'Nhóc Maruko' trở lại

GD&TĐ - Cô bé Maruko tinh nghịch, hóm hỉnh với mái tóc 'thương hiệu' đến từ Nhật Bản đã mang đến tiếng cười, sự vui nhộn cho độc giả nhí Việt Nam.

NXB Kim Đồng chính thức đưa truyện tranh 'Nhóc Maruko' trở lại với độc giả hôm nay với bản dịch của Hương Giang. Ảnh: Anh Sơn
NXB Kim Đồng chính thức đưa truyện tranh 'Nhóc Maruko' trở lại với độc giả hôm nay với bản dịch của Hương Giang. Ảnh: Anh Sơn

Bên cạnh mèo máy Doraemon, cô bé Maruko tinh nghịch, hóm hỉnh với mái tóc “thương hiệu” đến từ Nhật Bản đã mang đến tiếng cười, sự vui nhộn cho độc giả nhí Việt Nam trong suốt nhiều thập kỉ trước. Mới đây, Nhà xuất bản Kim Đồng chính thức sở hữu bản quyền để câu chuyện thú vị ấy tiếp tục trở thành người bạn của tuổi thơ hôm nay.

Khác với đa phần những bộ truyện tranh khác, “Nhóc Maruko” là câu chuyện thời thơ ấu của tác giả Momoko Sakura. Chính những nét vẽ có phần thô và vụng về cùng lời thoại ngô nghê của một đứa trẻ ở đó mang đến cho độc giả ấn tượng khó quên. Và đọc “Nhóc Maruko” người lớn sẽ được trở về tuổi thơ, bật cười vì sao cô bé trong tác phẩm này lại giống mình đến thế.

Tập 1 của bộ truyện “Nhóc Maruko” được chia thành 7 phần với nhiều câu chuyện khác nhau. Phần đầu tiên gồm 9 chương lần lượt mang độc giả đến với những kí ức của một cô bé 9 tuổi trong kì nghỉ lễ hay những lúc phải xách balo đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa khác.

Các câu chuyện thật giản dị, tưởng chừng đã quá quen thuộc với mọi thế hệ độc giả nhưng qua những bức tranh, lời thoại do tác giả Momoko Sakura trình bày lại trở nên khác lạ, hấp dẫn.

Chương đầu tiên của phần 1 là hành trình của cô bé Maruko trở về nhà để đón kì nghỉ Hè. Tất nhiên, chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như Maruko không “nước đến chân mới nhảy” nên phải mang cả đống đồ đạc, đi bộ về nhà với: “Con búp bê dở hơi mình làm trong giờ thủ công lòi ra khỏi cặp trông ngu si quá”, “Nhưng lỉnh kỉnh nhất vẫn là cây mướp để làm bài tập quan sát”. Trên đường trở về nhà, cô bé gặp một học sinh khác cũng mang đồ lỉnh kỉnh giống mình, tưởng ai “ngớ ngẩn” lắm ai ngờ lại là bà chị: “Chị em nào phải người xa, cùng chung một nhà tính nết giống nhau” của mình. Một hình ảnh nữa cũng rất quen thuộc với các bạn học sinh thập niên trước cũng xuất hiện trong chương này chính là những người “nhìn thế nào cũng chẳng thấy mấy ổng giống “người tốt” gì hết trơn” đứng bán đồ lặt vặt lừa trẻ con để kiếm tiền.

Chương hai rồi đến chương ba, chương bốn cứ như vậy đến chương chín, độc giả sẽ được sống lại hầu hết những khoảnh khắc mà tất cả những đứa trẻ trên thế giới sẽ trải qua trong năm như ngày Tết, Noel hay chuẩn bị đồ khi đi dã ngoại… Cảm giác háo hức, nhưng lại tìm mọi cách để trốn việc dọn nhà trong ngày Tết hay cả những bí quyết chọn mua bánh kẹo cho chuyến đi dã ngoại cũng được nhắc đến.

Bên cạnh đó cũng là cảm giác nhàm chán của trẻ em khi phải đón Noel với sự sắp xếp của người lớn mà luôn mong chờ những khoảnh khắc nhỏ bé nhưng đầy tự nhiên. Hay là câu chuyện đứa bé nào cũng quyết tâm thức qua đêm để có thể đón được khoảnh khắc giao thừa rồi lại ngủ quên mất, mang đến bao cảm xúc bồi hồi cho người đọc.

Mỗi trang sách mở ra lại khiến cho độc giả bật cười vì sự ngây ngô, đáng yêu của Maruko nhưng cũng tạo ra những khoảng lặng, đầy bồi hồi xúc động khi nhớ về thời trẻ con.

Ngoài phần một với 9 chương, 6 phần còn lại chỉ có một chương về những câu chuyện nhỏ nhắn hơn. Đó có thể là về ngôi nhà của cô bé Maruko hay ước mơ kì cục được… chảy máu cam của trẻ con. Kì cục bởi lẽ chả ai muốn mình bị chảy máu mũi cả thế nhưng với những đứa trẻ con, việc “được” chảy máu mũi thật tuyệt vời.

Suy cho cùng điều này thật dễ hiểu bởi vì đứa trẻ nào cũng muốn được người khác để ý, quan tâm, chăm sóc yêu thương. Cả việc thực hiện “Đặc quyền khi trực chăn nuôi” cũng được tác giả nhắc tới. Cô bé Maruko đã có một sáng kiến như bao đứa trẻ con khác là đi ngược lại với những cách làm thông thường của người lớn.

Thay vì lùa gà vào trong bu để có thể nhặt được trứng, cô bé đã chui vào trong bu và tiến đến nhặt trứng. Thật hồn nhiên và có phần ngốc nghếch nhỉ. Thế nhưng thế mới là trẻ con, mới là cô bé Maruko đáng yêu chứ.

Trong 6 phần này, có lẽ gây ấn tượng với độc giả nhất là phần “Biết ơn thầy cô!”. Tại đây, nhiều kỉ niệm với các thầy cô được tác giả kể lại và có lẽ cũng giống với kỉ niệm của nhiều người.

Có thầy cô rất đáng yêu, cũng có người có những tật xấu thế nhưng “Trên đời này có rất nhiều giáo viên. Họ cũng là con người… Có lúc được yêu, có khi bị ghét. Nhưng dù nhăn nhó khó chịu, hằng ngày họ vẫn nghiêm chỉnh đến trường… Các thầy cô đã vất vả rất nhiều rồi”. Trang sách cuối khép lại phần “Biết ơn thầy cô!” cũng đã nói được tấm lòng của biết bao thế hệ học sinh với những người đã dạy dỗ mình trong suốt năm tháng.

Theo thông tin từ Nhà xuất bản Kim Đồng, từ tháng 9/2023, mỗi tháng đơn vị này sẽ phát hành một tập “Nhóc Maruko”. Quả là thật đáng mong chờ để cùng tiếp nhận năng lượng tích cực và thư giãn bằng những trận cười sảng khoái từ những “gây sự” của cô bé Maruko đáng yêu...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con được tự do khám phá và hòa mình với thiên nhiên, không ngại đất cát hay bị bẩn. Ảnh: NVCC.

Sáng tạo từ… 'nghịch bẩn'

GD&TĐ - Trẻ sáng tạo sẽ thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề, đổi mới hay khám phá ra những lĩnh vực mới lạ.