Sáng đi chợ và làm Shipper…
Với việc liên tục xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bước vào đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 lần 2 trong năm 2021.
Để bảo đảm an toàn và sớm dập dịch thành công, chính quyền địa phương yêu cầu người dân “ở yên trong nhà”. Đội ngũ Shipper cũng tạm dừng hoạt động. Thay vào đó, lực lượng chức năng sẽ đi chợ thay cho bà con.
Theo lãnh đạo TP Buôn Ma Thuột, đây là việc cần làm để sớm truy vết được nguồn lây, nhằm khoanh vùng, dập dịch hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Tưởng, Chủ tịch UBND phường Ea Tam cho biết, sau khi có chỉ đạo của thành phố, phường đã thành lập 1 tổ đi chợ giúp người dân. Tổ đi chợ có tổng số 25 người, trong đó có cả cán bộ và nhân viên của phường cùng một số tình nguyện viên.
“Hiện, người dân phải ở trong nhà để thực hiện test Covid-19 toàn dân nhằm sớm phát hiện và cách ly F0. Nhu cầu mua các mặt hàng thiết yếu khá cao.
Hơn nữa, trên địa bàn có gần 2.000 sinh viên của trường Đại học Tây Nguyên bị “kẹt” lại ở các nhà trọ. Vì thế áp lực đi chợ thay càng lớn. Tổ đi chợ thay đã phải làm việc từ sáng tới đêm khuya, có khi phải “nợ đơn” đến sáng hôm sau mới trả được. Nhưng anh em không ngại vất vả, sẽ hết lòng phục vụ nhân dân” - ông Thưởng nói.
Còn anh Nguyễn Quang Giàu, Bí thư Đoàn phường Khánh Xuân cho biết, đội Shipper phường Khánh Xuân được thành lập từ khi TP Buôn Ma Thuột thực hiện chỉ thị 15+. Các thanh niên tình nguyện trong đội phải được test Covid theo quy định, họ sẵn sàng phục vụ người dân bất kể nắng mưa …
“Buổi tối chúng tôi lên lịch đi chợ theo đơn, sáng đi mua đồ sớm rồi ship tận từng gia đình. Cố gắng xong đơn để chiều còn ra đồng giúp dân. Quyết tâm không để dân phải lo lắng” - anh Giàu tâm sự.
Chiều cắt cỏ, thu hoạch nông sản giúp dân
Không chỉ tận tình, chu đáo trong việc đi chợ giúp dân, đội hình thanh niên tình nguyện của phường Khánh Xuân còn làm thay cả việc của “nhà nông”.
Cứ tầm 13 giờ 30’, các anh chị trong đội lại leo lên những chiếc xe công nông, những chiếc xe máy để đi cắt cỏ, bẻ bắp, thu hoạch nông sản rồi chở về giao cho các hộ dân trong buôn, trong xóm.
Đưa tay gạt nhẹ những giọt mồ hôi chảy dài trên trán, nữ sinh Đinh Thị Thanh Nga, lớp 12 trường THPT Lê Duẩn (thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn – PV) cho biết, chiều nay chúng em đi cắt cỏ và bẻ bắp cho người dân theo đơn đề nghị.
Nga kể khi Đoàn thanh niên Phường kêu gọi, em đã xin phép gia đình cho tham gia và được ủng hộ ngay. Việc tham gia tình nguyện này, giúp cho thanh niên trẻ như chúng em có thêm trải nghiệm thực tế sau những bài học về lòng nhân ái mà thầy cô, cha mẹ đã dạy dỗ.
“Em thấy rất vui và ý nghĩa vì may mắn được tham gia với các anh chị trong Đội shipper của phường, em sẽ cố gắng hết mình cùng các thành viên giúp đỡ người dân trong giai đoạn này” - Thanh Nga chia sẻ.
Cùng chung cảm xúc với Nga, em Trần Vũ Kiều Trinh - vừa tốt nghiệp lớp 12 tường THPT Lê Duẩn cho biết, sau khi thi tốt nghiệp cấp 3 xong, đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát em đã xung phong tham gia tình nguyện. Em trực ở chốt kiểm dịch xã Hòa Phú, cửa ngõ phía Nam, từ Đắk Nông vào tỉnh Đắk Lắk.
“Lúc đầu ba mẹ em không đồng ý vì lo, nhưng sau khi thấy các bạn đăng lên Facebook việc làm của đội rất ý nghĩa nên ba mẹ cho đi. Em rất vui vì góp được chút công sức nhỏ bé giúp đỡ những người dân trong lúc khó khăn này” - Kiều Trinh vui vẻ.
Theo chân các tình nguyện viên đến buôn Ê Rang, phường Khánh Xuân khi trời đã bắt đầu tối. Những giọt mồ hôi đã thấm đẫm trên màu áo xanh tình nguyện, thế nhưng bước chât của các anh chị vẫn thoăn thoắt đi giao cỏ, giao nông sản vừa thu hoạch từ rẫy về cho từng hộ gia đình.
Nhận bó cỏ non xanh từ tay tình nguyện viên, Mí Dung (buôn Ê Rang) không giấu được xúc động: "Chúng tôi yên tâm lắm, sáng nay đã nhận được thực phẩm rồi, giờ đến lượt nhận cỏ cho đàn bò đang nhốt trong chuồng. Tôi thay mặt gia đình và bà con trong buôn, cảm ơn các thanh niên tình nguyện. Nhìn thấy các cháu mồ hôi ướt như vậy, thương lắm. Già cũng chỉ biết bày tỏ thương vậy thôi”.
“Bò và dê nhà tôi mấy ngày này được ăn no lắm. Bắp cũng được các cô chú thanh niên tình nguyện bẻ mang về cho rồi. Giờ thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm ở nhà phòng chống dịch Covid thôi” - Ma Duy (buôn Ê Rang) phấn khởi khoe.