên và học sinh có sự đồng cảm, thấu hiểu, kết nối, trường học trở thành môi trường nhân văn, giảm cớt căng thẳng để thay bằng nhiều niềm vui.

“Thực hành trí tuệ cảm xúc đã giúp học sinh có kỹ năng nhận diện cảm xúc, nhận diện xu hướng hành vi của cá nhân, biết tư duy hệ quả để điều tiết cảm xúc, lựa chọn hành vi phù hợp với chuẩn mực chung, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện nội quy trường học. Tìm về cái gốc, hiểu nguyên nhân để chia sẻ, tháo gỡ, không đánh giá phán xét quy chụp - đây cũng là một mục tiêu giáo dục của Nhà trường”.

Cô giáo hướng dẫn đề tài Lê Thị Thúy Hường - Hiệu trưởng Nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ