Nhọc nhằn “hái” Tết

GD&TĐ - Dưới tiết trời se lạnh ngày cuối năm, họ cố gắng dậy sớm để hái được nhiều cà phê hơn.

Người dân đi hái cà phê thuê với hy vọng có cái Tết ấm no, đủ đầy.
Người dân đi hái cà phê thuê với hy vọng có cái Tết ấm no, đủ đầy.

Số lượng cà phê hái càng nhiều đồng nghĩa với việc họ càng có thêm thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình và đón một cái Tết ấm no, đủ đầy hơn.

Đưa con lên rẫy

Như mọi năm, vào thời điểm này, người dân tại tỉnh Gia Lai đã thu hái xong cà phê để chuẩn bị chào đón năm mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhân công từ các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Phú Yên… không thể “ngược ngàn” lên Gia Lai thu hái cà phê. Chính vì vậy, tỉnh Gia Lai phải sử dụng nhân lực địa phương, dẫn đến tình trạng thiếu nhân công nên giá thuê “nhích” hơn so với những năm trước.

Ông Nguyễn Anh Quý, trú tại huyện Mang Yang (Gia Lai) có hơn 2 ha cà phê xen canh hồ tiêu đang cho thu hoạch. Như những năm trước vào thời điểm này, gia đình ông đã hoàn tất việc thu hái cà phê và bán cho thương lái.

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhân công từ các tỉnh miền Trung không thể lên. Do khan hiếm nhân công nên giá khoán tăng từ 80 nghìn đồng lên 100 nghìn đồng/tạ.

Theo ông Quý, sau nhiều ngày tìm kiếm, gia đình ông chỉ thuê được 3 nhân công thu hái cà phê. Mặc dù, giá cà phê năm nay tăng hơn so với năm trước nhưng năng suất không cao. Bên cạnh đó, cà phê để lâu trên cây, kèm với mưa gió nên khô và rụng nhiều, ảnh hưởng đến năng suất.

“Năm nay, giá cà phê nhích được một chút nhưng lại mất mùa và giá thuê nhân công hái tăng. Gia đình tôi còn nợ ngân hàng mấy trăm triệu đồng tiền vay để đầu tư vườn rẫy. Tuy nhiên, năng suất cà phê không đạt lại tốn nhiều chi phí, do đó gia đình đang lo không cầm cự được”, ông Quý nói.

Hơn 5 giờ sáng, vợ chồng anh Kros Dyk (SN 1995) cùng vợ là Rơ Mah H’ Thu Hồng (trú tại xã Ia Trol, huyện Ia Pa, Gia Lai) thức dậy nấu cơm để ăn và mang theo đi làm.

“Mọi năm chỉ có 2 vợ chồng đi hái khoán cà phê tại huyện Ia Grai. Nhưng năm nay, đứa con hơn 1 tuổi không có ai trông nên hai vợ chồng đành đưa con theo. Lúc mình hái thì cho con chơi hoặc ngủ dưới gốc cà phê.

Thương con còn nhỏ mà phải vất vả theo bố mẹ, nhưng năm nay dịch bệnh gia đình không có nhiều nguồn thu. Vợ chồng mình hy vọng sau đợt này sẽ có thêm chút thu nhập lo cho con ăn học và có cái Tết ấm no, đủ đầy hơn”, anh Kros Dyk chia sẻ.

Cũng theo anh Kros Dyk, hàng năm sau vụ cà phê, vợ chồng anh kiếm được hơn 10 triệu đồng. Tuy công việc vất vả, nhưng số tiền kiếm được giúp gia đình anh trang trải cuộc sống được một thời gian.

“Có những chủ vườn thấy gia đình mình khó khăn, thương tình lại cho thêm ít quà cáp để về ăn Tết. Tuy món quà không quá lớn nhưng là tấm lòng giữa người với người nên mình rất biết ơn. Mình mong rằng dịch bệnh mau chóng kết thúc để người dân ổn định cuộc sống”, anh Kros Dyk nói.

Con nhỏ không có người trông, vợ chồng chị Rơ Mah H’ Thu Hồng phải mang con theo đi hái cà phê.
Con nhỏ không có người trông, vợ chồng chị Rơ Mah H’ Thu Hồng phải mang con theo đi hái cà phê.

Mong cái Tết đủ đầy

Hiện nay, tỉnh Gia Lai có gần 100.000 ha canh tác cây cà phê. Trong đó có gần 88.000 ha cà phê đang vào vụ thu hái, tập trung ở huyện Chư Prông, Ia Grai, Đăk Đoa, Mang Yang và Chư Sê… đạt sản lượng 254.440 tấn/năm.

Thoăn thoắt đôi bàn tay chai sạn, vợ chồng anh Siu Hen (SN 1982) và chị Ksor Ni (SN 1983, huyện Ia Pa) tất bật hái cà phê. Với những cây cao, anh Siu Hen trèo lên thân, nhánh cây để hái ở những cành xa, còn chị Ksor Ni tuốt những cành phía dưới và nhặt số cà phê vương vãi ở gốc.

Sau khi hái xong một hố, 2 vợ chồng anh Siu Hen mỗi người một đầu kéo bạt qua gốc cà phê khác. Cứ thế, khi cà phê đầy bao, anh Siu Hen lại vác ra một góc để chủ vườn cân tính công.

Chị Ksor Ni chia sẻ, vợ chồng chị đã có “thâm niên” hơn 7 năm hái khoán cà phê. Mỗi ngày nếu chăm chỉ, sức khỏe tốt chị có thể hái được khoảng 3 - 4 tạ cà phê. Với mức giá khoán hiện tại là 100.000 đồng/tạ, vợ chồng chị có thể kiếm được khoảng 600.000 – 700.000 đồng/ngày.

Sau giờ học, một số em học sinh lên rẫy phụ bố mẹ hái cà phê.
Sau giờ học, một số em học sinh lên rẫy phụ bố mẹ hái cà phê.

“Tuy công việc vất vả nhưng nếu chăm chỉ vợ chồng mình cũng kiếm được mấy trăm nghìn đồng. Số tiền này cao hơn nhiều so với việc làm nương rẫy. Tuy nhiên, một năm chỉ được hơn 1 tháng hái khoán cà phê nên cũng chỉ trang trải được một thời gian”, chị Ksor Ni nói.

Còn anh Siu Hen tâm sự: “Công việc khá vất vả nhưng mình làm mãi cũng quen. Giờ đây hai vai của mình đầy vết xước và bầm tím vì vác cà phê. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh nên vợ chồng mình luôn cố gắng. Hết vụ thu hoạch cà phê nhà mình cũng kiếm được ít đồng để lo cho cuộc sống và chi tiêu dịp Tết”.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai, cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên năm nay trên địa bàn thiếu hàng nghìn nhân công thu hái cà phê. Do đó, phòng đã báo cáo và kiến nghị về những chính sách nhằm tạo điều kiện cho lao động được đến huyện hỗ trợ thu hái cà phê.

Còn theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến giữa tháng 11, có 44.160 lao động từ các tỉnh trở về địa phương. Trong đó lao động tự do chiếm khoảng 40%. Sở đang phối hợp rà soát, nắm danh sách các nhân công lao động thu hoạch nông sản trên địa bàn để kết nối, tạo điều kiện cho người lao động được quay về các tỉnh phía Nam làm việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.